Tổ chức nhiều chương trình tuyên dương hàng Việt, DN Việt tiêu biểu

Vũ Mạnh 30/03/2022 18:42

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.

Tạo hành lang cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đã đề xuất các giải pháp để Cuộc vận động thực sự được lan tỏa trong xã hội và trở thành động lực quan trọng phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong phục hồi phát triển nền kinh tế của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Thành Thống, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc vận động không chỉ còn là kêu gọi người dân phát huy lòng yêu nước, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước mà phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

Chỉ khi những doanh nghiệp tự đứng vững được trên đôi chân của mình mới sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý đủ sức cạnh tranh chinh phục được người tiêu dùn.

Thứ trưởng Võ Thành Thống đề xuất, Chính phủ tiếp tục ưu tiên tạo hành lang cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khi các doanh nghiệp đang phải hứng chịu những tác động từ đại dịch Covid-19, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, quảng bá thương hiệu…

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong năm 2022, các bộ, ngành tiếp tục bám sát tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư trong triển khai Cuộc vận động.

Trong đó cần tập trung vào việc thể chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiến hành tổng rà soát và có định hướng cụ thể trong triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát động các phong trào để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hơn nữa.

Ông Nguyễn Đức Hiển cũng đề xuất việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong triển khai Cuộc vận động nhất là chính sách đặt hàng mua sắm công và hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp. Song song với đó cần kết hợp truyền thông số với nền tảng số để tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng Việt.

Khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thay đổi về nhận thức và hưởng ứng tích cực trong sử dụng hàng Việt, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng chỉ rõ hiện nay chúng ta phải đối mặt với một số hạn chế như quy mô các cơ sở bán lẻ của người Việt còn nhỏ, hệ thống hàng hóa phân phối trong hệ thống còn ít, một số sản phẩm của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới,…

Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Quang Hiệu cho biết Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai các nội dung tại Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2020 - 2024.

Bộ Ngoại giao cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin và cơ hội xuất khẩu sang thị trường nước ngoài; Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp, hỗ trợ các các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài

Tại Hội nghị, các ý kiến cũng đề xuất trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền giới thiệu những sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng, những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm hàng hóa dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường; đẩy mạnh thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”…

Toàn cảnh Hội nghị.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm hàng Việt

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng 2,68%.

Trong bối cảnh cả nước đang hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chỉ đạo của Bộ Chính tri, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đều nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Chính bởi vậy việc triển khai hiệu quả cuộc vận động sẽ mang nhiều ý nghĩa thiết thực, trở thành động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế của đất nước.

Từ ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó rà soát lại những nhiệm vụ đã được giao, các nội dung cần triển khai thực hiện để hoàn thiện, bổ sung vào kế hoạch triển khai Cuộc vận động trong năm 2022.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Cùng với việc rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Chỉ đạo cần quan tâm tới việc ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm hàng Việt.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cần tăng cường các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường và nâng cao vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo trong kiểm tra triển khai cuộc vận động của từng địa phương.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, để tạo sức lan tỏa của Cuộc vận động cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tuyên dương, biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn các sản phẩm chất lượng tại mỗi địa phương.

Đây chính là động lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Bộ Công thương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tham mưu hoạt động kết nối cung cầu để không còn hiện tượng nông sản Việt ùn tắc như hiện nay.

“Trong năm 2022, thành viên Ban Chỉ đạo cần phải lượng hóa số lượng công việc phải làm, trong đó cần đẩy mạnh truyền thông và phát huy vai trò phối hợp giữa các cơ quan liên quan để Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị.

Vũ Mạnh