Linh hoạt bồi dưỡng giáo viên
Ngày 28/3, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) phối hợp với Sở GDĐT Đồng Nai tổ chức hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo – thành quả và thách thức”.
Bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới
Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời…
Từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh như vậy đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (CBQLCSGD) phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới GDPT, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình sách giáo khoa (SGK) GDPT. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.
“Để thực hiện tốt chương trình GDPT mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQLCSGD về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là định hướng căn bản, chủ đạo Của Bộ BGDĐT trong công tác BDTXGV và CBQLCSGD hiện nay và trong thời gian tới” – TS Phạm Tuấn Anh nói.
Đến nay, Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và chuyển giao tài liệu bồi dưỡng mô đun 1 đến 9 cho các trường đại học chủ chốt tham gia ETEP. Theo TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, các trường đại học sư phạm chủ chốt đã tổ chức bồi dưỡng 6 mô đun cho hơn 31.000 GV cốt cán và CBQLCSGD phổ thông cốt cán. 3 mô đun 7, 8, 9 sẽ hoàn thành trong năm 2022. Hiện có gần 520.000 GV, CBQLCSGD đại trà đã hoàn thành 4/5 mô-đun bồi dưỡng. Dự kiến, đến ngày 30/6/2022, sẽ có 500.000 GV, CBQLCSGD hoàn thành toàn bộ 5 mô đun theo kế hoạch của Bộ GDĐT.
Một điểm linh hoạt khi triển khai bồi dưỡng các mô đun đó là Ban quản lý chương trình ETEP đã hướng dẫn các trường đại học sư phạm chủ chốt chuyển đổi thành công từ bồi dưỡng trực tiếp sang bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo và hỗ trợ trực tuyến cho các GV cốt cán và CBQLCSGD cốt cán. Như vậy, dù trong thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương phải thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội trong phần lớn năm 2021 thì vẫn duy trì các hoạt động BDTX trên khắp cả nước. Sáng kiến thay đổi phương thức bồi dưỡng từ trực tiếp sang trực tiếp qua lớp học ảo đã góp phần triển khai, hoàn thành được hoạt động bồi dưỡng của chương trình trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, qua đó tiết kiệm được số tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Khắc phục khó khăn ban đầu
Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai cho biết việc nâng cao bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu đổi mới trong giáo dục; đổi mới chính sách chăm lo cho đội ngũ nhà giáo cho thấy Bộ GDĐT đã có những sự chuẩn bị và hướng dẫn rất chi tiết, giáo viên chúng tôi cũng đã tiếp cận rất nhanh, Bộ đã có những chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên rất hiệu quả.
“Khi triển khai cụ thể, cái gì ban đầu cũng có gặp khó khăn nhưng sau đó chúng tôi đã có những điều chỉnh để phù hợp và đáp ứng yêu cầu. Hiện Đồng Nai đã hoàn thành BD 6 mô đun cho GV cốt cán. Tôi đánh giá năng lực của GV được nâng cao hơn. Qua mỗi mô đun bồi dưỡng chúng tôi đều có đội ngũ giám sát để đảm bảo hiệu quả của quá trình bồi dưỡng. Hiệu quả của việc bồi dưỡng này không chỉ là bồi dưỡng cho đội ngũ GV mà chúng tôi xác định còn là cho đội ngũ nòng cốt của nền giáo dục” – ông Võ Ngọc Thạch nhấn mạnh và cho biết sau khi bồi dưỡng GV cốt cán hoàn thành, Đồng Nai sẽ triển khai nhanh cho đội ngũ GV đại trà hoàn thành 100% bồi dưỡng trực tiếp trên hệ thống trực tuyến. Các GV tham gia học tập và hoàn thành các bài tập, khảo sát 100%.
Kinh nghiệm của Đồng Nai khi triển khai bồi dưỡng đó là yêu cầu GV phải nghiên cứu chương trình GDPT tổng thể ngay từ mô đun 1, phải đọc phải thấy được, phải thấm thía từng mô đun của mình để hiểu rõ và làm tốt.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Đức Thuận ĐH Sư phạm TPHCM cho biết hiện nay ĐH Sư phạm TP HCM được giao nhiệm vụ hỗ trợ bồi dưỡng GV trong chương trình ETEP của 19 tỉnh thành phía Nam. Mô thức bồi dưỡng kết hợp (trực tuyến 5, 7- trực tiếp 3,2 – trực tuyến 7) là mô thức mới đối với các tỉnh thành nói chung. Lợi thế của mô hình này đó là đáp ứng đối với quan điểm thường xuyên, liên tục, tại chỗ nhưng đồng thời cũng xuất hiện một số khó khăn nhất định như phương thức kết hợp tổ chức và quản lý của Sở GDĐT, sự tiếp cận và làm chủ việc học của GV đối với mô thức này. Trong đó, các giai đoạn tự học có hướng dẫn trên hệ thống LMS – học trực tiếp có mặt của giảng viên sư phạm chủ chốt – tiếp tục tự học sau bồi dưỡng trực tiếp, bước đầu học viên còn gặp nhiều khó khăn vì chưa quen với phương thức này. Nhờ các kênh kết nối online giúp các vấn đề thầy cô học viên gặp phải đều được thông tin và xử lý, giải đáp kịp thời, từ đó hoàn thành tốt chất lượng chuyên môn trong quá trình học tập. Kênh này cũng được duy trì sau khóa học.
TS Thuận đề xuất trong thời gian tới tiếp tục duy trì và phát triển các hệ thống kết nối chuyên môn để đảm bảo thông tin thông suốt từ GV, CBQLCSGD cốt cán đến đại trà; kết hợp trong công tác bồi dưỡng thường xuyên ở những năm tiếp theo phù hợp với nhu cầu của địa phương, để lất đó làm cơ sở khi nhà trường đào tạo GV phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu.