Quyền lực mềm của những người ‘đàn bà thép’
Người ta cho rằng, càng ngày thế giới càng nhận thấy trong lĩnh vực chính trị vai trò của nữ giới càng nổi lên. Họ không chỉ chứng tỏ “quyền lực mềm” mà trong nhiều trường hợp họ còn những “người đàn bà thép” (Iron Lady).
Trong số những người đàn bà thành công trên chính trường, nổi lên 3 gương mặt đầy bản lĩnh là cố Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ailen; cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và đương kim Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
“Người đàn bà thép” Margaret Thatcher: Huy hoàng và hiu quạnh
Bà Margaret Thatcher (1925-2013) là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh quốc, cũng là một trong những chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử, được truyền thông gọi là “người đàn bà thép”.
Bà Thatcher từng nói trong thế hệ của mình sẽ không có một người phụ nữ nào trở thành Thủ tướng. Nhưng chính bà lại làm được điều ấy. Thời trẻ, Thatcher học hành rất chăm chỉ, học đại học tại Oxford và trở thành nữ ứng cử viên của Đảng Bảo thủ ở tuổi 25.
Vào thời điểm đó, bà gặp Denis, một thương nhân giàu có đang điều hành tập đoàn gia đình. Denis yêu Thatcher ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không lâu sau, lễ cưới diễn ra và sau hai năm kết hôn họ sinh được một trai, một gái.
Nhưng bà mẹ trẻ Thatcher không có nhiều thời gian cho con cái. Khi cặp song sinh được hơn hai tuần tuổi, bà lập tức quay trở lại với sự nghiệp chính trị của mình. Lúc ấy, Denis luôn ở phía sau âm thầm ủng hộ vợ. Các con của bà cũng vì thế mà thiếu sự chăm sóc và hơi ấm của người mẹ. Những năm cuối đời, bà Thatcher từng nói: “Nếu thời gian có thể quay ngược lại, tôi tuyệt đối sẽ không bước chân vào đấu trường chính trị, vì gia đình tôi đã phải trả giá quá đắt cho điều ấy”.
Trong 2 người con, cô con gái Carol mờ nhạt, trái lại cậu con trai Mark lại khiến cho bà Thatcher khốn khổ. Tham gia cuộc đua xe Paris-Dakar Rally năm 1982, bị lạc nhiều ngày trong sa mạc Sahara, bà Thatcher rơi nước mắt thỉnh cầu chính phủ các nước giúp đỡ để giải cứu con trai. Chưa hết, sau đó Mark ngập trong rượu chè, tham gia vào cuộc đảo chính ở Guinea rồi bị bắt ở Nam Phi và bị kết án 4 năm tù treo cùng với khoản tiền phạt khoảng 313.000 bảng Anh. Bà Thatcher buộc phải cầm tiền đi Nam Phi để chuộc con trai về.
Trong ngày kỷ niệm 50 năm kết hôn, bà Thatcher bất ngờ đột quỵ và mất đi một phần ký ức. Hai năm sau, chồng bà qua đời, đó là cú sốc mạnh đối với bà, khiến trí nhớ của bà ngày càng kém hơn, bà thường nghĩ ông vẫn còn sống trên đời. Có một lần tỉnh dậy giữa đêm khuya, bà đã khoác lên mình một bộ quần áo trang trọng, rồi đi đến viếng mộ phần của ông.
Trong lễ sinh nhật lần thứ 77, Thủ tướng Thatcher nhận được 4 tấm thiệp chúc mừng, bà bày chúng lên bàn và đăm chiêu ngắm nhìn. Lúc ấy, con trai bà sống ở Tây Ban Nha, con gái ở Thụy Sĩ, những đứa cháu ở Mỹ, tất cả người thân yêu đều hiếm khi trở về thăm bà.
Trong những năm tháng dài dằng dặc cùng với nỗi cô độc lúc cuối đời, bà Thatcher lại bị đột quỵ. Mọi thứ đối với bà đều trở thành thử thách, ngay đến xem báo cũng rất khó khăn, vừa đọc câu sau đã quên câu trước. Trong phòng, nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh đặt rất nhiều bức ảnh của chồng, con và các cháu. Nhưng bên cạnh bà lại không có bất cứ người thân nào, làm bạn với bà chỉ có bác sĩ và y tá. Cho đến phút lâm chung, con trai, con gái cũng không có mặt kịp thời để lo lắng hậu sự cho bà.
