Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thủy sản đã dần ổn định và lấy lại đà tăng trưởng.
Cán đích 2 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62%, ước đạt 635 triệu USD. Theo đó, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những điểm nhấn của bức tranh thủy sản trong 2 tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra tăng mạnh, đạt 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trị giá xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số. Tính tới hết tháng 2/2022, tổng trị giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2/2022, trị giá xuất khẩu đạt gần 42 triệu USD, tăng 167%.
Cũng theo VASEP, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng.
Đặc biệt, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ, dự báo giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Tôm cũng là mặt hàng chủ lực đạt nhiều kết quả khả quan về xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2022. Xuất khẩu tôm đã có sự tăng trưởng là 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất với 157%.
Ba thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt. Riêng với thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, sự tăng trưởng tốt ở thị trường này đã giúp Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong các nguồn cung tôm chính cho Mỹ.
“Xuất khẩu thuỷ sản trong quý I/2022 có thể sẽ mang về khoảng 2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD” – VASEP dự báo.
Có được kết quả trên theo VASEP, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại thủy sản thế mạnh như tôm, cá tra... Sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như thời điểm trước dịch.
Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng, nên cả ngư dân và doanh nghiệp đều lạc quan vào một năm bội thu, tất cả đều đang phấn khởi tích cực sản xuất.
Tận dụng lợi thế
Mặc dù đạt được kết quả tích cực song theo các chuyên gia bên cạnh những cơ hội thì ngành thủy sản gặp không ít thách thức như: giá nguyên liệu tăng; các thị trường lớn bị tác động bởi dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng…
Thực tế cơ hội đầu ra, về thị trường cho ngành thủy sản rộng mở nhưng việc thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.
Để khắc phục những khó khăn này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng. Như vậy, thủy sản Việt trong năm nay sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn lớn.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng của ngành hàng; đặc biệt là chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gắn kết với cơ sở chăn nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ.
Với lĩnh vực chế biến, cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, xúc tiến thương mại, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm thất thoát sau thu hoạch.