Cần tư duy mới trong quản lý, sử dụng nhà văn hóa
Để khai thác và sử dụng hiệu quả nhà văn hóa cộng đồng cần có một tư duy mới về xây dựng và sử dụng. Đồng thời tìm ra các mô hình quản lý, tổ chức phù hợp… Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khi trao đổi về chủ trương “phủ sóng” nhà văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới.
PV: Ông có nhận định gì về chủ trương “phủ sóng” nhà văn hóa của thành phố Hà Nội trong thời gian tới?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nhà văn hóa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là thiết chế văn hóa cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân ở các địa phương. Thực tế, cũng đã có rất nhiều phong trào, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của các cộng đồng được lưu giữ, phát huy từ địa điểm các nhà văn hóa.
Chính vì thế, qua nhiều năm, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì chủ trương xây dựng nhà văn hóa trở thành trung tâm văn hóa của cộng đồng. Vì vậy, việc Hà Nội chủ trương quan tâm nhiều hơn nữa đến nhà văn hóa rất phù hợp với vị trí, vai trò của nhà văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt hơn, sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng như sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Thành phố với hoạt động văn hóa, việc “phủ sóng” nhà văn hóa được xem là một bước đi cụ thể hóa nỗ lực xây dựng Thủ đô thành trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, tiêu biểu cho văn hóa của cả nước. Nhà văn hóa sẽ giúp hình thành các không gian văn hóa, ở đó, người dân được thể hiện quyền văn hóa của mình thông qua việc sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, từ đó, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển văn hóa của Thủ đô.
Nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội có một thực tế việc sử dụng nhà văn hóa và trung tâm thông tin văn hóa và thể thao không đúng mục đích dẫn đến tình trạng nhiều nơi có nhà văn hóa nhưng người dân không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng được một phần. Phải chăng do cách quản lý, vận hành của địa phương cơ sở?
- Đúng là trong thời gian vừa qua, nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong đó có nhà văn hóa hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Lý do căn bản của hiện tượng này không phải xuất phát từ chủ trương xây dựng nhà văn hóa, mà chủ yếu do cách điều hành thiết chế nhà văn hóa.
Theo đánh giá của tôi, dù chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng việc quản lý, tổ chức hoạt động của các nhà văn hóa vẫn mang nặng tính chất của thời kỳ bao cấp. Tôi vẫn luôn nói rằng, đó là cách quản lý, tổ chức kiểu “đóng cửa - mở cửa”, ở đó, nhà quản lý mới chủ yếu suy nghĩ đến việc làm sao đảm bảo giờ giấc, 8h mở cửa - 17h đóng cửa, mà chưa chú ý nhiều đến việc làm thế nào để xây dựng thương hiệu, tổ chức hoạt động hiệu quả, phát triển khán giả hay nói chung là marketing cho nhà văn hóa và hoạt động của nhà văn hóa.
Một số trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hoạt động hiệu quả nhưng chưa được nhận rộng mô hình. Đấy là nguyên nhân của rất nhiều nhà văn hóa hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của lãnh đạo địa phương, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng không đúng mục đích của một số Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao và nhà văn hóa phải chăng cần có quy định cụ thể bằng pháp luật và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong quá trình vận hành? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm, thưa ông?
- Tất nhiên là mọi sai phạm cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tôi nghĩ tất cả các bên liên quan đến có trách nhiệm, nhưng quan trọng nhất là cán bộ điều hành trực tiếp các trung tâm, nhà văn hóa này. Chúng ta thường thấy chủ trương, đường lối, chính sách thì tốt nhưng việc thực hiện thì vì lý do này, lý do khác, đặc biệt là liên quan đến năng lực cán bộ và vì lợi ích cá nhân khiến cho việc khai thác hiệu quả trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hay gặp vấn đề. Chính vì thế, tôi nghĩ Hà Nội cần có một nghiên cứu cụ thể để từ đó có giải pháp phù hợp cho hệ thống các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa của Thủ đô.
Với kế hoạch “phủ sóng” nhà văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì để sử dụng nhà văn hóa đúng mục đích mang lại hiệu quả thiết thực?
- Tôi nghĩ chúng ta cần có một tư duy mới về xây dựng hệ thống các nhà văn hóa. Một số vấn đề chúng ta có thể suy nghĩ kỹ hơn để tìm các mô hình quản lý, tổ chức nhà văn hóa phù hợp. Hợp tác công tư là một ví dụ như vậy. Nếu tư nhân có thể tổ chức hoạt động nhà văn hóa tốt hơn nhà nước thì chúng ta có thể nghĩ đến việc giao cho họ tham gia, hoặc tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa. Nhà nước chỉ nên tạo môi trường, sân chơi, luật chơi, còn doanh nghiệp, tư nhân, xã hội có thể tham gia vào các hoạt động của nhà văn hóa.
Thay đổi tư duy cũng là hướng đến việc áp dụng tư duy của nền kinh tế thị trường trong việc quản lý và tổ chức hoạt động của nhà văn hóa. Nhà quản lý văn hóa cũng cần phải học các kỹ năng kinh doanh như xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường... để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động của nhà văn hóa của mình. Đầu tư của Nhà nước đối với các nhà văn hóa cũng vẫn cần phải được xem trọng. Đầu tư này không chỉ về cơ sở vật chất, tài chính cho các hoạt động, mà cả con người cho việc quản lý nhà văn hóa.
Chúng ta cần quan niệm đây là đầu tư cho phát triển bền vững, chứ không phải đầu tư lãng phí. Làm được như vậy, tôi tin từ trường hợp của nhà văn hóa, văn hóa Thủ đô sẽ thực sự phát triển, đáp ứng mong đợi của không chỉ nhân dân Thủ đô mà nhân dân cả nước về trung tâm văn hóa, nơi tỏa sáng những giá trị Việt Nam trong thời đại mới.
Trân trọng cảm ơn ông!