Nghĩa đồng bào trong vòng xoáy khủng hoảng Ukraine - Bài 2: Ấm lòng người ở lại
Nước mắt đã rơi khi phải bỏ lại sau lưng nhà cửa, tài sản tích luỹ bao năm... gần 1.200 người Việt ở Ukraine đã về đến quê nhà, trong khi đó, hàng ngàn người khác đã tìm đường lánh nạn sang các nước lân cận và cũng có nhiều người ở lại bám trụ đến cùng. Tháng 3, châu Âu vẫn chìm trong giá lạnh. Nhưng những người Việt ở Ukraine đã được sưởi ấm bởi những ân tình.
Cùng vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã
Thành phố Odessa, miền Nam Ukraine từng là một thành phố cảng sầm uất với khoảng 3.000 người Việt đang làm ăn, sinh sống. Đây là cộng đồng người Việt lớn nhất ở Ukraine. Kể từ khi chiến sự nổ ra, ở khắp các khu vực trung tâm của thành phố các chiến lũy đã mọc lên. Chiến sự ập tới khiến hàng nghìn người Việt đã phải nuốt nước mắt, vội vã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Của cải, tài sản tích cóp của nhiều gia đình sau nhiều năm phải bỏ lại không thể mang đi.
Chị Phan Thị Thanh là một trong số đó. Mới sang Ukraine được 5 năm, chị làm phụ bếp trong một nhà hàng ở Odessa, chồng làm ở xưởng may. Kinh tế chưa tích luỹ được bao nhiêu, nhưng mạng sống lúc bấy giờ mới quan trọng. Hai ngày sau khi chiến sự nổ ra, vợ chồng chị mang theo đứa con ẵm ngửa cùng đoàn 14 người quyết định rời khỏi Odessa.
Chị Thanh nghẹn ngào: “Tôi vừa sinh cháu gái được 5 tháng thì chiến sự ập đến. Chúng tôi vội vàng lên đường, bỏ lại hầu hết mọi đồ đạc, tài sản, chỉ đem theo những gì gọn nhẹ nhất”.
Rời khỏi vùng khói lửa đạn bom, trước mắt là tương lai bất định, hai vợ chồng chị Thanh bắt đầu hành trình dài vất vả. Được sự hướng dẫn của cộng đồng người Việt tại Odessa, chị Thanh cùng chồng quyết định chọn điểm đến là Hungary. Thật may mắn, hành trình của đoàn chị Thanh đã đến đích an toàn. Chị Thanh chia sẻ: “Khi đến được đất Hungary, cộng đồng người Việt tổ chức đón tiếp chúng tôi rất chu đáo. Đến nơi, sữa và bột của con gái tôi cũng hết, quần áo của cả gia đình thiếu thốn, tôi cũng kiệt sức. Nhưng được mọi người giúp đỡ nên đến giờ mọi việc được sắp xếp tạm ổn. Trong lúc này, tôi mới cảm nhận rõ thế nào là nghĩa đồng bào. Những anh chị người Việt ở Hungary trước đây nào tôi có biết. Nhưng mọi người rất tận tình giúp đỡ. Tôi thực sự xúc động vì hành động của các anh chị”.
Cùng thoát ra khỏi vùng chiến sự Ukraine, sau khi đưa hai con lên máy bay trở về quê nhà an toàn, anh Đinh Duy Hiệp vẫn trụ lại thủ đô Bucharest – Romania chờ ngày chiến sự lắng xuống. Trước đó, đầu tháng 3, một tuần sau khi xung đột nổ ra, theo dòng người di tản, anh Hiệp đưa gia đình từ thành phố Odessa qua cửa khẩu biên giới Moldova đến Romania để lánh nạn. Cuộc ra đi vội vã khiến anh chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo cho con cùng một số vật dụng cần thiết nhất. Toàn bộ tài sản, nhà cửa sau hơn 30 năm tích cóp đều phải bỏ lại. Giờ đây dù không phải sống trong nỗi ám ảnh của bom đạn, nhưng khi nhớ tới thời khắc ấy, mỗi câu nói của người đàn ông đã có quá nửa đời người sống nơi đất khách lại nghẹn lại. Bất kể ai, cũng cảm thấy bùi ngùi.
Anh Hiệp sang Ukraine làm ăn sinh sống hơn 30 năm. “Odessa đã là một phần máu thịt của tôi. Phải dứt áo ra đi lòng tôi quặn lại. Nhưng chẳng còn cách nào khác”, anh Hiệp chia sẻ. Không chỉ có anh Hiệp mà hàng ngàn người Việt đang sinh sống ở Ukraine quyết định rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn là điều không ai mong muốn. Nhưng đằng sau những nỗi đau đó, ai cũng xúc động và hạnh phúc khi gia đình và người thân đã bình yên thoát khỏi vùng chiến sự.
Gửi gắm hàng xóm hai đứa con nhỏ lên máy bay về nước. Nhớ lại khoảnh khắc đó, anh Hiệp vẫn không giấu được cảm xúc khi Tổ quốc đã dang rộng vòng tay che chở đồng bào. Anh chọn phương án ở lại để tìm đường quay về Ukraine bảo vệ tài sản của gia đình. Tuy nhiên do biên giới Ukraine đã đóng cửa nên tạm thời anh được anh Trần Văn Hưng- một người bạn đang làm ăn sinh sống tại Thủ đô Bucharest, Romania cho ở nhờ, chờ đến ngày biên giới Ukraine mở cửa.
Những ngày ở Romania trôi đi trong cồn cào thương nhớ và lo lắng, trái tim anh Hiệp như chia làm hai nửa, nửa hướng về quê nhà Việt Nam, nơi vợ con anh đang ngóng trông, nửa hướng về quê hương thứ 2 ở Làng Sen, Odessa, Ukraine nơi có một số anh em bạn bè đang trụ lại để giữ làng, giữ nhà. Trong cảm giác của sự chia ly, mất mát, anh lại thấy mình đã nhận được rất nhiều, đặc biệt là cộng đồng quốc tế cũng như người Việt ở Romania ai cũng tận tâm giúp đỡ đồng bào từ Ukraine.
Không ai bảo ai, người có tiền góp tiền, người có công góp công để cùng nấu những suất cơm ấm nóng gửi tới bà con thoát ra từ vùng chiến sự. “Sau nhiều ngày chạy loạn, mọi người thèm món ăn mang hương vị quê nhà lắm”, anh Hiệp tâm sự và cho rằng, “kẹt” lại Romania nhưng anh lại có thêm một “sứ mệnh mới”, là giúp những người như mình có thêm một bữa ăn ngon, để cùng nhau vượt qua khúc quanh nghiệt ngã này.
Thế rồi mỗi sáng, anh Hiệp cùng vợ chồng anh Trần Văn Hưng thức dậy thật sớm mua sắm, chế biến thực phẩm làm những món ăn quê hương gửi tới bà con người Việt ở các trại tị nạn.
Là người đứng ra tổ chức những bữa ăn đoàn kết - anh Hưng chia sẻ, với người xa xứ, tình yêu với Đất Mẹ luôn là điều thiêng liêng nhất. Khi chứng kiến bà con phải rời bỏ tất cả đi lánh nạn, bản thân anh cũng như nhiều người ở Romania đều tâm niệm “phải làm một điều gì đó” để giúp đỡ đồng bào mình.
“Người Việt mình là vậy, dù có sống ở đâu, làm gì nhưng khi khó khăn, hoạn nạn, mọi người đều đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau. Ai cũng mong đồng bào mình sẽ vượt qua những mất mát để sớm đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống”, anh Hưng chia sẻ.
Và cứ thế, từ căn bếp nhỏ của gia đình anh Hưng, hàng trăm suất ăn ấm tình đồng bào đã được trao tới bà con. Không chỉ có anh Hưng, nhiều gia đình trong cộng đồng người Việt ở Romania đều gác lại công việc sẵn sàng tham gia hỗ trợ bà con từ Ukraine sang lánh nạn. Trong khốn khó, mọi người xích lại gần nhau hơn.
Quyết giữ làng, giữ nhà
Hơn một tháng kể từ khi bùng phát, cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng có những con người can trường vẫn ở lại ngay trên mảnh đất Ukraine. Trong đó có Làng Sen. Đây là một khu đô thị lớn của người Việt ở Odessa. Sau hơn 10 năm thành lập, Làng Sen đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác Việt Nam - Ukraine.
Anh Đỗ Công Huân quê Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã quyết ở lại để giữ làng, giữ nhà. Cũng như anh Hiệp, trước đó, anh Huân đã đưa gia đình trải qua một hành trình dài vất vả đến Romania lánh nạn, sau đó anh trở về Odessa.
Chiến tranh là lúc lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ như một sợi tơ mong manh. “Lúc chiến sự bùng nổ mọi người khuyên rời đi nhưng tôi quyết định ở lại với quê hương thứ hai này”, anh Huân tâm sự.
