Chơi dao chớ để đứt tay
Trước đây, người ta định nghĩa mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên có cùng sở thích trên mạng Internet với nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội được gọi là cư dân mạng.
Nhưng tới nay định nghĩa đó đã lạc hậu vì nó đã là “sân chơi chung” của cả những người cùng sở thích lẫn không cùng sở thích, cả những người quý mến nhau lẫn những người... ghét nhau.
Kể từ ngày 4/2/2004, khi Mark Zuckerberg lập nên trang Facebook thì “thế giới hình như đã đổi khác”. Các Facebooker xuất hiện đến con số tỷ người. Rồi không chỉ Facebook mà còn cả Twitter, Instagram… khiến con người bước vào một vòng xoáy mới, không chỉ là thông tin mà đơn giản khi “quan tâm, hỏi han”, vỗ về an ủi, kể cả “bóc phốt” nhau mà là một thế giới trùng trùng điệp điệp những thông tin, thông điệp lớn nhỏ với vô vàn các cung bậc cảm xúc. Thế giới ảo đã trở thành thế giới thực với tất cả những gì mà con người phải đối diện.
Người ta nhanh chóng nhận ra khả năng tiềm tàng của mạng xã hội nhưng cũng lại phải đối diện với mặt trái của nó. Trong thế giới ảo, người ta có thể núp dưới những thân phận khác nhau vì thế mà trở nên lẫn lộn do ít phải chịu trách nhiệm, hay nói cách khác là có thể lẩn tránh trách nhiệm. Mỗi tài khoản, mỗi trang cá nhân là đại diện cho một con người, có thể là thật, có thể là giả và tất nhiên đã có không ít kẻ xấu lợi dụng điều đó để lừa đảo, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, phản động; câu view, câu like, câu share để trục lợi bất chính.
Tham gia mạng xã hội không phải ai cũng biết cách tận dụng và sử dụng nó một cách khôn ngoan. Thực tế thì nhiều người đã không thể tỉnh táo nên đã bị cuốn vào cơn bão sống ảo, mất rất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc, mải đắm chìm trong thế giới ảo rồi trở nên ngộ nhận, dần lệch chuẩn. Chính vì thế, người ta gọi mạng xã hội là con dao hai lưỡi, tốt hay xấu, lợi hay hại tùy thuộc vào cách sử dụng và khai thác của mỗi người và không phải lúc nào cũng bình tĩnh để like, comment và share có trách nhiệm. Nếu không đủ tỉnh táo sẽ dẫn tới việc cổ súy cho những hiện tượng xấu, phản cảm mà quên mất mình có thể dùng mạng xã hội để truyền đi những thông điệp, những cảm hứng sống tốt đẹp, những việc làm nhân ái để từ sống ảo biến thành cuộc đời thực nhân văn và văn minh hơn.
Người ta tay nói hãy là một cư dân mạng thông thái, hãy để mạng xã hội là cánh cửa đưa chúng ta đến với thế giới rộng lớn chứ đừng là nô lệ, là nạn nhân của nó. Điều đó luôn đúng nhưng không phải ai cũng làm được. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những trận cãi vã, mạt sát, xúc xiểm “liên hồi kỳ trận” trên mạng xã hội. Đáng tiếc là số người tuyên truyền cái xấu đó bị xử phạt quá ít. Cá biệt còn có trường hợp phát ngôn vô văn hóa tồn tại hàng năm trời gây rối xã hội cho đến khi bị bắt.
Thật kinh hoàng khi đã có người tìm đến cái chết chỉ vì một vài lời vu khống trên mạng. Có người thì mất việc, mất gia đình, mất danh dự cũng vì những nút like, nút share vô cảm. Một thông tin được VTV đưa ra, dẫn kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội hồi tháng 4/2017 cho thấy, hơn 78% người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên môi trường này.
Vậy thì vì sao thông tin bịa đặt, xuyên tạc xuất hiện trên mạng xã hội dày đặc? Nhiều người cho rằng nó có đất sống một phần nhờ vào sự cả tin, dễ dãi và tâm lý đám đông. Mặt khác, tuy rằng đã có chế tài để xử lý những hành vi vi phạm này, nhưng một vài vụ việc bị đem ra ánh sáng cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Không thể không quản được thì cấm đối với mạng xã hội. Nhưng thực tiễn cho thấy rất cần phải có nhận thức mới. Trước tiên là từ phía người sử dụng mạng xã hội cần phải bình tĩnh, tỉnh táo và nhận thức được trách nhiệm của cá nhân mình khi loan tin dù chủ động hay thụ động. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm, dẹp bỏ sớm những nguồn tin xấu độc trả lại sự trong lành của không gian mạng. Nói một cách hoa mỹ là tuy chúng ta cầm con dao hai lưỡi nhưng chớ để bị đứt tay.