Huyền thoại về cây đàn piano đầu tiên ở Hàn Quốc
Vào cuối tháng 3/1900, đường phố và các khu chợ ở Daegu đã bàn tán sôi nổi về sự xuất hiện của 'chiếc hộp ma quái' - một chiếc hộp kỳ diệu phát ra những âm thanh kỳ lạ.
Daegu và “chiếc hộp ma quái”
Trở lại thời điểm tháng 3/1900, khi đường phố và các khu chợ ở thành phố Daegu tràn ngập sự mong đợi và ngạc nhiên. Người dân bàn tán sôi nổi về sự xuất hiện của một “chiếc hộp ma quái” - một chiếc hộp kỳ diệu phát ra những âm thanh kỳ lạ họ chưa từng được nghe thấy trước kia.
“Chiếc hộp ma quái” – được thế giới biết đến với tên gọi ‘đàn piano’ – đã được tặng cho hai nhà truyền giáo, Richard và Effie Sidebotham, như một món quà chia tay từ bạn bè và gia đình của họ.
Gia đình Sidebothams sau đó đã đến Hàn Quốc vào tháng 11/1899 và dành ít nhất vài tuần ở thủ đô Seoul trước khi được chỉ định đến thành phố Daegu. Khi đã ổn định cuộc sống tại ngôi nhà mới, họ đã gửi tặng những món đồ yêu quý nhất cho người dân nơi đây – bao gồm cả cây đàn piano.
Vào ngày 26/3, cây đàn piano, ‘đã bảo quản kỹ càng cho chuyến du lịch đại dương’, được đưa lên một khúc sông ở Busan và xuôi theo sông Nakdong đến bến phà Samunjin tại thành phố Daegu. Một đội gồm 31 người đàn ông đã hộ tống vận chuyển cây đàn đến Hàn Quốc và khuân vác đến nơi ở của các nhà truyền giáo ngày 28/3.
Một bài báo xuất hiện trên trang chủ của Hội Lịch sử Giáo hội Trưởng lão ghi chép lại rằng, người dân Hàn Quốc ở Daegu ban đầu không hề thích sự xuất hiện của cây đàn piano bởi nó phát ra một tiếng ồn rất kỳ lạ. Chính bởi vậy, thời điểm đó cây đàn mới có tên gọi là “chiếc hộp ma quái”. Nhưng cuối cùng cây đàn piano này lại trở thành một phần truyền thuyết và văn hóa của thành phố Daegu.
Năm 2013, Nhật báo Daegu đã tuyên bố đây chính là cây đàn piano đầu tiên ở Hàn Quốc. Người phát hiện ra sự thật là Sohn Tae-ryong, Chủ tịch Hiệp hội Văn học Âm nhạc Hàn Quốc,
Bức thư được gia đình Sidebothams gửi tặng vào năm 2009 cho Bảo tàng Busan đã chứng minh sự thật này, và có vẻ khá ngạc nhiên khi rất nhiều người dân đã chấp nhận tuyên bố này như một sự thật hiển nhiên.
Đàn piano những năm 80-90
Vào mùa xuân năm 1884, Edward H. Parker, 34 tuổi, được bổ nhiệm đến thành phố Busan với tư cách là phó lãnh sự Anh. Vào thời điểm này, cộng đồng người nước ngoài ở Busan chủ yếu bao gồm các thương nhân Nhật Bản và một số ít người phương Tây làm việc cho Hải quan Hoàng gia Hàn Quốc.
Sự xuất hiện của Parker tại cộng đồng cư dân Busan được đánh giá rất cao bởi ông là một người được giáo dục rất tốt (ông học tiếng Trung Quốc trong khoảng thời gian 1869-1871), hiểu biết về nhiều nền văn hóa do thường xuyên đi chu du (ghé thăm Mông Cổ cũng như nhiều cảng khác nhau trên khắp châu Á) và là người có thiên phú về âm nhạc.
Trong một bức thư gửi về gia đình ở Mỹ, Jenny Lovatt (vợ của Ủy viên Hải quan Busan William Lovatt) đã viết vào tháng 5/1884: “Ông Parker đã mang theo một cây đàn piano, cây đàn đầu tiên ở Fusan [Busan]”.
Trong gần một năm, ông Parker đã đàn cho bạn bè và du khách nghe bằng khả năng chơi piano tuyệt vời của mình, nhưng vào cuối tháng 5/1885, ông đã bị điều chuyển đến thủ đô Seoul. Jenny đã vô cùng tiếc nuối về sự ra đi của Parker bởi ông có một “cây đàn piano hoàn mỹ”.
Có thể Parker đã mang theo cây đàn piano của mình đến thủ đô Seoul nhưng - xét từ những sự kiện xảy ra trong một vài năm tới - có lẽ không có nhiều thời gian để ông chơi những khúc nhạc hay.
Bên cạnh đó, vào những năm 1890, đã có ít nhất một vài cây đàn piano ở thủ đô Seoul - và không chỉ trong nhà của những người truyền giáo.
Vào tháng 9/1894, một buổi hòa nhạc đã được tổ chức tại Seoul Union bởi ba thành viên của đội cận vệ American Legation. Theo một trong những vị khách, “âm nhạc được chơi ở ngoài hiên và những người lính ngồi phía ngoài, đó là một đêm tuyệt vời”.
Một số người trong số các sĩ quan âm nhạc đã chơi những bản nhạc mê hoặc lòng người từ đàn piano, guitar và banjo. Ngoài buổi biểu diễn trong quân đội, vợ của một kiến trúc sư người Nga còn góp vui bằng chính tiếng hát của mình. Một bữa tối thịnh soạn được phục vụ trong phòng thư viện và “không có sự kết hợp nào hoàn hảo hơn”.
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc John Sill cũng đã mang theo một cây đàn piano khi ông đến đây vào năm 1894. Trong thư gửi về nhà, ông không viết nhiều về cây đàn piano của mình mà thay vào đó, ông viết về chiếc thùng vận chuyển đàn mà sau đó đã chuyển thành bồn hoa cho cây cối trong nhà. Ông đã cẩn thận xâu chuỗi sợi dây cho những cây nho của mình và đặt tên không gian nhỏ xinh của mình là “Vườn treo Babylon”.
Trước năm 1900, một số lượng lớn đàn piano đã xuất hiện ở Hàn Quốc. Ông RD Mackie, đại diện của Robinson Piano Co., (có văn phòng tại Thượng Hải, Hong Kong và Singapore) đã đến thủ đô Seoul vào ngày 10/7/1898, và dành một tuần để “sửa chữa và điều chỉnh đàn piano”.
Cuối năm đó, khi Ferdinand Krien (đại diện của Đức tại Hàn Quốc) rời thủ đô Seoul, ông đã bán hầu hết các mặt hàng gia dụng của mình, bao gồm “một chiếc piano Anh tốt (do Collard & Collard, London sản xuất), một chiếc xe đạp cao cấp gần như còn mới, cùng một chiếc yên ngựa và dây cương của Anh không thể xịn hơn”.
Cũng có nhiều khả năng cung điện Hàn Quốc cũng sở hữu một cây đàn piano trước “cây đàn piano đầu tiên ở Hàn Quốc” của gia đình Sidebothams. Theo ấn bản tháng 11/1901 của Tạp chí Hàn Quốc (một tạp chí tiếng Anh xuất bản tại thủ đô Seoul):
“Khoảng 2 giờ sáng ngày 16, một trong những căn nhà ở phía sau Thư viện Hoàng gia, ngay phía tây của US Legation, bốc cháy không rõ nguyên nhân. Nếu có bất kỳ sự giúp đỡ nào đó, đám cháy đã có thể dễ dàng bị ngăn chặn trước khi cháy lan sang tòa nhà chính. Nhưng nơi đây dường như rất vắng vẻ và chúng ta đã mất đi một tòa nhà rất giá trị của Chính phủ. Trong Thư viện có rất nhiều sách giá trị và tất cả đều bị phá hủy cùng với đồ đạc, trong đó có cả một cây đàn piano”.
Vậy đâu mới là “cây đàn piano đầu tiên ở Hàn Quốc”, câu hỏi đó có lẽ còn rất lâu mới tìm được câu trả lời chính xác nhất.