Cuộc sống mới cho những người tị nạn khí hậu ở Bangladesh
Họ là những cư dân tới từ khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở Bangladesh, mất nhà cửa, đất đai và sinh kế, nhưng rồi đã tìm thấy hy vọng ở một cuộc sống mới.
Những cuộc sống ‘biến mất’
Cuộc sống của Monira Khatun 29 tuổi, đã đảo lộn hoàn toàn sau khi chồng cô đột ngột bỏ đi. Cô ngậm ngùi trở về với bố mẹ và rồi một cú sốc khác lại ập tới: cha cô đã mất không lâu sau đó, để lại toàn bộ gánh nặng trên vai cô con gái. Thất nghiệp, Khatun không biết rồi tương lai gia đình mình sẽ đi về đâu.
“Tôi đã mất tất cả mọi thứ. Xung quanh chỉ còn lại một màu đen”, Khatun buồn bã nói. “Ngôi nhà của bố mẹ tôi nằm trên vùng bị sạt lở và đã bị cuốn xuống sông, chúng tôi không còn đất để canh tác”.
Khatun, cũng như vô số người ‘tị nạn khí hậu’ khác, hiện đang làm việc tại một nhà máy ở khu kinh tế đặc biệt tại một thị trấn phía tây nam Mongla, nơi có cảng biển lớn thứ hai Bangladesh.
Những người tị nạn như Khatun đều tới từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở Bangladesh, mất nhà cửa, đất đai và sinh kế, nhưng họ đã tìm thấy cuộc sống mới ở thị trấn ven sông cách Vịnh Bengal khoảng 50 km phía trong đất liền.
Có khoảng 150.000 cư dân hiện đang sống ở Mongla - nhiều người trong số họ đã chuyển đến từ các ngôi làng gần rừng Sundarbans, khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới nằm giữa biên giới Bangladesh và Ấn Độ, đồng thời là nơi ẩn náu của những con hổ Bengal có nguy cơ tuyệt chủng.
Việc bị buộc phải di cư do biến đổi khí hậu trong phạm vi biên giới hoặc xa hơn, là một thực tế ngày càng gia tăng trên toàn cầu, và dự kiến sẽ còn tăng tốc chóng mặt trong những thập kỷ tới.
Tính trong khoảng 30 năm sau, sẽ có tới 143 triệu người có khả năng bị mất nhà cửa do nước biển dâng, hạn hán, thời tiết khắc nghiệt và các thảm họa khí hậu khác, theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc công bố vào tháng trước. Các nhà lãnh đạo ở châu Á, vốn đã là một trong những châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đang phải đối mặt với những thay đổi lớn mỗi ngày.
Các nhà khoa học khí hậu như Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển có trụ sở tại thủ đô Dhaka (Bangladesh), đang xây dựng thương hiệu Mongla như một thị trấn thích ứng với khí hậu cho người tị nạn.
“Khi nói đến ‘tị nạn khí hậu’, Mongla là một câu chuyện thành công. Những thay đổi tại đây như một ví dụ điển hình về cách những người tị nạn khí hậu có thể biến hóa cuộc sống của họ thông qua những cơ hội mới, một cách tiếp cận mới để thích ứng”, ông Huq khẳng định.
Mongla thực sự đã mang đến nhiều cơ hội mới cho những cư dân tị nạn. Với cảng biển, khu chế xuất và cơ sở hạ tầng thích ứng hoàn hảo với khí hậu, nơi đây đã trở thành một câu chuyện khác truyền cảm hứng.
Ông Huq lạc quan: “Bây giờ, chúng tôi hy vọng sẽ nhân rộng mô hình Mongla tới ít nhất hai chục thị trấn ven biển khác trên khắp Bangladesh, như một ngôi nhà an toàn cho những người tị nạn khí hậu”.
Theo đó, hơn một chục đô thị vệ tinh, tất cả đều tiếp giáp với các trung tâm kinh tế như cảng biển và sông, đã được xác định là các địa điểm tiềm năng thân thiện với người di cư do biến đổi khí hậu.
“Đây đều là những thị trấn thứ cấp với dân số lên tới nửa triệu người, có thể trở thành nơi trú ẩn hoàn hảo cho hơn nửa triệu người di cư vì khí hậu. Vì vậy, chúng tôi có thể đưa ra các giải pháp thay thế cho ít nhất 10 triệu người tị nạn trong một thập kỷ tới”, ông Huq nêu rõ.
