Các thầy cô chia sẻ về việc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai, nhờ có các chương trình tập huấn, bồi dưỡng thiết thực trong những năm qua đã giúp cô và các đồng nghiệp của mình tiến hành công tác hiệu quả và triển khai được phương pháp phát triển năng lực của học sinh như yêu cầu đặt ra đối với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo – thành quả và thách thức” do Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) phối hợp tổ chức, cô Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng việc lựa chọn đội ngũ đi tập huấn và tiếp nhận kiến thức trong thời gian qua đã được tiến hành có chiều dài và chiều sâu. Về tiến độ triển khai, Bộ GDĐT đã có hành trình triển khai 3-4 năm rất có lộ trình và có tính hệ thống. Các mô đun bồi dưỡng từ 1 đến 6 đã được triển khai cung cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý hệ thống kiến thức cơ bản có hệ thống giúp hình thành kĩ năng cho giáo viên – đây là ưu điểm vượt trội của việc bồi dưỡng.
“Muốn dạy học phát triển năng lực học sinh (HS) thì giáo viên (GV) cũng phải nâng cao năng lực. Năng lực không tự nhiên mà có mà nó đến từ kiến thức, từ kĩ năng tích lũy mà có. Chúng tôi được bồi dưỡng các mô đun, được thực hành tạo sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các đồng nghiệp ở khắp nơi. Bên cạnh đó, chương trình tạo ra cho chúng tôi cộng đồng học tập ở khắp nơi.Từ việc cung cấp, kiến thức và rèn luyễn kĩ năng như vậy, chũng tôi đều đã được tiếp cận và có những định hướng cũng như phương pháp giảng dạy và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp và nâng cao hiệu quả với việc phát triển năng lực HS” – cô Hà bày tỏ.
Cô Trương Thị Trâm Anh, Trường THCS Quang Trung, Tân Phú, Đồng Nai cho biết, qua việc bồi dưỡng 5 mô đun đã giúp trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản, cần thiết cho chương trình GDPT mới. Nhờ quá trình bồi dưỡng đã hiểu được sâu sắc hơn những hoạt động dạy học và tự học tự bồi dưỡng bản thân. Nhũng kiến thức các mô đun mang lại rất đa dạng và thiết thực. Nguồn học liệu cũng rất tâm đắc, sự ứng dụng linh hoạt học liệu vào phương pháp dạy học sao cho hiệu quả.
Cô giáo Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng trường THCS Tam Phước, Biên Hoà cũng cho biết bản thân, thông qua hoạt động bồi dưỡng nhận được rất nhiều phương pháp tích cực từ các thầy cô GVSP và bản thân cũng đã truyền tải được cho đồng nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ CBQLCSGD và GV rất có tâm huyết và mong muốn nâng cao năng lực, vẫn còn 1 số giáo viên thì chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng. Nhân lực của một số trường còn thiếu dẫn đến việc GV phải dạy thêm giờ nên việc tham gia bồi dưỡng chưa sắp xếp được tối đa thời gian… Thiết bị cơ sở vật chất đầu tư cho các cơ sở GD hiện nay cũng là tối thiểu chứ chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thực tế.
Vì vậy, cô Nam đề xuất để GV có nhiều thời gian để học tập và nâng cao năng lực, cần có cơ chế bổ sung biên chế, khuyến khích tạo động lực để giáo viên tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đảm bảo triển khai thành công chương trình GDPT 2018.
Khẳng định khâu kiểm tra đánh giá là khâu then chốt để đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên, cô Thu Hà cho rằng đây là mục tiêu cô rất tâm đắc đối với chương trình mới. Tuy nhiên, việc đổi mới và thực hiện đánh giá không đơn giản. “Chúng tôi còn rất nhiều vướng mắc, hi vọng được các giảng viên sư phạm tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ, tiếp tục được chia sẻ với nhứng thầy cô đồng nghiệp khác” – cô Hà nói.
Đây cũng là mong muốn của cô Trâm Anh, hy vọng tới đây sẽ có được văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về kiểm tra đánh giá năng lực học sinh để sát với ứng dụng trong thực tế.