Nam Định: ‘Siết’ trách nhiệm Giám đốc sở, Bí thư, Chủ tịch huyện, xã trong quản lý đất
Trong hai văn bản vừa ban hành, chỉ đạo ngăn chặn tình trạng mua bán đất nông nghiệp trái phép; tăng cường quản lý đất công, trong đó có đất công ích do chính quyền cấp xã quản lý, chính quyền Nam Định hối thúc các Sở, ngành liên quan; cấp ủy, chính quyền các địa phương “nhập cuộc”; gắn trách nhiệm, biện pháp xử lý người đứng đầu nếu “buông lỏng”, để xảy ra vi phạm…
Cụ thể trong văn bản do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định ký hôm qua, 28/3, vừa được Văn phòng UBND tỉnh phát đi, về việc tăng cường quản lý đất công, trong đó có đất công ích do chính quyền cấp xã quản lý, chính quyền Nam Định yêu cầu UBND 10 huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương rà soát lại toàn bộ diện tích đất công, đất công ích do thuộc UBND cấp xã quản lý; xây dựng phương án quản lý chặt chẽ các loại quỹ đất này, đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng; thêm rằng “chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng lấn, chiếm…”
Đồng thời đề nghị Ban Thường vụ cấp huyện có văn bản chỉ đạo nội dung trên; thêm rằng “kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng chỉ đạo của kết luận số 43 (do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành năm 2018, về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai-PV)”
Trong văn bản, UBND tỉnh đồng thời hối thúc Sở TN-MT, Thanh tra tỉnh và các đơn vị liên quan, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc quản lý quỹ đất trên ở địa bàn các huyện, thành phố nhằm phát hiện vi phạm lấn, chiếm để kịp thời xử lý; thêm rằng “trường hợp có dấu hiệu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì tham mưu cho UBND tỉnh để chuyển hồ sơ cơ quan điều tra…”
Chính quyền Nam Định cũng đề nghị MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ngành các cấp để thực hiện công tác giám sát, tuyên truyền đối với công tác trên.
Về việc ngăn chặn tình trạng mua bán đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn, trong văn bản số 95, ban hành ngày 15/2, cũng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ký, chính quyền Nam Định nhìn nhận tại địa bàn một số địa phương trong tỉnh đang diễn ra tình trạng mua bán đất nông nghiệp trái phép; có nơi thực hiện việc mua bán ngay khi khu đất chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm mục đích đẩy tiền GPMB của các dự án lên cao, dẫn đến khó khăn trong công tác này để triển khai dự án, mặc dù dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở địa phương…
Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi trên, trong văn bản, chính quyền Nam Định yêu cầu Chủ tịch UBND dân 10 huyện, thành phố trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm cấm để xảy ra tình trạng mua bán đất nông nghiệp trái phép, nhất là khu vực đã được quy hoạch thực hiện các dự án.
Chính quyền tỉnh cũng kêu gọi người dân tham gia giám sát việc trên; thêm rằng “người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng trên”; “tuyệt đối không được để cho các cá nhân, tổ chức mua bán đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đối với các dự án thương mại, dịch vụ và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp”.
Văn bản cũng đề nghị Bí thư các huyện, thành phố “vào cuộc” chỉ đạo thực hiện việc trên, để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật…
Chính quyền Nam Định cũng yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nghiêm việc chỉnh lý, cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp mua, bán đất nông nghiệp đảm bảo đúng theo các quy định của Luật đất đai và các quy định liên quan; thêm rằng “chịu trách nhiệm giám sát, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo khi phát hiện ra các việc trên”.
Trước đó, vào ngày 30/7/2018, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định ban hành Kết luận số 43 (sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 18, về công tác trên-PV), thu hút sự quan tâm của rất đông cán bộ, người dân trong tỉnh.
Trong bản Kết luận này, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt trong thực hiện; lúng túng trong xử lý các vi phạm về đất đai; một số địa phương không ngăn chặn được, còn để xảy ra vi phạm mới; có tình trạng né tránh, buông lỏng quản lý, cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, trong giao và cho thuê đất.
Chưa xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu và người có trách nhiệm ở những nơi để xảy ra vi phạm. Việc phát hiện, tham mưu xử lý vi phạm về đất đai của của các cơ quan chuyên môn còn nhiều hạn chế và yếu. Một số cán bộ vi phạm pháp luật về đất đai đến mức phải truy tố. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai ở một số địa phương chưa được giải quyết thấu đáo, kịp thời ở cơ sở, làm cho một số vụ việc trở nên phức tạp.
Nguyên nhân, theo Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định, do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự nghiêm túc, chủ động, quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; có tư tưởng ngại khó, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chưa kịp thời, kiên quyết xử lý cán bộ ở những nơi để xảy ra vi phạm. Một số cán bộ của ngành tài nguyên-môi trường còn yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn, chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Chưa có quy định cụ thể trong việc xem xét trách nhiệm đối với cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi để xảy ra các vi phạm pháp luật về đất đai.
Từ đó, Kết luận đưa ra nhiều quy định cụ thể, nhằm xử lý các hành vi vi phạm về đất đai cũng như các tập thể, cá nhân, người đứng đầu sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý đất đai.