Những người bám trụ lại ở Làng Sen đều kết nối trong một nhóm Viber để liên lạc, trao đổi, khi cần có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Thật may mắn, nhóm phóng viên thực hiện loạt bài được những người bám trụ “add” vào nhóm này. Nếu như xung đột có thể khiến cho thế giới ngoài kia phải rơi vào vòng xoáy khủng hoảng của bom đạn, loạn lạc, mất mát… thì có lẽ, ở trong hội nhóm này chỉ bắt gặp những nụ cười, lời động viên, chia sẻ khích lệ. Những người ở lại chăm sóc nhau từng bữa ăn, sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Sự lạc quan của họ đã gửi về quê nhà thông điệp của niềm tin và hy vọng. Bản lĩnh, ý chí của người Việt lại thêm một lần được tôi rèn trong gian nan, thử thách.
Người Việt ngoài truyền thống giữ nước, còn có truyền thống giữ làng. Làng Sen này là nơi định cư, là mái ấm thân thương của người Việt. Không ai muốn “mất làng” nên ngoài anh Huân, còn hơn 10 người bám trụ ở lại giữ làng, trông coi, bảo vệ tài sản gia đình và của cải của bà con. Rất may, thành phố Odessa không phải là khu vực giao tranh ác liệt nhất nên cuộc sống vẫn tương đối bình yên. Để tránh nguy hiểm, mọi người đều ở trong nhà, tích trữ đủ lương thực, thực phẩm. Nếu có báo động, tất cả sẽ nhanh chóng di chuyển xuống tầng hầm trú ẩn. Lớp học tiếng Việt cho trẻ em, giờ đây chính là hầm trú ẩn an toàn.
Theo anh Huân, trong những ngày bám trụ ở lại để bảo vệ tài sản cho cả cộng đồng, mọi người trong khu làng Sen cùng chia nhau ra canh gác, bảo quản tài sản cho bà con. Là hàng xóm với nhau, nên anh Hiệp nhờ anh Huân sang nhà dọn hết thức ăn trong tủ lạnh để không bị hỏng. Mỗi nhà lại gửi gắm những người ở lại một vài việc nhỏ nhặt như thế, trong lúc chiến tranh loạn lạc, một nghĩa cử nhỏ cũng đủ làm ấm lòng người ở phương xa.
“Bà con mình dù đã rời đi, nhưng tất cả tài sản đều phải để lại. Đó là mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình, bởi vậy chúng tôi- những người ở lại cùng bảo nhau quyết giữ làng chờ mọi người quay trở về”, anh Huân chia sẻ.
Trực tiếp ở lại cùng bà con bám trụ giữ nhà, giữ làng có ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Odessa. Nhìn lại những ngày liên miên lo công tác di tản cho bà con, ông bảo, điều yên tâm nhất là Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Odessa đã tổ chức được những chuyến di tản cho bà con đi thẳng từ Ukraine sang Romania mà không phải ghé qua Moldova. Tại Romania, Ban chấp hành Hội đã đóng vai trò như “công an khu vực” để đứng ra hỗ trợ về mặt pháp lý, xác thực giấy tờ với Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đối với những bà con bị mất giấy tờ, hoặc chỉ có giấy khai sinh để nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ.
Theo ông Mạnh, trụ lại ở thành phố Odessa hiện nay có khoảng hơn 100 người Việt Nam. Như ở khu Làng Sen - nơi có gần 300 hộ chủ yếu là người Việt, hàng ngày, mọi người trong làng đứng ra tổ chức trực 24/24h không cho người lạ đột nhập vào. Họ cũng phối hợp với Ban quản lý chợ để trông coi hàng hóa của bà con, hỗ trợ việc thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt đối với các căn hộ.
“Bà con mình dù đã rời đi, nhưng tất cả tài sản đều phải để lại. Đó là mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình, bởi vậy chúng tôi- những người ở lại - cùng bảo nhau quyết giữ làng chờ mọi người quay trở về” - anh Đỗ Công Huân chia sẻ.
Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Odessa cũng cho biết, hiện tình hình tại thành phố Odessa tạm thời vẫn yên ổn. Tuy nhiên để chuẩn bị cho tình huống chiến sự kéo dài và kịch bản xấu nhất, Văn phòng Lãnh sự danh dự và Lãnh đạo cộng đồng đã họp trực tuyến và có khuyến cáo đến bà con đang bám trụ tại thành phố. Đối với những người đang sinh sống tại các khu vực trong thành phố, Hội khuyến cáo mọi người phải đăng ký vào “Nhóm bám trụ Odessa” để nắm bắt thông tin kịp thời. Bà con cũng được khuyến khích nên dự trữ thực phẩm, nước và bếp gaz riêng tối thiểu cho hai tuần đồng thời cất xe ô tô ở nơi an toàn và chuẩn bị xăng ít nhất cho khoảng cách 500 km.
Hội cũng đã lập kho dự trữ cho tình huống cấp bách tại làng Sen và Sorsa gồm mì tôm, nước uống và bếp gaz. Lãnh đạo Hội trích 500 đô la từ “Quỹ kêu gọi tại Việt Nam” giúp đỡ bà con bám trụ tại Ukraina để mua đồ dự trữ.
“Trong trường hợp xấu nhất buộc phải di tản, không thể tổ chức cho bà con tại hai điểm Làng Sen và Sorsa sơ tán bằng xe khách thì bà con sẽ tự đi sơ tán bằng xe riêng theo hướng Moldova. Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo khi xảy ra giao tranh, bà con phải tìm nơi trú ẩn an toàn chờ đợi khi có hành lang nhân đạo mở mới được đi”, ông Mạnh thông tin.
Khao khát hòa bình
Trong suốt những cuộc trò chuyện mà chúng tôi thực hiện từ Việt Nam qua Ukraine, Romani bằng điện thoại, viber… điều làm chúng tôi day dứt không phải mỗi lần nghe nhân vật của mình trả lời câu hỏi: “Ở lại, anh có sợ không?” vì có lẽ, nỗi sợ lớn nhất của người đàn ông không phải là bom đạn mà là nỗi nhớ, lòng trắc ẩn. Họ nấc nghẹn và có người bật khóc khi nhắc đến vợ con, nhắc đến những ân tình. Giờ đây “Hoà bình” là điều mà họ khao khát nhất khi phải sống giữa đoạn trường ly biệt do khói lửa chiến tranh.
Nói như Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Odessa Nguyễn Như Mạnh thì, “nguyện vọng của tất cả chúng tôi là mong sao cuộc chiến sớm kết thúc, hòa bình trở lại để tiếp tục cuộc sống bình thường như trước kia”.
Và đó cũng là mong ước của tất cả chúng ta, chiến sự chấm dứt, các gia đình được đoàn tụ, cuộc sống lại trở về bình yên như vốn đã từng…
(Còn nữa)
Tất cả những ai phải ra đi đều day dứt vô cùng vì bao nhiêu vốn liếng tài sản cả đời tích góp phải vứt bỏ lại. Đau đớn lắm, vì thế, có người đã lên xe ô tô mà không nổ máy được, đành phải để tận hôm sau mới dời đi. Cho nên việc quyết định ở lại “giữ làng, giữ nhà” là quyết định sống còn của chúng tôi, sau khi đã đưa được vợ con, gia đình và người thân tới những vùng an toàn. Chị hỏi chúng tôi có sợ không? Mình có phải là vật vô tri đâu mà không sợ bom rơi đạn lạc, nhưng có những thứ nó còn hơn cả nỗi sợ. Cho nên phải vượt lên trên nỗi sợ, để bảo vệ gia đình mình, đồng bào mình, bảo vệ tình yêu, ở nơi mà mình đã thực sự gắn bó.
Trong khó khăn hoạn nạn, điều cảm động nhất đối với chúng tôi là Nhà nước mình đã tổ chức các chuyến bay cứu trợ đồng bào. Nếu không có những chuyến bay miễn phí như thế thì rất nhiều người không biết đi đâu về đâu, vì trong lúc chạy loạn, có nhiều người không có một đồng nào trên người, không có giấy tờ gì, ngoài vài bộ quần áo. Các Đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại Ukraine, Moldova, Romania, các tình nguyện viên, các Hội người Việt Nam ở nước ngoài đêm hôm bươn chải để giúp đỡ đồng bào nhập cảnh, cung cấp lương thực và làm các thủ tục cần thiết. Trong lúc đó, các đồng chí lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên họp trực tuyến, liên lạc với chúng tôi để hỏi xem cần hỗ trợ những gì. Hầu như tất cả những nguyện vọng của chúng tôi đều được đáp ứng. Đó là nghĩa cử, là ân tình mà chúng tôi không bao giờ có thể nói hết được” - ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Odessa chia sẻ.