Bảo đảm công bằng các phương thức tuyển sinh

Dung Hòa 31/03/2022 07:28

Theo đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2022 do các trường ĐH công bố, năm nay có nhiều phương thức tuyển sinh. Trước một số băn khoăn về tính công bằng giữa các phương thức tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được Bộ chỉ đạo thực hiện đồng bộ với lộ trình tự chủ của các cơ sở đào tạo ĐH.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Quang Vinh

Nhiều con đường vào đại học

Xác nhận việc năm nay các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đó cũng là ưu điểm của tự chủ ĐH. Tuy nhiên, các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời, phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau và đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm (ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm), không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.

Trước thực tế các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy đang thu hút thí sinh dự thi để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, một số cá nhân, tổ chức đã thông báo chiêu sinh các lớp luyện thi cấp tốc dưới hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, đại diện các cơ sở đào tạo đều khẳng định, không tổ chức các khóa ôn luyện kỳ thi này, các thí sinh cần lưu ý, tránh “tiền mất, tật mang”.

Chia sẻ về phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2022, các phương án tuyển sinh của nhà trường cơ bản ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, chỉ tiêu phân bổ theo từng phương thức có thể thay đổi. Các ngành/nhóm ngành đào tạo có điểm chuẩn cao sẽ dành nhiều chỉ tiêu hơn cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực (HSA).

Cách thức xét tuyển năm 2022 cũng sẽ linh động hơn đối với các trường/khoa về thời gian. Các đơn vị sẽ có kế hoạch xét tuyển phù hợp để bảo đảm quyền lợi của học sinh từ các nguồn tuyển và tuyển chọn được các thí sinh chất lượng.

Trước băn khoăn của học sinh, phụ huynh về việc các thí sinh ở vùng khó khăn không thể ra thành phố lớn để thi đánh giá năng lực sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi xét tuyển, ông Thảo cho rằng: Hầu hết các trường ĐH đều sử dụng tối thiểu 3 phương thức tuyển sinh. Do đó, thí sinh có nhiều con đường để vào ĐH.

Không lo bất bình đẳng

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 ổn định như năm trước, chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở giáo dục ĐH.

Tại Hội nghị tuyển sinh 2022 vừa được tổ chức, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh, năm 2022, một số nội dung dự kiến điều chỉnh so với 2021 gồm: Việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi). Cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Trước những lo ngại có sự bất bình đẳng khi xét tuyển ĐH bằng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL…, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết đa phần các trường sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển.

Một số cơ sở giáo dục ĐH thuộc “top” đầu - các trường có những chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học hoàn toàn bằng tiếng Anh - thì việc sử dụng thêm các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL trong xét tuyển cũng là điều bình thường, hợp lý, bởi có tính hội nhập quốc tế.

Dung Hòa