Tham vấn tâm lý học đường: Khoảng trống lớn
Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, giải pháp nào để ngăn chặn? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian qua, những vụ việc đau lòng như bạo lực học đường; tự tử vì thành tích học tập kém, vì bị chê bai, chửi mắng… đã xảy ra. Dưới góc độ nhà trường, theo ông ngành Giáo dục có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi có đọc một số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một năm học toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau (bình quân 5 vụ/ngày) và có chiều hướng gia tăng. Trong đó, không ít vụ bạo lực học đường xảy ra đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau, trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật. Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường là câu hỏi nóng bỏng, là trăn trở của tất cả những người quan tâm đến giáo dục, đến thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.
Nếu xét về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường, tôi cho rằng đã rất đầy đủ. Song học sinh có đặc điểm tâm lý chưa ổn định, nhiều em hiếu động và muốn tự khẳng định mình, một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội.
Trong khi đó, những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Nhất là lối giáo dục bằng bạo lực sẽ sinh ra bạo lực nên không một ai, gia đình - nhà trường - xã hội được buông bỏ, sao nhãng vai trò của mình trong việc giáo dục con trẻ. Đó phải là việc làm hàng ngày, nêu gương, nhắc nhở mỗi giờ chứ không phải chỉ là những chiến dịch lớn, những khẩu hiệu mang tính kêu gọi mà không đi vào hành động thực chất.
Về phía nhà trường, tôi cho rằng vai trò của giáo viên chủ nhiệm vẫn là quan trọng nhất bởi không ai khác, đây là những thầy cô gắn bó, sát sao với các em nhất. Thường xuyên lắng nghe, quan sát sẽ phát hiện được những biểu hiện bất thường của học sinh để có biện pháp quan tâm, trò chuyện hay phối hợp cùng gia đình các em để giải quyết, ngăn chặn “ngay từ khi còn trong trứng nước” thì làm sao xảy ra những vụ việc đau lòng?
Tuy vậy, do thiếu nhân lực, một số trường phân công giáo viên chủ nhiệm là những thầy cô có ít tiết giảng dạy trên lớp nên hạn chế thời gian tiếp xúc với học sinh khiến khó khăn trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý, hoàn cảnh của từng em.
Chế độ phụ cấp cho công tác này cũng phải tăng thêm để các thầy cô bớt lo lắng vì sinh kế mà có thêm thời gian để nhiệt huyết với công việc bởi không phải chỉ lên lớp giảng bài rồi về, giáo viên chủ nhiệm còn cần phải quan tâm đến hoàn cảnh từng gia đình học sinh, kết nối thường xuyên với gia đình các em…
Một vấn đề ngành Giáo dục đã đặt ra lâu nay là đẩy mạnh công tác tham vấn tâm lý trong trường học nhưng đến nay, vẫn chưa có biên chế cho công việc này mà chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Ở Hà Nội tôi biết có một số trường làm khá tốt công tác này nhưng đa số đều là các trường ngoài công lập. Hệ thống trường công lập mặc dù đã có những quan tâm nhưng dường như “lực bất tòng tâm” vì ngay như biên chế nhiều vị trí giáo viên còn trống thì để có biên chế riêng cho công việc này là rất khó. Các thầy cô được lựa chọn để kiêm nhiệm công tác này hầu như không chuyên sâu về tâm lý học, đồng thời cũng trực tiếp là giáo viên khiến cho học sinh muốn chia sẻ những khúc mắc, căng thẳng của mình về việc học tập bị hạn chế vì lo bị lộ bí mật…
Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn thiếu bởi học sinh cần được chia sẻ trong phòng riêng để đảm bảo quyền riêng tư, hoạt động tư vấn cũng cần tiến hành trong nhiều buổi để đạt được tiến triển chứ hiếm khi một lần tư vấn đã giải quyết được vấn đề.
Tôi ủng hộ cách làm của một số trường, đó là tư vấn tâm lý trực tuyến, bởi học sinh ngày nay hoạt động trên không gian ảo rất nhiều. Ở đây, các em cảm thấy an toàn, riêng tư hơn nên dễ dàng chia sẻ những vấn đề khó khăn mình đang gặp phải.
Một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tôi cho rằng điều này cũng sẽ góp phần giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết bên cạnh việc học kiến thức. Trường học của chúng ta dạy rất nhiều, thi rất nhiều nhưng chủ yếu là các môn để phục vụ thi cử trong khi để phát triển toàn diện, học trò cần được trang bị cả đạo đức, kỹ năng và trải nghiệm. Khi các em chịu nhiều áp lực về thành tích, tâm sự bị dồn nén trong khi không ít người lớn giải quyết khó khăn đó bằng nắm đấm thì con trẻ cũng sẽ dùng bạo lực để giải quyết, điều đó rất nguy hiểm nên hãy chú trọng phòng ngừa trước khi sử dụng các hình thức xử lý, kỷ luật.
Đạo đức nói chung và nền nếp của học sinh nói riêng là căn nguyên của mọi vấn đề. Có làm tốt giáo dục đạo đức lối sống thì mới xây dựng được môi trường tốt trong nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đẩy lùi mọi tệ nạn ra khỏi học đường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khi các em chịu nhiều áp lực về thành tích, tâm sự bị dồn nén trong khi không ít người lớn giải quyết khó khăn đó bằng nắm đấm thì con trẻ cũng sẽ dùng bạo lực để giải quyết, điều đó rất nguy hiểm nên hãy chú trọng phòng ngừa trước khi sử dụng các hình thức xử lý, kỷ luật.