Bao giờ đến hội?
Làng tôi ở ven sông Cầu, con sông bốn mùa lơ thơ nước chảy, yên bình và dào dạt. Hạ, thu, đông... người dân trong làng chí thú làm ăn bên đầu làng cuối bãi để mỗi độ xuân về khi cây cối đâm chồi nảy lộc, hội làng cũng rộn ràng nơi đầu thôn cuối xóm.
Tôi nhớ những ngày hội vật rộn rã, nao nức. Sân đấu vật đắp chính giữa ao đình, chỉ duy nhất một con đường nhỏ đi ra. Xung quanh bờ, ken dày là người. Tiếng trống thì thùng giục gọi, tiếng reo hò huyên náo, tiếng loa oang oang trong gió; hình ảnh giải thưởng: những chiếc xoong đúc, chậu nhôm, có khi là xe đạp lủng lẳng trước cửa đình… tất cả in vào đầu óc thơ bé những ấn tượng không thể lẫn của mùa xuân. Cả không khí chen chúc ngột ngạt của dòng người khi buổi hội vừa tan. Xác pháo hồng bay trong mưa, trong gió rét, bay trong vùng trời kí ức suốt những tháng ngày Giêng hai.
Và những ngày hội lan man suốt cả mùa.
Tôi nhớ hội khán hoa ở chùa Phật Tích. Những vồng mẫu đơn đỏ rực ở sân chùa, ở cổng, dọc con đường lên núi, men theo bờ đất, rải rác ở khắp nơi… tưởng như triền miên nở từ ngày chàng Từ Thức gặp Giáng Hương cho đến tận hôm nay - khi bao tao nhân mặc khách đến đây cũng mong gặp người tri kỉ. Hương khói nhiệm màu, khăn áo xông xênh. Là hội hay mùa xuân dâng lên niềm tha thiết trong nụ cười và trong ánh mắt? Khi mỗi bước đi trong chốn lâm thiền lại gặp một bước hoa.
Hoa ngập trong sương và trong nắng, hoa vương những lời nguyện cầu, rủ rỉ mong một năm nhiều an lạc, yên vui! Phật ngự xa xa trên kia, vừa thâm trầm vừa gần gụi, như gửi gắm bao điều đến chúng sinh đầy âu lo, ước vọng; tiếng chuông văng vẳng khắp rừng cây, mỏm núi như nâng bước bao kẻ đang thành tâm tìm về cõi tịnh. Tháp phía bên kia, luôn rộng mở để lan truyền và đón âm vang của cuộc đời. Màu gạch nâu đỏ ánh lên niềm nương tựa. Dưới chân tháp, thấp thoáng những loài hoa dại không tên, hân hoan, thư thả.
Hoa ở chùa luôn đẹp một vẻ riêng, cất thanh âm riêng: bình tâm và tĩnh lặng.
Tôi nhớ hội pháo Đồng Kị. Dù lâu lắm rồi đã có lệnh cấm đốt pháo nhưng nỗi nhớ pháo vẫn không nguôi trong tâm thức mỗi người đã từng được nghe tiếng pháo mỗi dịp Tết đến, xuân về hay trong các sự kiện trọng đại. Và nỗi nhớ nhung hoài niệm ấy được thỏa phần nào khi hòa cùng dòng người nô nức theo chân những mô hình quả pháo khổng lồ được trang trí rực rỡ, rước từ đình- nơi cất giữ rồi tỏa theo khắp các nẻo đường làng.
Tôi nhớ hội tung hoa bên kia sông, không chỉ bởi nó được tổ chức vào một ngày đặc biệt: mùng 2 tháng 2 Âm lịch mà còn bởi một tập tục độc đáo, cuối buổi chiều ngày chính hội sẽ có màn tung… hoa. Người tung được tuyển chọn kĩ lưỡng, nhất thiết phải là thanh niên chưa vợ, khôi ngô, tuấn tú, khỏe mạnh, sẽ trèo lên cành cây gạo cao nhất ở trước nghè với một chiếc túi to. Rồi từ trên đó sẽ tung xuống những bông hoa…
Hoa ở đây là những miếng bánh được đồ từ bột nếp, ban đầu rền, dẻo nhưng để lâu đã thành những thanh bột rắn đanh nhuộm sắc đỏ… rất lạ mắt. Đám đông bên dưới háo hức, chen lấn để mong đón được nhiều hoa. Vì rằng, hoa đó mà đem vùi vào thùng gạo, thùng thóc thì chẳng mấy thùng gạo, thùng thóc sẽ đầy lên. Mà nhà nông, ai chẳng mong thóc gạo quanh năm đầy ắp. Hoặc nếu không, mang hoa về hấp vào nồi cơm là trở thành món bánh thơm ngon, hấp dẫn.