Cánh cửa cho một tương lai mới
Các nhà khoa học khí hậu cho biết, Bangladesh là quốc gia nằm ở vùng trũng, một khu vực rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và hàng triệu người dân sẽ có nguy cơ phải di dời, bất đắc dĩ trở thành những người tị nạn khí hậu vì mực nước biển dâng, xói mòn sông, bão lốc xoáy và sự xâm nhập của nước mặn.
Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo mới nhất vào năm ngoái đã cho thấy, Bangladesh sẽ có hơn 19 triệu người tị nạn khí hậu nội địa vào năm 2050, chiếm gần một nửa con số dự kiến cho toàn bộ khu vực Nam Á.
Theo ông Huq, bằng cách tiếp cận thích ứng với biến đổi ở khoảng hai chục thị trấn nhỏ ven biển bao gồm cả Mongla, ít nhất 10 triệu người tị nạn khí hậu có thể được tái định cư, thay vì buộc họ phải chuyển đến các khu ổ chuột tại các thành phố lớn như Dhaka, thủ đô của Bangladesh.
“Xu hướng sẽ là chuyển những người di cư vì khí hậu đến những nơi có các hoạt động kinh tế. Chúng tôi không thể ngừng dịch chuyển, chúng tôi chỉ có thể đưa ra các phương án thay thế mà họ sẽ chấp nhận”, ông nhấn mạnh.
Tầm nhìn của thích ứng với biến đổi là tạo cơ hội cho những người tị nạn khí hậu được sống và làm việc trong một môi trường nơi họ được chấp nhận.
Đối với những điều chỉnh gia tăng, chẳng hạn như giới thiệu các giống lúa chịu mặn, đã xuất hiện ở Bangladesh trong nhiều năm, nhằm giúp những người tị nạn khí hậu đối phó với tác động của biến đổi khí hậu ở nơi họ đang sinh sống.
“Nhưng chúng tôi sẽ không thể làm điều đó mãi mãi. Vì vậy, chúng tôi cần phải tiến hành quá trình thích nghi biến đổi, tức là cho phép cư dân di chuyển đến một nơi khác tốt hơn”, ông Huq nói.
Trong những năm gần đây, chính phủ Bangladesh đã chi hàng triệu taka Bangladesh (tương đương hàng chục nghìn USD) để bảo vệ thị trấn Mongla với cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hút những cư dân gặp rủi ro từ các ngôi làng xa xôi tới cư trú.
Các khoản đầu tư - chủ yếu là từ nước ngoài - đã tăng gấp đôi vào Khu chế xuất Mongla trong 4 năm qua, tạo ra nhiều việc làm mới trong các nhà máy cho những người tị nạn khí hậu trong khu vực.
Nazma Binte Alamgir, Người phát ngôn cơ quan quản lý chính phủ của Cơ quan quản lý các khu chế xuất Bangladesh cho biết, khoảng 10 nhà máy nữa đang trong quá trình bắt đầu sản xuất sớm ở Mongla, tạo thêm hàng nghìn việc làm.
“Đây là một tin vui cho những cư dân đang chịu thiệt thòi trong vùng. Họ sẽ có cơ hội sống sót theo một cách khác”, cô nói.
Bên cạnh đó, để trở nên kiên cường, Mongla đã xây dựng một bờ kè dài 11 km dọc theo một đường dẫn biển mới được xây dựng để ngăn dòng nước lũ, cùng hai cửa kiểm soát lũ lụt, hệ thống thoát nước tốt hơn, một hồ chứa nước và một nhà máy xử lý nước.
“Chúng tôi cần đầu tư nhiều hơn để bảo vệ thị trấn Mongla khỏi xói mòn và triều cường. Mọi người có thể cảm thấy an toàn ngay lúc này, nhưng chúng tôi vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa”, ông Sheikh Abdur Rahman, thị trưởng thị trấn Mongla, nói.
Thị trưởng cho biết thêm, chính phủ đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở cảng biển và nạo vét sông Mongla để mở rộng luồng lạch, cho phép tàu lớn cập bến, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào các khu chế xuất. Một tuyến đường sắt mới cũng đang được xây dựng để kết nối thị trấn với một cảng đất liền lớn qua biên giới với nước láng giềng Ấn Độ.
Ông nói rõ: “Chỉ có khoảng 2.600 công nhân tại khu chế xuất Mongla EPZ vào năm 2018, nhưng hiện tại đã có khoảng 9.000 công nhân làm việc trong các nhà máy khác nhau. Đây là một thay đổi rất lớn”.