Luật vẫn 'chạy theo' thực tiễn cuộc sống
Giá xăng, dầu leo thang ảnh hưởng đến đời sống người dân, để ứng phó trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo GS. Đào Trọng Thi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), các quy định pháp luật của ta luôn “chạy theo” thực tiễn cuộc sống.
PV:Thưa ông, thực tế chúng ta có phát huy sáng kiến lập pháp của từng đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhưng dường như số sáng kiến vẫn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do đâu?
GS. Đào Trọng Thi: Sáng kiến ở đâu cũng có. Nhưng sáng kiến của các ĐBQH, Quốc hội ở tầm xây dựng pháp luật và chính sách, nghĩa là tầm vĩ mô, chứ không giải quyết các sự vụ cụ thể, bởi vậy số sáng kiến không nhiều. Thực tế, mỗi khóa và hàng năm, Quốc hội đều có nội dung liên quan đến xây dựng chính sách pháp luật. Mỗi Ủy ban và mỗi ĐBQH có thể đề xuất đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội. Chưa kể còn sửa luật “theo định kỳ”. Vì sau một thời gian thực hiện thấy bất cập thì phải sửa đổi. Cho nên ý kiến đề xuất xây dựng các luật mới, hay sửa đổi các luật lớn là có, nhưng không nhiều.
ĐBQH có quyền đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi luật và cũng đã có đề xuất của ĐBQH được đưa vào chương trình xây dựng luật. Có điều chúng ta không phổ biến rộng rãi về đề xuất đó.
Giá xăng leo thang liên tục ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả, và để ứng phó trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Còn các biện pháp khác phải chờ Quốc hội họp. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Liệu chúng ta có nên có cơ chế “ủy quyền” trong luật để có bất cập là xử lý được ngay?
- Ban hành cái gì cũng phải theo khuôn khổ pháp luật. Vừa rồi muốn tác động để giảm giá xăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Còn các quy định về thuế nằm trong các luật thuế và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nhà nước pháp quyền thì mọi thứ phải trong khuôn khổ luật pháp. Luật pháp quy định cấp nào ban hành thì cấp đó có quyền ban hành văn bản sửa đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được ban hành các quy định về pháp luật nhưng trong Luật Thuế bảo vệ môi trường có giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quy định mức thuế cụ thể, nên vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phép giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Còn trong các luật khác về thuế do đã ấn định mức thuế cụ thể trong luật rồi cần phải trình Quốc hội xem xét và quyết định.
Tại các nước khi có vấn đề nảy sinh từ thực tiễn là có thể họp Quốc hội để quyết định ngay. Chúng ta đang đổi mới hoạt động của Quốc hội, vậy có thể tăng các phiên họp bất thường để xử lý những vấn đề phát sinh, như vừa qua chúng ta đã từng tổ chức phiên họp bất thường lần thứ nhất?
- Tháng nào Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp. Nhưng thực chất, chính sách mà Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đều là những vấn đề đã được các Ủy ban chuẩn bị kỹ càng. Và trước đó, các bộ, ngành đã phải cùng với các Ủy ban thảo luận, thống nhất. Sau đó luật mới được trình ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nói vậy để thấy đó là cả một quy trình. Còn Chính phủ cũng 1 tháng họp 1 lần. Đối với các luật, Bộ Tư pháp đều phải thẩm định về pháp luật. Cho nên muốn sớm cũng không được vì phải có quá trình chuẩn bị. Từ bộ, ngành chuẩn bị xong trình ra Chính phủ thảo luận. Sau đó Chính phủ trình sang các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, tiếp đó mới trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến. Thực tế một chính sách trình ra cũng phải cân nhắc, lấy ý kiến, đi khảo sát nhiều nơi, thậm chí đi học tập kinh nghiệm nước ngoài sau đó mới trình.
Còn tại các nước, họ có trình tự làm pháp luật khác so với ta. Như tại Mỹ, một nghị sĩ có cả một bộ máy phục vụ như: có ngân sách trả lương cho 3 văn phòng, cỡ khoảng 30-40 người làm việc phục vụ cho họ. Nhưng ĐBQH ở ta phải ở cấp Chủ nhiệm Ủy ban, hoặc Bộ trưởng mới có 1 thư ký.
Không chỉ câu chuyện về giá xăng vừa qua mà thực tế có tình trạng, luật vừa ban hành xong đã lỗi thời. Vậy theo ông quy trình làm luật có cần thay đổi để xử lý những vấn đề nóng mà thực tiễn đặt ra?
- Các quy định pháp luật của ta luôn “chạy” theo thực tiễn là do tình hình thực tế pháp luật của ta chưa ổn định. Ví dụ năm nay ra quy định này là phù hợp nhưng nửa năm sau đã không còn phù hợp. Đơn cử như mức phạt về vi phạm giao thông của ta, dù đã tăng lên rất nhiều nhưng sau một thời gian vẫn thấy chưa đủ sức răn đe. Là do, nếu quy tiền lương thực tế của người dân Việt Nam với mức phạt đó thì cũng tương đương với mức phạt ở các nước thế giới, vì lương của họ cao, còn lương của ta thấp.
Nói ví dụ đó để thấy, chỉ nhìn vào quy định mức phạt thôi cũng đã bộc lộ những điểm lạc hậu, vừa ra quy định đã không còn phù hợp. Còn các nước rất ổn định. Có khi mấy năm sau thị trường giá cả vẫn thế, trong khi ta đã trượt giá. Điều đó là minh chứng cho thấy, chính sách pháp luật của ta luôn không theo kịp cuộc sống.
Để luật sát với thực tế, có lẽ cần lắng nghe ý kiến phản biện của người dân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, thưa ông?
- Trước khi ban hành chính sách cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Nghe và có thái độ cầu thị nhưng cũng phải biết “cách nghe” để nghe được cái đúng. Vì người góp ý rất đa dạng, có người góp ý đúng, có người chưa đúng, có người góp ý xây dựng nhưng cũng có người góp ý không chân thành. Cho nên nghe và tiếp thu như thế nào cũng là một vấn đề. Vì thế cần biết “cách nghe” để lựa chọn cho đúng.
Trân trọng cảm ơn ông!