Hoa tung giữa chiều xuân muộn, miếng bánh lộc có khi thấm đẫm mưa xuân sao như nghe thấy âm thanh nảy nở từ trong hơi gió, trong lòng người. Tục tung hoa bắt nguồn từ huyền tích về người con thứ tư của Đức Thánh Tam Giang nên nhuốm màu huyền thoại và gieo vào lòng người niềm tin, niềm mong ngóng cho khởi sự đầu xuân. Người ta mong một năm êm ấm, mưa thuận, gió hòa, phong đăng hòa cốc. Kể cả không đón được hoa - lộc thánh thì niềm hi vọng vẫn dạt dào khi chân bước lên con đò đang dập dềnh xuôi theo dòng nước. Để rồi lại đợi đến hội năm sau, lại ngóng lên những cành gạo chênh vênh, ngạo nghễ.
Tôi nhớ hội Lim “đến hẹn lại lên” bên chùa Hồng Ân giữa đồi thăm thẳm. Lỡ hẹn một lần còn dùng dằng đến mãi mai sau. Câu quan họ chạnh lòng người lữ thứ; anh hai, chị hai mặn mà trẻ mãi với mùa xuân. Hội Lim mỗi ngày một đông, dòng người chen nhau như nêm cối; những canh hát dập dìu không ngớt. Quan họ trên đồi, quan họ trên sân, quan họ giữa hồ, quan họ ở lòng ai? Là người nhớ hội tìm về với hội hay nhớ những ân tình đã gửi trao khi xuân sang; nhớ mớ ba mớ bảy, nhớ dịu dàng và nhớ nụ cười duyên?
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình vẫn xinh” - phải lời chàng trai đang ướm hỏi, đưa tình với những cô gái Kinh Bắc nết na, xinh xắn vừa đang độ trăng tròn, hé nở.
“Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng” - phải lời than thở chạnh lòng của những cô gái đã qua thì, lỡ phận? Những tâm tư, xao xuyến vừa rộn ràng, vừa lắng đọng cứ tha thiết giữa núi đồi, mây trời Kinh Bắc - mảnh đất ngày xưa từng quyến rũ cả những nàng tiên.
Tôi còn nhớ hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp… bên kia sông Đuống.
Khi mùa xuân đã cạn, khi những lễ hội dập dìu đã vơi, như trả nốt nỗi lòng cho hương sắc cuối cùng. “Dù ai buôn bán trăm nghề, tháng tư ngày 8 thì về hội Dâu”- Mùng 8 tháng tư âm lịch, về với hội, để trở về nguyên thủy tâm can - thấm đạo để sống với đời. Háo hức với lễ rước, những màn chạy đuổi kiệu quay vòng, kịch tính để tính nắng, mưa cho cả một năm dài. Để mong cầu, ngưỡng vọng những điều quen thuộc suốt bao đời. Không khí hội tưng bừng dẫn dụ người về hay nét cổ kính của ngôi chùa nhiều tuổi đã đánh thức những nôn nao, xao xuyến?
Để gần cuối tháng tư, lại tiếp nối một lễ hội ở ngôi chùa phía bên kia- chùa Bút Tháp. Những pho tượng đất an nhiên dường vậy vẫn ánh nét suy tư giữa bộn bề và nhộn nhịp. Mưa xuân đã thôi bay, hương của mùa xuân đã phân phát khắp nơi cùng mầm non, nhựa mới. Nắng tràn những con đường đất đỏ, phủ bụi trên khuôn mặt khách bộ hành... Tan hội, về qua sông, ngắm con đò rẽ nước xuôi dòng như muốn nói lời tiễn biệt. Tiễn biệt những thanh âm và náo nức của những hội hè xứ Bắc.
Đi dọc mùa xuân, men theo tiếng trống thì thùng như tiếng lòng thúc giục. Xuân còn ở mãi, không chỉ trên mỗi nhành cây, ngọn cỏ, khóm hoa. Xuân trong ánh mắt người và… xuân ở trong tim!
Ôi những lễ hội đầu năm - bây giờ chỉ còn trong nỗi nhớ. Ba mùa rồi, dịch bệnh hoành hành làm ngưng nhiều hoạt động tập trung, ngưng hết những hội hè trong tiết xuân, mưa bụi. Có lẽ, chưa bao giờ nỗi nhớ hội lại xao xác, mỏi mòn đến thế. Không phải chỉ nhớ không khí náo nức, dập dìu, những dòng người rộn rã mà là nhớ một nét mùa, nhớ xôn xao và góc hồn xứ sở đã bám rễ trong tâm thức tự bao đời. Và còn bởi tha thiết mong những bình yên trở lại.
Bao giờ hội trở về là mùa xuân trọn vẹn, với ánh cười tỏa nắng vạt sông Cầu nơi quê mẹ yêu thương.