Nguyễn Kiên và những ánh nhìn ‘vạn vật hữu linh’

LÊ PHƯƠNG LIÊN 02/04/2022 06:36

Nhà văn Nguyễn Kiên tên thật là Nguyễn Quang Hưởng. Ông sinh năm 1935 tại  làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Năm 1947, kháng chiến bùng nổ, mới 12-13 tuổi cậu bé Quang Hưởng đã đi theo kháng chiến là đội viên tuyên truyền xung phong thuộc Ban Tuyên truyền xung phong của Tổng bộ Việt Minh (Liên khu Việt Bắc).

Nhà văn Nguyễn Kiên. Ảnh: Thư Hoàng.

Những trải nghiệm sâu sắc từ tuổi niên thiếu đã khiến ông viết thành những cuốn sách “Những ngày đi lưu động” (1956) với bút danh Nguyễn Kiên. Năm 1957, NXB Kim Đồng thành lập, Nguyễn Kiên được mời về làm biên tập viên.

Nguyễn Kiên sáng tác truyện đồng thoại đầu tiên “Chú Đất Nung” được xuất bản năm 1958. Tác phẩm đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt (trong đó có tôi, một cô bé mới học lớp 2).

Truyện đồng thoại “Chú Đất Nung” với hình tượng “chú bé” nặn bằng đất được tôi luyện qua lửa nóng trở nên rắn chắc hơn những “cô, cậu” đồ chơi làm bằng bột... đã là một dấu ấn sâu đậm trong tôi - một học trò Hà Nội... Đọc xong câu chuyện, chẳng hiểu sao tôi cứ thích mình được tôi luyện rắn chắc như "Chú Đất Nung", chứ không thể là “nàng công chúa” hay “chàng kỵ sĩ cưỡi ngựa” những thứ đồ chơi làm bằng “bột bị ngâm nước, chỉ lúc sau đã nhũn hết cả chân tay”...

Thế rồi cuộc kháng chiến chống lại máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam ập đến. Năm 1965 chúng tôi - một thế hệ học trò phải rời bỏ những ngôi nhà ở phố phường đi về những làng quê, đội mũ rơm đi học ở những lớp học được đắp bằng đất như lũy hầm. Trong những lúc phải vượt sông Hồng trong cảnh mưa to gió lớn, rồi khi phơi mình trong nắng rát trên những cánh đồng lúa gặt giúp bà con nông dân, hình ảnh “Chú Đất Nung” luôn ở bên tôi, cùng tôi vượt qua những thử thách “tôi luyện” để nên người.

Nguyễn Kiên là người tinh tế sắc sảo trải nghiệm nhiều hạng người, hiểu biết thói hư tật xấu của con người. Ông không né tránh việc nói với trẻ em về những thói xấu của con người. Tuy vậy, ông cũng không làm cho trẻ em hoảng sợ với những kết cuộc “không có hậu” cho tính xấu. Bởi “thuốc đắng dã tật” tính xấu cũng như tật bệnh, cần phải chữa bệnh thì con trẻ mới khỏe lên, khôn ra được.

Chắc nhà văn Nguyễn Kiên không biết được cuốn sách của ông đã có ảnh hưởng như thế nào với những bạn đọc thiếu nhi những năm 1960 ở miền Bắc thuở đó. Bởi sau khi sáng tác “Chú Đất Nung” không lâu, nhà văn Nguyễn Kiên đã chuyển sang Hội Nhà văn Việt Nam để đi theo hướng viết văn xuôi cho người lớn.

Vượt ra ngoài lĩnh vực văn học thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Kiên đã có những đóng góp có ý nghĩa với văn học Việt Nam. Ông từng là biên tập viên văn học, tổ trưởng tổ văn rồi trở thành Tổng biên tập NXB Tác phẩm mới (1987-1990); Giám đốc NXB Hội Nhà văn (1990-1996).

