'Nhặt sạn' để du lịch phát triển
Sau một thời gian “đóng băng” bởi dịch Covid-19, du lịch Việt Nam như chiếc lò xo bị dồn nén bắt đầu bung ra. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội kích cầu, phục hồi là những thách thức, đặc biệt là vấn đề ứng xử trong các hoạt động du lịch.
Việc cũ nhưng bài học không cũ
Mới đây nhất, một đoàn khách gần 30 người đã “tố cáo” về việc chủ quán bánh ướt lòng gà trên đường Tăng Bạt Hổ (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã có những hành xử thiếu văn hóa với nhóm du khách này.
Trước đó, một nhà hàng dưới chân đèo Rọ Tượng (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) không chỉ “chặt chém” mà còn dọa hắt cả bát canh vào khách nếu không chịu thanh toán. Còn trong dịp Tết vừa qua là vô số những chia sẻ trên mạng xã hội về việc “đội giá” tại một số nhà hàng; những không gian loè loẹt, phản cảm tại điểm đến du lịch...
Có thể nói, những hình ảnh xấu xí như chụp giật, chặt chém, chèo kéo, cưỡng đoạt tài sản, thiếu văn hóa… dù không mới nhưng đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Dưới góc nhìn của một du khách, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là chính quyền địa phương chưa có phương án cụ thể và cách tổ chức quản lý tốt. Cùng với đó, các quy định về an toàn trong hoạt động vui chơi giải trí ở những điểm du lịch vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm ngặt. Khi chưa có vấn đề gì hãy quan tâm ngay đừng để xảy ra thì sẽ không phản ứng kịp.
“Trong bối cảnh này, sự phục hồi của ngành du lịch sẽ phụ thuộc vào niềm tin của du khách đối với doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng địa phương” - ông Thịnh nói.
Chế tài xử lý những hành vi xấu
Khi du lịch hoạt động trở lại, nhiều khách du lịch cho biết họ sẵn sàng chi, nhưng không thể chấp nhận chuyện “đội giá” quá cao so với thực tế. Các nhà hàng cần niêm yết công khai giá các sản phẩm để khách không bị lừa.
Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, sự tăng trưởng của du lịch thời gian qua chưa thực sự trọn vẹn khi tất cả đều ngoài sự chuẩn bị và dự báo của “người trong cuộc”.
Theo ông Mẫn, trong khi lượng khách đặt tour trọn gói chưa đạt mức kỳ vọng, lượng khách du lịch tự túc bằng mọi phương tiện lại chiếm đa số. Khi khách đi tự túc sẽ khó tránh tình trạng bị chặt chém. Từ đó, ông Mẫn cho rằng du khách nên thay đổi chiến thuật đó là “phải du lịch có kế hoạch” để hạn chế rủi ro, như “cháy phòng”, đội giá trong dịch vụ ăn uống khi du lịch tự túc.
Theo TS Trần Hữu Sơn- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc chửi bới ở một số quán ăn là những hành vi thiếu văn hóa. Đó là những hành vi lệch chuẩn làm cho du khách nhìn có cái nhìn không thiện cảm với địa phương.
Việc chửi bới, chặt chém du khách gây phản cảm. Về mặt thẩm mỹ đã phản cảm và về mặt đạo lý càng không được phép, thậm chí còn là hành vi vi phạm pháp luật vì sỉ nhục người khác. Tất cả những hành vi đó cần phải lên án. Không chỉ lên án mà các ban chỉ đạo du lịch ở các địa phương cần có chế tài xử lý như tạm đình chỉ kinh doanh, phê phán, có những xử phạt hành chính cụ thể...
Được biết, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VHTTDL ban hành. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những biểu hiện xấu trong khai thác du lịch, cần phải được chấn chỉnh.
TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam: Xây dựng hình ảnh đẹp của địa phương
Phải làm cho trong sạch vì đã là du lịch bao giờ cũng phải gắn liền với văn hóa. Du lịch truyền tải thông điệp, truyền tải những giá trị văn hóa. Khách du lịch không chỉ để ngắm cảnh đẹp, thưởng thức khí hậu trong lành mà người ta còn xem cách ứng xử của người dân nơi đây.
Vì thế trước những hiện tượng tiêu cực, phản cảm mà không phê phán, không kiên quyết xử lý sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp của địa phương. Để phát triển bền vững du lịch cần phải bảo vệ môi trường; bảo vệ văn hóa truyền thống.
Đây là yếu tố rất quan trọng vì trong văn hóa truyền thống có lời ăn tiếng nói, phong cách ứng xử, nếp sống thì cần phải đề cao giá trị chân - thiện - mỹ; Cần phải bảo vệ lợi ích của cộng đồng hài hòa với lợi ích của du khách và lợi ích người phục du khách.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn: Chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để đổi mới
Phục hồi và phát triển ngành du lịch không chỉ trên cơ sở dựa vào những tài nguyên, nguồn lực đã có sẵn, vận hành theo cơ chế như trước đại dịch, mà phải trên cơ sở khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, tìm kiếm những nguồn lực và ý tưởng sản phẩm mới, thích ứng với xu hướng mới, bối cảnh mới, năng động, sáng tạo trong cách thức tổ chức, vận hành, quản lý và làm chủ tình hình.
Chất lượng nguồn nhân lực và thu hút trở lại lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp là chìa khóa để tạo ra sự đổi mới và đột phá, cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường du lịch trong bối cảnh hoàn toàn mới. Nguồn nhân lực cần được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kĩ năng cũng như sự năng động, sáng tạo trong làm nghề và trước những biến cố. Xây dựng chiến lược hoạch định nguồn nhân lực rõ ràng dựa vào việc rà soát lại tình trạng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai mang tính chuyên sâu, tạo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, chú trọng hơn nữa đến đào tạo nhằm tăng cường năng lực và khả năng thích nghi của nguồn nhân lực với các biến động cũng như môi trường làm việc mới của ngành.
Phạm Sỹ (ghi)