Già yếu, trí nhớ suy giảm dần và ít người ghé thăm, những ngày tháng cuối đời của Margaret Thatcher tương phản hẳn với thời kỳ huy hoàng của bà. Không thể đi lại trên cầu thang của tòa nhà 4 tầng của mình, người phụ nữ 87 tuổi đã phải dọn tới sống tại khách sạn Ritz ở London sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u ở bàng quang. Khách sạn này cũng là nơi bà đã qua đời vì đột quỵ.
Nghị sĩ Conor Burns, thành viên đảng Bảo thủ, là một trong số ít người viếng thăm bà Thatcher, vào các buổi tối Chủ nhật. "Chúng tôi thường uống vài ly rượu gin nặng, được bà gọi là "rượu chuẩn"" - ông kể. Tờ Daily Mirror dẫn lời Burns cho biết ông thường là vị khách duy nhất trong tuần, ngoài những người chăm sóc thường xuyên cho bà. "Tôi đã có những khoảng thời gian rất đặc biệt với bà. Trí nhớ của bà không còn tốt, nhưng bản năng của bà vẫn hoạt động tốt và điều thật lạ là bà quan tâm tới tương lai hơn quá khứ. Bà luôn quan tâm tới những gì diễn ra trong chính trị và thế giới. Bà giữ mối quan tâm ấy cho tới cuối đời" - ông Conor nhớ lại.
Khi bà Thatcher qua đời, truyền thông Anh đã bày tỏ niềm tiếc thương một nữ Thủ tướng đầy tài năng, nhưng cũng chia sẻ sự cô đơn cuối đời của bà. Đánh đổi cho những năm tháng huy hoàng trên vũ trường chính trị là một tuổi già cô đơn, hiu quạnh của “người đàn bà thép''.
Angela Merkel và người đàn ông lặng lẽ
Bà Angela Merkel từng là chuyên gia ngành hóa học và vật lý, nhưng rồi sự nghiệp rẽ ngang khi bà tham ghia chính trị và nắm giữ cương vị Thủ tướng nước Đức 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Trong suốt những năm dài đó, bà Merkel đã khẳng định được tầm ảnh hưởng với khu vực cũng như thế giới.
Angela Dorothea Merkel sinh ngày 17/4/1954 tại Hamburg, Đức. Khi còn nhỏ, cô bé Angela thông minh, chăm chỉ, sáng dạ luôn là học sinh giỏi, đặc biệt ở môn tiếng Nga và Toán học. Sau này, bà học vật lý tại Đại học Leipzig giai đoạn 1973-1978, rồi làm việc và nghiên cứu tại Viện Hóa Lý trung ương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Đức từ năm 1986 đến năm 1990.
Angela gặp người chồng đầu tiên, Ulrich Merkel, tại Leipzig.Trong mắt ông, bà Angela là một "quý cô rất thân thiện, cởi mở và dễ gần”. Năm 1989, Merkel bắt đầu dấn thân vào chính trường. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/1990, sau khi Đông Đức và Tây Đức sáp nhập, Merkel được chỉ định vào nội các. Năm 1994, Merkel được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Môi trường và An toàn lò phản ứng hạt nhân. Tầm nhìn chính trị và vai trò mới đã thúc đẩy sự nghiệp của bà.
Bà Merkel nhậm chức Thủ tướng Đức lần đầu tiên ngày 22/11/2005.
Sau cuộc hôn nhân đầu tiên với Ulrich Merkel, bà Angela lập gia đình với giáo sư hóa học Joachim Sauer, nhưng bà vẫn giữ lại họ của người chồng trước trong tên của mình.
Ở cương vị là người đứng đầu nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, bà Merkel đã đưa ra phương hướng giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực và trên thế giới, đấu tranh cho quyền lợi của nước Đức. Trong làn sóng tị nạn đổ về biên giới châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố chấp nhận người di cư và sẽ tạo điều kiện cho họ ở tạm trong các trường đào tạo quân sự và cơ sở khác trên khắp đất nước. Đức là quốc gia duy nhất đón tiếp người nhập cư khi nhiều nước khác đóng sập cánh cửa ngay trước mắt họ.
