Gia tộc Sassoon - Triều đại kinh doanh hàng đầu châu Á thế kỷ 19
Vào giữa thế kỷ 19, gia tộc Sassoon - một đế chế buôn bán huyền thoại từng được coi là triều đại kinh doanh hùng mạnh nhất châu Á.
Trở lại giữa thế kỷ 19
Phía xa bến cá vụn ở ‘thành phố của những giấc mơ’ Mumbai hay trên Bến Thượng Hải sầm uất, ít ai biết đến danh tiếng của gia tộc Sassoon. Tuy nhiên, đây lại từng là một đế chế buôn bán huyền thoại, có thể được tuyên bố là đế chế đa quốc gia đầu tiên thực sự bành trướng khắp thế giới. Câu chuyện đầy kịch tính, đậm chất truyền kỳ về gia tộc Sassoon vốn đã ít nhiều chìm vào quên lãng từ sau năm 1949.
Trở lại giữa thế kỷ 19, gia tộc Sassoon là triều đại kinh doanh hùng mạnh bậc nhất châu Á. Sự suy tàn của họ là một lời cảnh báo cho những ‘ông trùm’ với mơ ước kéo dài sự thịnh vượng và giàu có đến nhiều thế hệ sau.
Câu chuyện bắt đầu với tộc trưởng David Sassoon. Gia đình ông là trụ cột của một cộng đồng Do Thái ở ‘xứ sở nghìn lẻ một đêm’ Baghdad, từ thời Thành quốc Babylon còn tồn tại. Ông David, giống như nhiều bậc tiền bối, từng là người cai quản của cải cho ‘Mamluk’ – những tên lính nô lệ, thành viên của một trong những đội quân nô lệ được thành lập trong thời Đế quốc Abbasid mà sau đó giành được quyền kiểm soát chính trị tại một số quốc gia Hồi giáo.
Chạy trốn khỏi Baghdad dưới quyền cai trị của Đế quốc Ottoman đến Bombay (tên gọi cũ của thành phố Mumbai, Ấn Độ) vào năm 1832, với tài năng và vốn liếng của gia đình, David Sassoon đã trở thành một trong những thương nhân giàu có nhất ở thành phố Bombay trước khi mở rộng công việc kinh doanh sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Thượng Hải. Thành phố Bombay chính là bàn đạp cho sự hưng thịnh của gia tộc Sassoon sau này.
Với tám người con trai của mình, David đã tạo ra một đế chế kinh doanh ở Trung Quốc, từ việc buôn bán thuốc phiện đến bất động sản, khách sạn, tài chính… Theo thời gian, những người con trai được gửi đến điều hành các tiền đồn kinh doanh trải dài từ cảng Yokohama (Nhật Bản) đến thủ đô London (Anh), qua bờ biển Trung Quốc, Calcutta (Ấn Độ) và Cairo (Ai Cập).
David Sassoon cùng các con cháu của ông đã trở thành một trong những thương nhân giàu có ở Trung Quốc, kiểm soát phần lớn hoạt động buôn bán thuốc phiện vào thời kỳ đỉnh cao. Không một ai từng nghi ngờ về khả năng của David với bộ óc kinh doanh khôn ngoan nhưng không kém phần thận trọng.
Victor Sassoon – người chắt trai của David – đã đưa ra sự lựa chọn định mệnh, chuyển công việc kinh doanh của gia đình từ Ấn Độ đến Thượng Hải. Ông đã mua lại khu đất nổi bật nhất trên Bến Thượng Hải, ở giao lộ của đường Nam Kinh và bờ sông Hoàng Phố. Tại đây, Victor đã xây dựng một trụ sở mới cho doanh nghiệp gia đình – Tòa nhà Sassoon – cao hơn 15m so với tòa nhà cao nhất thành phố thời điểm đó, đồng thời thành lập một khách sạn tráng lệ mang tên Cathay (tên gọi được thương gia người Venezia Marco Polo sử dụng để gọi tên Trung Quốc).
Một đế chế hùng mạnh dần biến mất
Sassoon đã chèo lái con thuyền đế chế kinh doanh của gia tộc ngày một thịnh vượng. Đặc biệt, Chiến tranh thuốc phiện thế kỷ 19 giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc đã đổ thêm vận may cho gia tộc Sassoon, khi Anh ép bán thuốc phiện của Ấn Độ cho Trung Quốc vào năm 1839.
Gia tộc Sassoon đã trở thành những kẻ buôn bán thuốc phiện, cùng với việc chuyển giao thương trở lại mặt hàng chè Trung Quốc và bông Ấn Độ đến Vương quốc Anh. Cuộc nội chiến của Mỹ cũng đã chống lưng cho gia tộc Sassoon, những thương nhân Do thái đã gửi bông đến các nhà máy ở Lancashire khi bị cắt khỏi các đồn điền của Liên minh miền Nam.
Một đối thủ cạnh tranh của gia tộc Sassoon đã tóm gọn thời kỳ giao thương đỉnh cao của họ trong một câu nói: “Bạc và vàng, lụa, gôm và gia vị, thuốc phiện và bông, len và lúa mì — bất cứ thứ hàng hóa nào di chuyển trên biển hoặc đất liền đều có thể cảm nhận được hơi thở hoặc mang dấu ấn của gia tộc Sassoon”.
Họ đã nhanh chóng trở thành một trong những triều đại kinh doanh hùng mạnh và giàu có nhất ở châu Á. Không chỉ là một ông trùm kinh doanh một chiều, có lẽ không quá lời khi ghi nhận Victor đã có công to lớn khi biến Thượng Hải trở thành một thành phố đẳng cấp thế giới vào thời điểm đó.
Sau đó không lâu, vào năm 1864, tộc trưởng David Sassoon qua đời và cuộc chiến giữa ‘những người thừa kế’ đã bắt đầu xảy ra. Elias – một người con trai đầy tham vọng, đã châm ngòi cho cuộc cạnh tranh. Scions – một người con trai khác, đã trôi dạt đến Anh và mua cho mình những ngôi nhà tốt. Thế hệ sau của gia tộc Sassoon đã tẩu tán ‘mỗi người một phương’.
Việc chuyển giao thương đến Anh quốc đã làm mất đi nguồn lực kinh doanh của gia tộc. Giờ đây, xung đột lại càng làm vết thương trở nên sâu hơn: tình trạng sụt giảm giá bông sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã nhấn chìm công việc kinh doanh của gia tộc Sassoon.
Họ đã có lần cuối cùng tung hoành ở Thượng Hải vào những năm 1930, dưới quyền của Victor Sassoon, một tay chơi hóm hỉnh và là chủ của khách sạn Cathay. Tuy nhiên, cuối cùng, khi cuộc Cách mạng Trung Quốc nổ ra năm 1949, Victor Sasson đã buộc phải rời khỏi Trung Quốc và phần lớn tài sản của ông bị tịch thu.
Những gì còn lại của đế chế Sassoon giờ đây đã nằm trong tay của những kẻ điều hành ngoại tộc.