Trong vai trò lãnh đạo cơ quan xuất bản của Hội Nhà văn thời kỳ đổi mới, có thể nói nhà văn Nguyễn Kiên đã “đỡ đầu” những cuốn sách nổi tiếng “Thời xa vắng” của Lê Lựu; “Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành”, “Bến quê”, “Cỏ lau” của Nguyễn Minh Châu; “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh; “Tuổi thơ im lặng” của Duy Khán; “Bến không chồng” của Dương Hướng; “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường…

Trong sáng tác, nhà văn Nguyễn Kiên đã thành công khi viết về nông thôn với những tác phẩm như “Lá rụng” (1962); “Chân sóng” (1967); “Ngày và đêm hậu Phương” (1970); “Vùng quê yên tĩnh” (1974)... Tập truyện ngắn “Chim khách kêu” (2000) của ông đã được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 và được Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2002.

Tuy thành công trong lĩnh vực văn xuôi cho mọi lứa tuổi, nhà văn Nguyễn Kiên vẫn không quên văn học thiếu nhi. Năm 2005, ông đã tâm sự: “Tôi có một mảng truyện, thường gọi là “đồng thoại”, mỗi truyện chỉ khoảng 2.000 từ, có khi ngắn hơn.

Đó là tập “Chú Đất Nung” tập hợp những đồng thoại tôi viết rải rác trong nhiều năm, từ 1957 đến 1992. Thể loại đồng thoại cho phép ta phát huy trí tưởng tượng, nó vừa rất “trẻ con” vừa chứa đựng được những gì ta chiêm nghiệm được trong cuộc sống. Có thể nói tôi yêu thích và trung thành với thể loại này.

Về quá trình gắn bó với văn học dành cho thiếu nhi, đối với riêng tôi, thủa ban đầu chỉ đơn giản là do yêu thích. Càng về sau càng thầy rõ viết cho trẻ em là một công việc khó khăn. Viết cho thiếu nhi thì cần hiểu thiếu nhi nhưng hơn thế, người viết còn phải tự nuôi dưỡng được cái chất “trẻ con” vốn có trong tâm hồn.”.

Gần đây, tôi có dịp đọc lại cuốn “Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Nguyễn Kiên” (tái bản lần thứ 4) do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2021. Đọc lại “Chú Đất Nung”, tôi vẫn thấy nguyên vẹn những cảm xúc tuổi thơ ngây yêu quý con người bằng đất nặn qua lửa nung đã trở thành rắn chắc. “Chú Đất Nung” đã cứu vớt hai người bột “chàng kỵ sĩ” và “nàng công chúa” bị chìm xuống sông khi họ đã trở thành bột nhão yếu mền...

Cảm giác bản lĩnh khỏe khoắn đó khiến tôi hăng say đọc tiếp những truyện khác như: “Ếch xanh đi học”; “Vì sao thước kẻ chui ra khỏi cặp”; “Số phận gã Ruồi Ong”; “Cái gậy hay là con ngựa”; “Xin Cơm và Xin Tương”; “Ông Tướng canh đền”; “Con mọt sách”…

Khi đọc những truyện mới của Nguyễn Kiên, tôi đã thoát ra hoài niệm ấu thơ để nhập vào tâm thế hôm nay. Tôi vừa là “trẻ con” lại vừa biết “chiêm nghiệm” nhân vật và cốt truyện từ vốn sống của người từng trải. Có thể nói rằng truyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Kiên có ý vị sâu săc với mọi lứa tuổi.