Bà Merkel từng nhiều lần được bình chọn là Nhân vật của năm vì những ảnh hưởng đối với tình hình thế giới. Nhưng cũng ít người biết cuộc sống đằng sau vinh quang của người đàn bà thép Angela Merkel.
Cuộc hôn nhân đầu của bà Angela với nhà vật lý Ulrich Merkel vào năm 1977, nhưng chỉ kéo dài 5 năm, sau đó hai người ly hôn. Năm 1981, cô nghiên cứu sinh Angela Merkel lần đầu tiên gặp gỡ nhà hoá học Joachim Sauer tại Viện Trung ương hóa lý ở Berlin. Khi đó, ông Sauer, 32 tuổi là người hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho cô Merkel, 27 tuổi. Mối quan hệ giữa hai người kéo dài 17 năm trước khi họ chính thức kết hôn vào ngày 30/12/1998.
Ông Joachim Sauer là Tiến sĩ hoá học, sinh năm 1949 tại Hosena, Đức. Ông theo học Khoa Hóa học của Đại học Humboldt từ năm 1967 đến 1972 và nhận học vị Tiến sĩ hóa học 2 năm sau đó. Ông tiếp tục công việc nghiên cứu ở trường đại học này cho đến năm 1977 thì chuyển đến công tác tới nơi ông gặp người phụ nữ sẽ là vợ ông và càng không ngờ sẽ là Thủ tướng nước Đức.
“Đệ nhất phu quân” Đức nổi tiếng là người đàn ông lặng lẽ bên bà Merkel bởi ông cực kì kín tiếng trước báo giới và rất hiếm khi đồng hành cùng vợ trong những sự kiện chính trị. Kể cả khi bà Merkel tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội hồi tháng 11/2005 để trở thành nữ Thủ tướng Đức đầu tiên, ông Sauer cũng chỉ lặng lẽ ngồi ở nhà xem buổi lễ trên tivi và chúc mừng vợ qua điện thoại.
Giải thích cho việc này, ông Sauer cho biết, ông đam mê nghiên cứu, có lịch làm việc chặt chẽ 14 giờ/ngày và không muốn can thiệp nhiều vào công việc của vợ. Lần đầu tiên công chúng thấy ông đồng hành cùng “bà đầm thép” Đức là tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm thành lập EU ở Berlin tháng 4/2007.
Một lần hiếm hoi khác “Đệ nhất phu quân” hỗ trợ vợ mình trong một sự kiện chính trị là vào Hội nghị Thượng đỉnh G8 cùng năm 2007 cũng tổ chức tại Đức. Năm đó, Tiến sĩ hóa học Joachim Sauer đảm nhận trách nhiệm tiếp đón các bóng hồng đồng hành cùng 8 vị lãnh đạo.
Mỗi khi nhận được lời mời từ báo giới, ông Sauer thường trả lời ngắn gọn: “Cảm ơn bạn đã quan tâm” trước khi từ chối cuộc phỏng vấn đó, theo Reuters. Dù thế, Reinhold Messner - bạn của gia đình bà Merkel lại khẳng định: “Truyền thông hoàn toàn sai lầm về Joachim Sauer. Ông ấy là người sâu sắc và dí dỏm. Hơn hết, ông là người đàn ông lý tưởng của bà Merkel”.
Những người quen biết phu quân Thủ tướng Đức còn cho hay ông không thích bị gọi là “Ngài Merkel” khi bản thân ông cũng là một người thành công trong giới học thuật: Joachim Sauer là một trong 30 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới ở lĩnh vực hóa học lượng tử. Reuters từng dẫn lời bà Merkel khẳng định: “Mỗi người chúng tôi đều có sự nghiệp riêng. Tôi không phải là một phụ nữ nội trợ và anh ấy hẳn nhiên cũng không là một người đàn ông quẩn quanh trong bếp”.
Rời khỏi vị trí Thủ tướng, bà Merkel trở về với cuộc sống bình thường hàng ngày bên cạnh người chồng nhiều năm “ẩn mình” sau chiếc bóng quá lớn của vợ. Hai người có chung sở thích đọc sách và làm bếp. Cuối tháng 1 vừa qua, bà Merkel đã từ chối lời mời làm việc cho Liên hợp quốc, vì bà muốn dành thời gian cho cuộc sống riêng tư sau quá nhiều năm hoạt động chính trị.
