Điều hành giá xăng, dầu: Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức trong xăng, dầu để phù hợp thực tế, minh bạch. Vai trò quản lý nhà nước trong điều hành giá xăng, dầu sẽ được phát huy như thế nào trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp?
Chuyên gia kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Điều hành giá xăng dầu, một lần nữa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần bám sát diễn biến giá thế giới; sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu hợp lý và kết hơp với thuế, các công cụ khác để bình ổn thị trường. Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao thì hỗ trợ trực tiếp người dân gặp khó khăn, như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Chính phủ cũng cần có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... cần được kiểm tra, xử lý nghiêm.
Xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng chịu tác động biến động rất lớn trên thế giới, điều hành giá xăng dầu nóng hơn bao giờ hết. Về cơ bản, giá xăng dầu trên thế giới như nhau, nhưng tại sao giá xăng dầu ở các nước bán lẻ cuối cùng lại khác nhau. Nhiều quan điểm cho rằng, cần phải đưa giá xăng dầu trong nước sát với giá xăng dầu thế giới.
Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, sở dĩ có sự khác biệt về giá bán lẻ cuối cùng ở mỗi nước là do khoản thu ngân sách mỗi nước khác nhau. Ở Việt Nam khoản thu ngân sách nhà nước từ xăng dầu là đáng kể, do vậy khi can thiệp vào giá có thể chạm được vào một số vấn đề.
Thứ nhất, là hình thức kinh doanh xăng dầu: Khi xây dựng giá cơ sở xăng dầu sử dụng giá giao ngay mà tại sao không sử dụng kỳ hạn, sử dụng hợp đồng tương lai, công cụ ngăn chặn, hạn chế rủi ro về giá? Bên cạnh đó cần tư duy tổng thể yếu tố quan trọng liên quan đến xăng dầu, đó là câu chuyện tỷ giá hối đoái. Muốn nhập xăng dầu cần ngoại tệ, sản xuất xăng dầu trong nước cũng cần ngoại tệ. Vì Việt Nam nhập khẩu ròng dầu thô, bán 1 triệu tấn thì nhập 2 triệu tấn, như vậy tỷ giá hối đoái cực kỳ quan trọng.
Thứ hai, là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt vì nó là năng lượng không tái tạo, không thể tái sinh, dùng là hết; xăng dầu gây ô nhiễm môi trường trực tiếp… Như vậy về mặt pháp lý vẫn áp dụng được thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu, nhưng cần đặt thuế TTĐB đó trong tổng các khoản thu ngân sách.
Theo khẳng định của TS Ánh, cần đánh giá tất cả các khoản thu hiện tại, công cụ thuế, công cụ thu ngân sách đó sẽ sử dụng ra sao và đặt vấn đề căn cơ đối với thuế, thu ngân sách xăng dầu để sử dụng hữu hiệu công cụ này.
Điều hành cân bằng lợi ích?
Để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng cần có dư địa, công cụ can thiệp để hài hòa lợi ích của các bên, đó là Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài phải tính tới công cụ thuế linh hoạt hơn, tính tới bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơn với môi trường. Thiết kế các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu, hay người sử dụng xăng dầu; cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối.
Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu Ethanol để phối trộn, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Ông Đông cũng cho rằng cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối.
Liên quan tới Quỹ bình ổn, đại diện Vụ Thị trường trong nước thông tin, để giữ giá xăng dầu (khi giá thế giới biến động từ 40-60%), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ đã tính toán việc sử dụng quỹ linh hoạt nhằm giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%.
Xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng, dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng chịu tác động biến động rất lớn trên thế giới, điều hành giá xăng dầu nóng hơn bao giờ hết.