Đào tạo nghề cho thanh niên: Gắn với việc làm và nhu cầu xã hội

H.Vũ 31/03/2022 07:30

Ngày 30/3, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thanh niên năm 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”. Tại diễn đàn nhiều thanh niên bày tỏ băn khoăn về tìm kiếm việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Đào tạo nghề cho thanh niên. Ảnh: Quang Vinh

Mỗi doanh nghiệp phải trở thành một “cơ sở giáo dục”

Nguyễn Thị Mai Anh, làm việc tại Công ty Dệt 8-3 phản ánh, khi làm việc thì nhiều máy móc thiết bị không giống trong quá trình học nên thời gian đầu tôi phải vừa học vừa làm để đáp ứng yêu cầu công việc. “Vậy Nhà nước có chính sách gì để gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp? Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để khi ra trường thanh niên quen với công việc và thiết bị, giúp hiệu quả hơn trong quá trình làm việc” - Mai Anh bày tỏ.

Trả lời, TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa-VSTI cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số tạo ra những thách thức với người lao động. Nhưng chuyển đổi số là cơ hội tốt nếu biết gắn kết, cách “chạy” theo, nhất là đối với thanh niên. Theo ông Quang, chuyển đổi số không phải thêm “gánh nặng” mà thêm “cơ hội” nếu kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động, giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Do đó trong đào tạo phải biết thị trường cần gì? Gắn đào tạo với tầm nhìn. “Nếu xây dựng nền tảng chuyển đổi số, kết nối người có nhu cầu để mỗi doanh nghiệp trở thành một cơ sở giáo dục đào tạo, tránh việc không ai đào tạo xong mới đi tìm việc làm mà đào tạo theo việc làm, nhu cầu xã hội. Nền tảng giáo dục nghề nghiệp phải phù hợp và gắn kết với nguồn cung” - ông Quang nói và cho rằng nếu triển khai được vấn đề này thì đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như mục tiêu đề ra, thì lúc này những thanh niên trẻ sẽ là lực lượng chủ lực của xã hội, là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.

Là doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song vẫn thích nghi, giữ chân được người lao động, đại diện Ngân hàng Sacombank cho rằng: Cần quan tâm tới đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa đào tạo với doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái được những kết quả.

Biến “nguy” thành “cơ” để đối diện với thời cuộc

Nhấn mạnh Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt, ông Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho rằng, dù trong bối cảnh nào, thử thách nào, chúng ta vẫn luôn tin tưởng thanh niên sẽ phát huy tinh thần lạc quan, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” để đối diện với thời cuộc một cách chủ động nhất.

Ông Tuấn đề nghị cần đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên. Theo đó, cần chăm lo hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Xác định các hệ giá trị và hành trang để thanh niên tự tin, thích nghi, thích ứng trong nghề nghiệp, việc làm.

“Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số tạo ra những thách thức với người lao động. Nhưng chuyển đổi số là cơ hội tốt nếu biết gắn kết, cách “chạy” theo, nhất là đối với thanh niên” - TS Nguyễn Nhật Quang- Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa-VSTI.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều chương trình, đề án, tạo cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát huy sức trẻ, trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.

Tác động nặng nề của dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐTBXH và Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước kia chúng ta hay nói “chuyên 1 ngành”, “1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề”, “1 nghề thì sống, đống nghề thì chết” nhưng đến nay nghề cũng phải thường xuyên thay đổi. Theo đó, sẵn sàng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng cần nhiều thay đổi. Phải hướng nghiệp ngay từ học phổ thông rèn, kỹ năng kỹ năng nghề, đạo đức, và lý tưởng.

“Qua đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy phải tư duy về cách làm cụ thể để thích ứng với thế giới thì sẽ bớt tụt hậu, và thích ứng với thay đổi của thời cuộc. Thanh niên là tuyến đầu trong đổi mới, biến ý tưởng thành hành động cụ thể, bằng sức trẻ dấn thân sẽ giúp tận dụng công cuộc biến đổi của thời cuộc để nhanh vươn lên, và phát triển bền vững” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

H.Vũ