Nancy Pelosi, người đàn bà lão luyện trên chính trường nước Mỹ
Mới đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi thông báo sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 19 trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Tuy nhiên, bà Pelosi không tiết lộ có tìm cách tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đảng Dân chủ hay không.
Trong thông báo đăng trên mạng xã hội Twitter, bà Pelosi nhấn mạnh: "Nền dân chủ của chúng ta đang gặp rủi ro vì cuộc tấn công vào lẽ phải, cuộc tấn công vào Đồi Capitol và cuộc tấn công vào quyền bầu cử ở từng bang. Cuộc bầu cử (giữa kỳ) là rất quan trọng. Tôi đang tái ứng cử vào Quốc hội và trân trọng tìm kiếm sự ủng hộ của các bạn. Tôi sẽ rất vinh dự và biết ơn về sự ủng hộ đó".
Bà Pelosi sắp bước sang tuổi 82 và là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hạ viện.
Tuyên bố của bà Pelosi được đưa ra trong bối cảnh các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đang nghỉ hưu với số lượng kỷ lục trong năm nay, lên tới 29 người. Với tư cách là thành giàu kinh nghiệm, bà Pelosi được coi là người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thành viên đảng Dân chủ tranh cử trên khắp đất nước, trong bối cảnh có nhiều lo ngại đảng này có thể mất đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong năm nay.
Dù nước Mỹ đang có một Phó Tổng thống là nữ, bà Kamala Harris nưng bà Nancy Pelosi vẫn được coi là người phụ nữ quyền lực nhất trên chính trường nước này. Bà còn được thừa nhận rộng rãi là nhân vật chính trị lão luyện bậc nhất nước Mỹ khi đã tham gia “trò chơi chính trị” kéo dài gần 50 năm với biết bao thách thức cực kỳ lớn mà bà từng phải đối mặt.
Đảng Cộng hòa (đối lập) thường mô tả bà Pelosi như một “người tự do ở San Francisco” say mê chủ trương Chính phủ Lớn (ngược lại với đảng Cộng hòa chủ trương Chính phủ Nhỏ, giảm thiểu cơ cấu chính quyền, để người dân tự do buôn bán và tự trị) và nghiêng về cực tả khi bàn về các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, nguồn gốc của bà lại là kiểu chính trị thực tiễn hơn nhiều. Bà sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm chính trị, là người trẻ nhất trong số 7 người con ở một gia đình thuộc thành phố Bờ Đông Baltimore, bang Maryland, nơi cha bà từng là Thị trưởng. Bà học đại học ở Washington, cũng là nơi mà bà gặp gỡ và cuối cùng kết hôn với nhà tài chính Paul Pelosi.
Ban đầu họ chuyển tới Manhattan, sau đó là San Francisco, nơi bà Pelosi bắt đầu làm một bà nội trợ. Bà sinh hạ 5 người con: 4 con gái và 1 con trai, trong vòng 6 năm.
Kể từ năm năm 1976, bà bắt đầu tham gia chính trị, tận dụng các mối quan hệ của gia đình mình để giúp đỡ Thống đốc California Jerrry Brown giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ ở Maryland, trong lúc ông này tranh chức Tổng thống. Sau đó, bà nỗ lực leo từng nấc thang quyền lực trong đảng Dân chủ và cuối cùng trở thành Chủ tịch đảng, giành được một ghế trong Quốc hội vào năm 1988. Tại Hạ viện, phong cách làm việc của bà nhận được sự tín nhiệm của nhiều người. Trước khi trở thành Chủ tịch, bà đã là thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện khóa 2003-2007 và 2011-2019.
Bà Nancy Pelosi từng là một trong số những người nổi bật nhất và có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong số những người công khai phản đối cuộc chiến mà Mỹ khởi xướng ở Iraq vào năm 2003. Quan điểm này đã được chứng nhận là đúng đắn vào năm 2006, khi mà đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên trong vòng 12 năm. Điều này tạo uy tín lớn cho bà Pelosi. Bà được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ nắm giữ chức vụ này.
4 năm sau, đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện. Bất chấp bước lùi này, bà Pelosi vẫn đương đầu không mệt mỏi với nhiều thách thức và một lần nữa giành lại chức vụ Chủ tịch Hạ viện vào năm 2018.
