Tăng trưởng khả quan, kinh tế trên đà hồi phục
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố chính thức vào ngày 29/3 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực hơn của nền kinh tế sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
Cụ thể, quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm”- bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Cùng đó, theo Tổng cục Thống kê, về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).
Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Trọng Thịnh- Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế đang có sự phục hồi rõ nét. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu dồi dào, trong khi xuất khẩu luôn là điểm sáng của nền kinh tế nhiều năm nay. Tăng trưởng kinh tế dần lấy lại đà từ quý IV năm 2021 khi đạt 5,22%. Trên đà đó, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp. Đến thời điểm này, phần lớn các khu vực dịch vụ đã được mở cửa trở lại, du lịch cũng dự báo sẽ phục hồi mạnh, đặc biệt là đầu tư công được đốc thúc… tất cả tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% vẫn đầy thách thức. Hiện giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng, tạo áp lực rất lớn. Do vậy, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đã bị kìm lại phần nào.
Chính vì vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch; và cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân...
Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế mở khá cao. Điều đó là cơ hội để Việt Nam tiếp cận vào đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam phải phát huy hiệu quả để đẩy mạnh xuất khẩu một cách tối đa.
Thêm nữa, Việt Nam đang triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế.