Hàng trăm lựa chọn tổ hợp môn lớp 10: Đổi mới nhưng đừng nóng vội

Nguyễn Hoài 31/03/2022 14:17

Với hàng trăm tổ hợp môn tự chọn ở lớp 10, nhiều người băn khoăn rằng, liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ thay đổi hay không trong bối cảnh chương trình mới và nhiều sách giáo khoa khác nhau.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021.

Tổ chức dạy học như lên thực đơn các món ăn

Việc chương trình mới đưa ra quá nhiều môn lựa chọn không chỉ khiến phụ huynh và học sinh lúng túng mà bản thân các nhà trường, giáo viên cũng đang có nhiều băn khoăn.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội đặt vấn đề rằng, trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều tổ hợp môn tự chọn khác nhau và nhiều sách giáo khoa khác nhau thì kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ tổ chức ra sao, thay đổi như thế nào?

Về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, việc có nhiều tổ hợp môn tự chọn sẽ không ảnh hưởng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bởi nội dung thi tốt nghiệp THPT là kiến thức cơ bản của bậc phổ thông. Thế nên, dù chương trình thay đổi nhưng vẫn bảo đảm học sinh nắm được kiến thức cơ bản nhất với các môn bắt buộc.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT).

Nhận xét về những thay đổi của chương trình mới với lớp 10, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng đinh, thay đổi này phù hợp với xu hướng thế giới. Hiện nay, chương trình phổ thông của nhiều nước cũng có những môn bắt buộc và các môn tự chọn theo sở thích của người học. Xu hướng này nhằm cá thể hóa người học, tránh tình trạng học sinh học các môn học theo kiểu “đồng phục”.

Tuy nhiên, các nước có đội ngũ chuyên gia tư vấn để giúp học sinh đo lường, định hướng học sinh nên lựa chọn môn học theo sở trường, năng lực chứ không ép buộc người học.

Theo TS Vinh, xưa nay, giáo dục Việt Nam mang tính chất áp đặt. Với tư duy này thì việc chuyển hướng cho người học tự lựa chọn tổ hợp môn học của chương trình mới là cách làm dân chủ hóa trong giáo dục.

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học như thế nào là câu chuyện của các nhà quản lý.

TS Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề, khi có hàng trăm sự lựa chọn tổ hợp môn học, mỗi học sinh trong một lớp lại lựa chọn các môn học khác nhau thì việc tổ chức dạy học là rất khó.

TS Vinh ví chương trình giáo dục cũng như các món ăn theo các thực đơn. Việc tổ chức món ăn như thế nào cho thực khách không cảm thấy chán thì người phục vụ phải bảo đảm có khả năng đáp ứng được chứ không thể đưa ra quá nhiều món ăn, dẫn tới không thể phục vụ được.

“Khi đưa ra hàng trăm tổ hợp môn lựa chọn như vậy sẽ có thể lớp thì quá nhiều học sinh, lớp lại ít học sinh. Vậy việc tổ chức dạy học như thế nào với đội ngũ giáo viên hiện có là câu hỏi đặt ra. Muốn làm được điều này thì điều kiện về giáo viên, đội ngũ tư vấn, cơ sở vật chất đòi hỏi phải đủ nguồn lực để đáp ứng”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Cần lộ trình thích hợp

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT cũng thừa nhận, khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã nhận thấy bất cập trong quá trình thực hiện việc lựa chọn 5 môn học trong 3 nhóm môn học, sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn học mà điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường rất khó có thể đáp ứng được tất cả nguyện vọng của học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT đã quy định: "Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, năm 2020, Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đồng thời đã tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc chương trình phổ thông hiện hành chuyển từ tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực theo chương trình mới với những môn học bắt buộc và tự chọn là xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, triển khai chương trình mới như thế nào đòi hỏi bước đi thích hợp và có lộ trình chứ không thể nóng vội, mà nóng vội thường kèm theo thất bại rồi quay lại lối mòn theo kiểu “đẽo cày giữa đường”.

Theo TS Khuyến, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông không phải những người soạn thảo chương trình soạn thảo chương trình mới là xong mà còn cần có sự chấp nhận, thời gian đổi mới từ phía đội ngũ giáo viên và toàn xã hội.

Đổi mới cần dựa theo nguyên tắc phù hợp với khả năng đáp ứng của giáo dục Việt Nam, thậm chí khả năng đáp ứng của từng cơ sở giáo dục, chứ không phải là đổi mới hoàn toàn, sao cho mục đích cuối cùng là hướng tới người học.

“Muốn làm chuyện đó, giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa phải thích ứng. Trong khi đó, điều kiện các trường hiện nay chưa thể làm được việc đó”, TS Khuyến nhìn nhận.

Vì vậy, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ: “Tôi muốn truyền đạt điều này với mong muốn cơ quan quản lý cần có phương án đổi mới có tiến độ và bước đi thích hợp để làm sao vừa đảm bảo theo hướng tiến cận năng lực người học, vừa đáp ứng điều kiện tối đa hiện có”.

Nguyễn Hoài