Lừa đảo qua mạng vẫn nhức nhối

LÊ ANH 29/03/2022 13:42

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên tục gia tăng, trong đó Công an TPHCM phát hiện hơn 30 vụ lừa đảo qua mạng xã hội (đã khởi tố 2 vụ), với số tiền nạn nhân bị lừa lên đến hàng tỷ đồng chỉ trong 1 thời gian ngắn. Càng nhức nhối hơn khi việc cảnh báo đã được cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, khuyến cáo nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin và “sập bẫy” lừa đảo.

Công an TP Thủ Đức, TPHCM nhận tài liệu tuyên truyền giúp người dân phòng ngừa các loại tội phạm trên địa bàn. Ảnh: Hồng Phúc

Chiêu cũ, nạn nhân mới

Hầu hết các vụ lừa đảo qua mạng được phát hiện, khám phá hoặc tiếp nhận qua đơn thư tố giác tội phạm đều liên quan đến tài sản là tiền hoặc dẫn dụ đầu tư thu lợi nhuận cao.

Chị C.T.N.A. - nạn nhân trong 1 vụ lừa đảo, trú phường Tam Phú, TP Thủ Đức cho biết, vào lúc 9 giờ 55 phút ngày 21/3/2022, chị nhận được 1 cuộc điện thoại của 1 người phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo có 1 bưu kiện của Tòa án nhân dân TP Hà Nội gửi cho chị do chị vay nợ ngân hàng đến hạn không thanh toán. Sau đó, nhân viên bưu điện chuyển máy cho chị N.A. nói chuyện với 1 người đàn ông tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát cùng cấp. Người đàn ông báo cho chị N.A biết có lệnh bắt khẩn cấp và sẽ phong tỏa tài khoản của chị. Người này đã yêu cầu kết bạn zalo và nói chuyện với chị N.A. đồng thời gửi hình ảnh lệnh bắt khẩn cấp nói trên. Người đàn ông cũng đã yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản của chị N.A. cho đối tượng. Trong lúc quá sợ hãi, chị N.A. đã nghe theo, khi chuyển khoản xong chị A. về đến nhà mới dần nhận ra mình bị lừa tiền, sau đó chị A. đến trình báo với lực lượng công an địa phương nhờ giúp đỡ.

Theo một cán bộ Công an TP Thủ Đức, không chỉ riêng trường hợp chị N.A. mà nhiều nạn nhân đều bị lừa đảo bằng hình thức tương tự qua không gian mạng. “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo này nhưng vẫn có người bị lừa. Mong bà con hết sức cảnh giác, liên hệ với công an địa phương để được giải đáp mọi thắc mắc, có hướng xử lý, không nên vội vã cung cấp thông tin cá nhân, số OTP hoặc tài sản cho người lạ. Đồng thời tuyên truyền cho những người thân, những người xung quanh biết để tránh” - đại diện Công an TP Thủ Đức khuyến cáo.

Công an TPHCM cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã ghi nhận sự gia tăng của loại tội phạm lừa đảo qua mạng. Một phần trong số này đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như tình hình kinh tế khó khăn, lao động ngoại tỉnh vừa trở lại làm việc để ra tay lừa đảo. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã khởi tố 2 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 31 vụ đang quá trình tiếp nhận, xử lý. Trước đó, trong năm 2021 khi diễn biến dịch bệnh còn đang rất phức tạp, lực lượng Công an thành phố đã lập hồ sơ xử lý tới hơn 300 đối tượng liên quan đến 286 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, tội phạm lừa đảo còn dẫn dụ các nạn nhân đầu tư vào một sàn ảo để thu lợi nhuận cao. Khi số tiền nạp vào ngày càng nhiều hơn, nạn nhân bị hack tài khoản và bị chiếm đoạt tiền. Trên thực tế, số nạn nhân bị lừa đảo còn rất nhiều nhưng đa số vẫn chưa trình báo đến cơ quan chức năng. Theo Đại tá Quang, điều đáng nói là các vụ lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn truyền thống, đánh vào lòng tham của nạn nhân nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin, bị dẫn dụ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Nâng chế tài, tăng ý thức

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, trước hết cơ quan công an và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như in banner, tờ rơi, bên cạnh việc tuyên truyền miệng qua Tổ dân phố, khu dân cư. Đồng thời, từng người dân cũng phải nâng cao kiến thức pháp luật và tinh thần cảnh giác với hành vi lừa đảo trên mạng. Người dân khi gặp tình huống nghi ngờ tội phạm lừa đảo thì nhanh chóng trình báo cho công an địa phương tiếp nhận, xử lý.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM), việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chế tài cần tăng nặng hình phạt hơn, trong đó cần tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động loại tội phạm này để đông đảo người dân được chứng kiến, từ đó tự nâng cao ý thức phòng ngừa. “Tuyên truyền không gì hiệu quả bằng trực tiếp, người xem được chứng kiến bằng hình ảnh, âm thanh, người thật, việc thật, thiệt hại bao nhiêu, chiêu thức lừa đảo thế nào hết sức cụ thể, dễ học, dễ rút kinh nghiệm” - Luật sư Tâm nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện Công an TP Thủ Đức cũng cho biết, cơ quan này vừa qua đã đề ra biện pháp phòng ngừa “3 không” để đối phó với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Đó là không cung cấp mã OTP ngân hàng, mật khẩu ví điện tử cho người khác; Không click vào các đường link lạ mang mã độc trên các website và không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải lên mạng xã hội.

Việc tái diễn các vụ việc liên quan đến lừa đảo qua mạng được Công an TPHCM tiếp nhận, xử lý ngay sau khi Báo Đại Đoàn Kết thực hiện bài phản ánh về “Trăm kiểu lừa trên không gian mạng”. Đây rõ ràng là một thực trạng rất nóng mà các đối tượng tội phạm lợi dụng lừa đảo vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, ý thức phòng ngừa vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn loại tội phạm này.

LÊ ANH