“Ếch xanh đi học” không chỉ kể chuyện với trẻ em về một cậu bé lười học ham chơi mà còn là tiếng nói cảnh tỉnh người lớn! “Ếch xanh” là hình ảnh những người không chịu học hỏi, cái gì cũng cho là mình biết rồi mà thực ra kinh nghiệm của mình chỉ như “ếch ngồi đáy giếng”. “Vì sao thước kẻ chui ra khỏi cặp” lại nói về một cái thước kẻ do tự mãn “ưỡn ngực” nên đã bị thành thước cong. Nó đã thành một cái thước vô dụng và bị bác thợ mộc bào lại cho thẳng. Thước kẻ phải chịu đau đớn mới có thể trở lại thành thước kẻ sử dụng được như trước. “Số phận gã Ruồi Ong” vừa muốn thành ong để hút mật ngọt lại vẫn quen thói la cà ở chỗ bẩn thỉu như ruồi nên cuối cùng bị sa lưới nhện.

Tập truyện đồng thoại “Chú Đất Nung” của nhà văn Nguyễn Kiên. Ảnh: T.H.

Đọc truyện đồng thoại của Nguyễn Kiên, tôi thấy ông là một nhà văn kể chuyện tài tình. Cốt truyện của ông ngắn gọn, hầu như không có chi tiết thừa, câu chữ không dông dài. Nhân vật của ông sắc nét. Ông có vốn sống từ tuổi thơ ở nông thôn nên rất am hiểu các loài côn trùng trong đời sống tự nhiên.

Hơn thế ông có trí tưởng tượng phong phú và có ánh mắt nhìn “vạn vật hữu linh”. Nguyễn Kiên đã nhân cách hóa sinh động từ con muỗi, con ruồi đến thước kẻ, bút chì, cái tẩy và cả bức tượng “ông tướng canh đền”… Với ngòi bút của Nguyễn Kiên con vật gì, sự vật nào cũng đều thành các nhân vật có nét tính cách như những cậu bé, cô bé đang lớn rất chân thật mạnh dạn và cũng hay nhầm lẫn, ngờ nghệch, sai lầm…

Nguyễn Kiên là người tinh tế sắc sảo trải nghiệm nhiều hạng người, hiểu biết thói hư tật xấu của con người. Ông không né tránh việc nói với trẻ em về những thói xấu của con người. Tuy vậy, ông cũng không làm cho trẻ em hoảng sợ với những kết cuộc “không có hậu” cho tính xấu. Bởi “thuốc đắng dã tật” tính xấu cũng như tật bệnh, cần phải chữa bệnh thì con trẻ mới khỏe lên, khôn ra được.

Nhà văn Nguyễn Kiên ham mê viết đồng thoại có lẽ vì ở thể loại này khác với văn xuôi cho người lớn, nhà văn được phép thỏa sức tưởng tượng để tâm sự với người đọc những chiêm nghiệm về nhân cách con người. Tôi thiết nghĩ rằng Nguyễn Kiên thực sự cảm thấy hạnh phúc khi viết cho tuổi thơ. Ông đã tâm sự: “…giấc mơ ẩn sau mỗi câu chuyện là giấc mơ trẻ thơ của chính tác giả, hằng lưu giữ trong tâm hồn”.

Tôi có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn Kiên từ những năm 1970-1980... Ông có dáng người tầm thước thanh thoát và đặc biệt có đôi mắt sáng ánh lên vẻ thông tuệ nhân hậu. Lần cuối cùng tôi được gặp ông là dịp Trung thu 2013. Mới từ bệnh viện ra, nhà văn Nguyễn Kiên đã có mặt trong cuộc giao lưu với các em thiếu nhi Hà Nội. Ông rất vui vì “Chú Đất Nung” đã trên 50 tuổi mà vẫn là bạn thân với các em nhỏ.

Nhà văn Nguyễn Kiên mất năm 2014 khi ông 79 tuổi. Từ đó đến nay, hằng năm những truyện đồng thoại của ông vẫn được in lại. Rất nhiều truyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Kiên đã được dựng thành phim hoạt hình và thành tranh truyện. Chắc rằng những truyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Kiên sẽ còn sống mãi.

Hà Nội, 3/2022

LÊ PHƯƠNG LIÊN