Phẫu thuật thẩm mỹ: Chính quyền chỉ biết khi sai phạm 'lên báo'?
Thẩm mỹ đang được xem là nghề hái ra tiền. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử lý đối với các cơ sở thẩm mỹ “chui” hay hoạt động quá phạm vi được cấp phép hiện còn quá nhẹ tay. Thế nên, nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn đang phớt lờ quy định, chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hoạt động.
Siết chặt quản lý từ cơ sở
Địa bàn quận Ba Đình hiện có 6 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ và hơn 90 cơ sở chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp được cấp phép hoạt động.
Trước tình trạng trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp hoạt động không phép, quá phạm vi chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền, UBND quận Ba Đình vừa có văn bản yêu cầu Công an quận, Phòng Y tế, Phòng Văn hóa và thông tin và UBND 14 phường thuộc địa bàn tăng cường kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Thực tế kiểm tra thời gian qua, ông Hoàng Hy Thiêm, Trưởng phòng Y tế, quận Ba Đình cho biết, những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép đều hoạt động đúng quy định, hầu hết đều không để xảy ra bất kỳ tai biến bất thường nào cho khách hàng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Thiêm chia sẻ những khó khăn trong quá trình quản lý, kiểm tra, rà soát với những cơ sở hoạt động trá hình.
Theo ông Thiêm, hiện nay, nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp quảng cáo tràn lan nhằm thu hút người dân tìm đến thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, thực hiện những thủ thuật quá khả năng của cơ sở đó. Mức độ an toàn của các cơ sở này thấp hơn nhiều so với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở không treo biển, không xin giấy phép, hoạt động “chui”, trá hình cũng đang tồn tại là một thách thức với cơ quan quản lý.
Thời gian qua, lực lượng chức năng của quận nói riêng và thành phố nói chung đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra đột xuất với các cơ sở làm đẹp trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở có sai phạm. Tuy nhiên, ông Thiêm cho rằng, lực lượng thanh tra còn mỏng trong khi số lượng cơ sở làm đẹp quá lớn là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả quản lý trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ còn hạn chế.
Để chủ động chăm sóc sức khỏe cho người dân, ông Thiêm nêu quan điểm, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có lực lượng kiểm tra liên ngành, gồm: công an, y tế, UBND phường, quản lý thị trường, văn hóa và thông tin… để nắm bắt, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở không treo biển hiệu, hoạt động chui. Việc quản lý chặt đăng ký tạm trú, tạm vắng cũng rất quan trọng.
Ngoài ra, ông Thiêm cho rằng, hiện nay mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai quy định còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thế nên, nhiều cơ sở chấp nhận nộp phạt để được hoạt động. Vì vậy, đối với các cơ sở thẩm mỹ để xảy ra vấn đề tổn hại sức khỏe cho người dân cần có chế tài xử lý gắn với truy tố trách nhiệm hình sự.
Về phía người dân, ông Thiêm khuyến cáo, người dân không nên ham rẻ, không đi làm đẹp từ những lời truyền tai nhau. Trước khi đi làm đẹp, người dân cần tìm hiểu thật kỹ năng lực của cơ sở thẩm mỹ đó.
Ông Thiêm cũng bày tỏ mong muốn, những người làm nghề phẫu thuật thẩm mỹ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, lương tâm với khách hàng. Dù biết lợi nhuận từ nghề cao nhưng hãy đặt sức khỏe của người bệnh lên trên hết.
Người dân đồng hành cùng cơ quan quản lý
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong thời điểm hiện nay, thẩm mỹ được cho là nghề dễ hái ra tiền. Vì vậy mà ngày càng có nhiều người không có chuyên môn, tay ngang lại đi học thẩm mỹ rồi dạy thẩm mỹ, phẫu thuật thẩm mỹ, mở các cơ sở thẩm mỹ “chui”.
Mặt khác, theo luật sư Tiền, trên thực tế, rất hiếm trường hợp cơ sở thẩm mỹ chui bị xử lý hình sự, chỉ bị xem xét trong trường hợp nạn nhân tử vong.
Trong khi đó, mức phạt tiền đối với xử lý vi phạm hành chính lại quá thấp đối với lợi nhuận thu về từ hình thức kinh doanh này. Cho nên các cơ sở thẩm mỹ “chui” cứ dẹp nơi này lại mọc lên ở nơi khác, vẫn vô tư vi phạm, chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, phát hiện vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ lại như “mò kim đáy bể”. Bởi lẽ, các cơ sở kinh doanh thường núp bóng dưới các loại hình kinh doanh khác.
Hơn nữa, công tác quản lý trong lĩnh vực thẩm mỹ hiện nay còn nhiều lỗ hổng, cấp phép nhiều nhưng khâu hậu kiểm chưa chặt chẽ; một số cơ sở hoạt động sai phép, khi hậu quả xảy ra chính quyền mới biết.
Để giải quyết tình trạng thẩm mỹ “chui”, Luật sư Tiền cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, rất cần nâng cao công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Theo đó, các cơ quan y tế và cơ quan chức năng tại các địa phương cần tăng cường phối hợp, rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiến hành thu hồi, tước giấy phép hành nghề, tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tổn thương cơ thể nạn nhân từ 11% và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân và những cơ sở hành nghề về quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh sự quyết liệt trong công tác quản lý, Luật sư Tiền cũng cho rằng: “Người dân cần đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử phạt các hành vi vi phạm, không để cho nạn dịch vụ thẩm mỹ “chui” hoành hành trên thị trường, đe doạ trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của người dân”.