Hài hòa quyền lợi
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 17/2022 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết đã quy định rất cụ thể, chi tiết, rõ ràng số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng; quy định rõ trần tối đa của việc làm thêm và được sự đồng ý của người lao động. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại Nghị quyết 17, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Bộ luật Lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Lâu nay, việc làm thêm giờ là một trong những vấn đề được người lao động quan tâm, đặc biệt trong những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân. Đó không chỉ là việc phải làm thêm “vô tội vạ” như thể không có điểm ngừng nghỉ, kể cả chủ nhật, ngày lễ, có khi còn được “động viên làm xuyên Tết”.
Thực ra, người lao động có được nhiều việc làm là rất quý, nhất là trong bối cảnh đại dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải dừng hoạt động hoặc giãn việc. Tuy nhiên, quy định là để áp dụng lâu dài, bền vững, hợp lý hợp tình chứ không đặt ra chỉ mang tính thời điểm hoặc là giải pháp tình thế. Quy định làm thêm giờ đối với người lao động dựa trên Bộ luật Lao động là để đáp ứng quyền lợi của cả người sử dụng lao động lẫn người lao động, có tính đến việc ngăn chặn người sử dụng lao động ép người lao động phải làm thêm quá nhiều, khiến họ khó tái tạo sức lao động và tổ chức cuộc sống sinh hoạt của cá nhân và gia đình mình; cho dẫu có thu nhập tăng thêm đi chăng nữa.
Bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hỗ trợ và tăng cường các chế độ phúc lợi cho người lao động để cùng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đó chính là đích nhắm đến của các Nghị định, của Bộ luật Lao động. Thời gian qua, nhìn chung quyền lợi của người lao động đã được bảo đảm, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng tối đa số giờ làm thêm nên trong trường hợp người sử dụng lao động tận dụng thời gian, sức lực của người lao động quá nhiều thì họ và kể cả tổ chức công đoàn cũng khó có ý kiến để bảo vệ. Thực tế cho thấy, đã có một số vụ công nhân tự phát đấu tranh với người sử dụng lao động với nhiều hình thức, tạo ra những bức xúc không đáng có và kể cả những hệ lụy kéo theo.
Nay, quy định tại Nghị quyết 17 của Quốc hội chính là hành lang pháp lý để các bên cùng thực hiện, cùng bảo đảm quyền lợi của nhau. Nhất là với người lao động, Nghị quyết 17 sẽ là công cụ bảo vệ, bảo đảm để họ không bị tận dụng quá sức, quá nhiều thời gian. Điều đó cũng cho thấy tính ưu việt của chế độ ta khi bảo đảm quyền lợi của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động một cách hài hòa.