Dẹp nạn 'YouTube bẩn' - Bài 1: Rất khó?

Hoàng Vân 30/03/2022 10:03

Thực tế, về mặt quản lý hành chính, cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi hàng nghìn kênh YouTube và nội dung được đăng tải lên nền tảng này hàng ngày, hàng giờ. Chính vì lẽ này rất khó dẹp nạn “YouTube bẩn”.

Thực trạng đáng buồn

Vài năm trở lại đây, thực trạng các video độc hại có nội dung không phù hợp xuất hiện tràn lan trên khắp các nền tảng xã hội. Không chỉ ở Việt Nam, các video có nội dung không phù hợp từ lâu đã trở nên phổ biến và được một bộ phận khán giả ưa chuộng trên nhiều quốc gia.

Bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng YouTube đưa video chứa nội dung xuyên tạc, vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, sau vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt mới đây do có nhiều video xuyên tạc, vi phạm pháp luật một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng làm YouTube có nội dung độc hại.

Đáng nói, khi bà Hằng livestream, có nhiều người vì chạy theo xu hướng đã tạo nên nhiều video clip có nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật gây ra sự nhiễu loạn trong đời sống và xã hội.

Thực tế, sự tràn lan và phổ biến những nội dung nhảm trên mạng xã hội nói chung và nền tảng YouTube nói riêng đã xuất hiện từ lâu...

Thời điểm này, có không ít nghệ sĩ và cư dân mạng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những kẻ đồng phạm và dẹp nạn “YouTube bẩn” tràn lan. Nhiều người đặt ra vấn đề, cần có quy định để quản lý các hoạt động livestream, tránh gây ra các hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Thực tế, sự tràn lan và phổ biến những nội dung nhảm trên mạng xã hội nói chung và nền tảng YouTube nói riêng đã xuất hiện từ lâu và gây những hậu quả khôn lường.

...Và gây ra hệ lụy khôn lường cho trẻ nhỏ và xã hội.

Còn nhớ, sự kiện YouTuber Thơ Nguyễn vào một năm về trước bị cả cộng đồng mạng lên án vì hành vi tạo ra clip phản cảm, hướng dẫn sai cho trẻ em... gây chấn động một thời và kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

Mặc dù, hậu quả để lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách con người và sự phồn thịnh của xã hội. Thế nhưng, câu hỏi làm thế nào thanh lọc được nội dung nhảm nhí, độc hại đang ngày càng tràn lan trên nền tảng YouTube vẫn còn là dấu hỏi lớn, chưa có đáp án thỏa đáng.

Đáng lo hơn, thị hiếu người xem đối với những video nội dung gây sốc ngày càng "nặng đô" hơn khi chính họ khuyến khích YouTuber thực hiện những thử thách quái đản. Chính vì vậy, không ít YouTuber thậm chí bất chấp cả tính mạng của mình thực hiện theo những yêu cầu của người xem.

Nguồn cơn từ đâu?

Bên cạnh những video được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh và nội dung thì vẫn có những sản phẩm mang nội dung nhảm nhí, thậm chí điên rồ và đặc biệt các nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Các video này được đăng tải trên YouTube với mục đích gợi trí tò mò của người xem và thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt.

Vì không có sự quản lý từ cơ quan có thẩm quyền, một số kênh đã lợi dụng, lồng ghép các cảnh hở hang, nội dung kỳ lạ, hướng dẫn các bé làm những việc điên rồ như thắt cổ mà vẫn thở, hay cách nuốt các đồ vật mà không sao. Các clip này được gắn từ khoá, gợi ý hết sức chuyên nghiệp, chính vì thế chúng đạt được lượt người xem khổng lồ.

Có thể thấy, những nội dung phản cảm là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với xã hội có thể tác động trực tiếp vào tâm lý người xem, ngoài việc bắt chước làm theo rất nguy hiểm, những người dùng YouTube có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm và có thể tự hủy hoại bản thân.

PGS.TS Trần Thành Nam, Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Trần Thành Nam, Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, ngày nay, nhiều ngành nghề mới được ra đời.

“Sự phát triển của công nghệ 4.0 đã cho ra đời nhiều ngành nghề mới. Trong đó, nghề sáng tạo nội dung trên Internet là một nghề được nhiều người lựa chọn. Bởi, nghề này không đòi hỏi kiến thức quá cao siêu chỉ cần người dùng nắm được xu hướng và tâm lý của khách hàng. Từ đó, họ có thể dễ dàng kiếm tiền, làm giàu từ những video không có chất xám”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Theo PGS. TS Nam, những rủi ro trên mạng Internet sẽ còn nhiều và diễn biến phức tạp hơn nữa, nhất là khi lĩnh vực làm video càng ngày càng phát triển. PGS.TS Nam cho rằng nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan nhà nước. Những video độc hại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và xã hội. Đặc biệt sẽ tác động trực tiếp đến quá trình hoàn thiện tâm sinh lý cho trẻ ở độ tuổi mới lớn.

Hoàng Vân