Chủ tịch Hạ viện chỉ xếp sau Phó Tổng thống Mỹ. Bà Pelosi có văn phòng riêng rất đồ sộ nằm trên Đồi Capitol, có ban công riêng nhìn thẳng ra Đài tưởng niệm Washington. Từ năm 2009 đến năm 2011, Hạ viện dưới quyền quản lý của bà Pelosi đã thực thi một gói kích thích 840 tỉ USD, sau sự sụp đổ của nền kinh tế năm 2008. Bà cũng thúc đẩy mạnh mẽ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là ObamaCare), vốn đã trở thành di sản của Tổng thống Barack Obama, tại Hạ viện và cuối cùng đặt nó ở trên bàn làm việc của Tổng thống.
Bà Nancy Pelosi từng phải đối mặt với nhiều tình huống cực kỳ khó khăn khi trở lại ghế Chủ tịch Hạ viện vào năm 2018. Vào thời điểm đó, bà trở thành chiếc “cột thu lôi” hứng chịu những cơn phẫn nộ mà đảng Cộng hòa trút vào. Trong chiến dịch tranh cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, đối thủ nặng ký đảng Cộng hòa David Brat đã nhắc tới cái tên Nancy Pelosi và “chương trình nghị sự tự do” của bà tới 21 lần chỉ trong một cuộc tranh luận. Động thái này sau đó phản tác dụng với Brat và cả đảng Cộng hòa khi đảng Dân chủ giành chiến thắng lịch sử tại Hạ viện.
Tuy nhiên, trong lần thứ hai là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Pelosi lại phải đối diện với 2 chướng ngại lớn hơn nhiều là Tổng thống Donald Trump và Thủ lĩnh nhóm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell. Truyền thông Mỹ nhận xét, bà Pelosi đã “gặp phải hai “đại cường địch” khi mà tuổi đời đã không cho phép bất cứ người phụ nữ nào chiến thắng”.
Nhưng, sự lão luyện chính trường cũng như khí chất vô cùng đặc biệt đã giúp bà Pelosi chiến thắng. Thủ lĩnh nhóm đa số tại Thượng viện đã phải thốt lên: Bà ấy (Pelosi) là người không bao giờ chịu dừng bước và điều đó đã khiến bà tới đích trước mọi người.
Nhưng “cuộc chiến” thực sự và cũng là đối thủ lớn nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của bà Pelosi chính là Tổng thống Donald Trump (lúc bấy giờ). Một trong những khoảnh khắc được coi là “để đời” của bà Pelosi chính là hành động vỗ tay đầy châm chọc sau khi ông Trump đọc Thông điệp Liên bang, thời điểm chỉ 1 tháng sau khi bà nhậm chức Chủ tịch Hạ viện. Và “kinh hoàng” nhất là sau đó chừng 12 tháng, Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã xé toang một bản sao bài phát biểu của Tổng thống Trump ngay trước ống kính camera.
Một sự cố quan trọng nữa trong cuộc đối chọi với ông Trump chính là việc nhiều nghị sĩ đòi đưa ông Trump ra luận tội. Thực ra thì ban đầu, bà Pelosi đã do dự khi can thiệp vào quá trình này. Nhưng vào năm 2019, bà đã thay đổi và quyết tâm luận tội ông Trump. Hơn thế nữa, bà Pelosi còn tuyên bố: “Tôi muốn ông Trump ngồi tù”.
Dù công việc chiếm khá nhiều thời gian, song bà Pelosi vẫn khá quan tâm tới gia đình. Bà là mẹ của 5 người con và 8 đứa cháu. Trước đây, khi bắt đầu tham gia cuộc chạy đua vào Hạ viện, bà đã nói với cô con gái nhỏ tuổi nhất: “Nếu con muốn, mẹ sẽ ở nhà với con thêm một năm nữa”.
Cũng theo tờ New York Times, gia đình bà Pelosi sở hữu một vườn nho, một biệt thự có hồ bơi hình chữ Z, cách thành phố San Francisco 100 km về phía bắc, bên bờ sông Napa. Vợ chồng bà Nancy Pelosi hiện đang sở hữu khối tài sản ước tính từ 16 đến 30 triệu USD.