'Hậu Covid-19': Hướng dẫn viên du lịch không chỉ 'hướng dẫn'
Một trong những xu hướng du lịch trong trạng thái bình thường mới là các hộ gia đình, nhóm nhỏ tự lựa chọn gói combo tại các khu nghỉ dưỡng. Những đoàn khách lớn vẫn khá e dè, các tour ghép trở nên hạn chế hơn. Vì vậy, người hướng dẫn viên du lịch đang phải đối mặt với những thách thức mới cần sự linh hoạt và thích nghi.
Bước vào trạng thái bình thường mới
Theo nhiều chuyên gia cho biết, một trong những xu hướng du lịch hiện nay là đi theo các nhóm nhỏ, các hộ gia đình đến các khu nghỉ dưỡng. Du khách muốn được trải nghiệm các dịch vụ tốt nhất từ các khách sạn, resort. Thay vì những chuyến đi khám phá, nhiều người hướng đến các khu du lịch tổ hợp với đầy đủ dịch vụ.
Cùng với đó, việc chuyển đổi số đã tăng thêm tính chủ động cho người dân có thể tự chọn gói combo từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Vì vậy, hiện nay, đa phần du khách đều chọn phương án tự túc chỗ ăn ở và sắp xếp lịch trình.
Trong khi đó, dù lượng bao phủ vaccine đạt 100% mũi 1 và 98,7% đã tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nhiều đoàn khách lớn vẫn còn ngại ngùng. Những tour có số lượng đông hầu hết là đến từ các công ty, tập đoàn có đã có quy định chế độ nghỉ cho nhân viên.
Vì vậy, đối với một số người hướng dẫn viên, các kỹ năng dẫn đoàn, quản lý đoàn không còn quá quan trọng. Thay vào đó, các hướng dẫn viên phải kết hợp cùng các công ty lữ hành đưa ra một lộ trình tour hợp lý để du khách có được trải nghiệm tốt nhất và phù hợp với tình trạng sức khỏe hậu Covid-19.
Trong khoảng thời gian dịch bùng phát, anh Nguyễn Đức Long (một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội) làm đủ mọi công việc để kiếm sống, từ dịch vụ chuyển nhà, shipper cho đến đóng gói hàng theo thời vụ trong các xưởng logistics.
Mặc dù thời gian đầu, anh Long rất nhớ nghề và thường tâm sự với bạn bè của mình và hứa hẹn về những chuyến đi dự định trong tương lai. Thế nhưng việc tình hình dịch phức tạp, khách hủy lên hủy xuống nhiều lần, anh Long quyết định phải tìm công việc khác thay vì dựa vào số tiền tiết kiệm.
Đầu tháng 3, một số đoàn khách trong nước bắt đầu đi du lịch trở nên và có lời mời công việc anh Long dẫn đoàn.
Sau một vài chuyến đi, anh Long chia sẻ: “Khách du lịch bây giờ họ yêu cầu khác với lúc trước khá nhiều, trước hết là nhu cầu chụp hình. Chúng tôi cũng phải học thêm về chụp ảnh, trang bị cho mình một chiếc điện thoại có camera và tính năng chụp ảnh tốt. Một đồng nghiệp khác cho biết cũng đầu tư thêm một bộ máy ảnh khoảng 5 - 7 triệu đồng để chụp cho khách”.
Cũng tương tự như anh Long, anh Trần Lý Quang Sương (hướng dẫn viên du lịch tại TP HCM) cũng bắt đầu phải học thêm kỹ năng chụp ảnh và thêm một số kỹ năng khác để phục vụ khách tốt hơn.
“Khác với các đoàn lớn, hướng dẫn nhóm nhỏ không yêu cầu quá cao nhưng khâu phục vụ phải chỉnh chu hết mức có thể. Thế nhưng một trong những hạn chế hiện nay là còn những khách sạn, khu nghỉ dưỡng chưa được trau chuốt lại về mặt nhân sự sau đợt dịch Covid-19, vậy nên các dịch vụ bị hạn chế một phần. Tôi cũng phải cố gắng để bù đắp nó và giải thích với khách về vấn đề này”, anh Sương cho biết.
Thách thức mới đặt ra
Đối với những người hướng dẫn viên như anh Long, anh Sương, việc quay trở lại nghề là mong chờ từ hai năm nay. Sau khi có được thông tin mở cửa họ lập tức chuẩn bị và đón các đoàn khách. Thế nhưng, không ít hướng dẫn viên sau hai năm dịch giã đã quyết định đổi sang nghề khác hoàn toàn.
Anh Nguyễn Đức Trung (Chủ một phòng tổ chức tour du lịch tại Phú Quốc) chia sẻ: “Sau đợt dịch vừa rồi, các hướng dẫn viên đều phải vào đất liền để tìm kiếm công việc khác, không còn quá nhiều người bám trụ tại đây. Một số khác có kỹ năng lái thuyền, cano thì lại đổi sang phụ giúp gia đình trong công việc đánh bắt cá. Cho đến hiện nay, chỉ khoảng 30% hướng dẫn viên quay trở lại”.
Một trong những bất cập khác hiện nay khiến các hướng dẫn viên du lịch chưa trở lại là vì mức lương hay các ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn. Không phân biệt, hướng dẫn viên lâu năm có kinh nghiệm nhiều hay các hướng dẫn viên mới vào nghề, mức lương hay ưu đãi nghề đều là như nhau. Bất cập này khiến cho không ít hướng dẫn viên làm lâu năm đều đã nản.
Không chỉ vậy, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện nay đã tự tạo ra các combo trên nhiều nền tảng booking, không cần thông qua công ty du lịch lữ hành để bớt phải chiết khấu và du khách cũng có thể tự túc nhiều hơn. Vì vậy, tiền hoa hồng từ đây của người hướng dẫn viên cũng bị giảm.
Trao đổi về vấn đề đảm bảo nhân lực du lịch trong trạng thái mở cửa trở lại, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Việt Nam cần có những chương trình đào tạo nâng cao chất lượng lao động hơn trước, tinh hơn trước và có nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh, thu hút khách hàng hơn trước.Hiện nay các lao động trong ngành du lịch đã trở về quê và chưa trở lại hoạt động kinh doanh. Còn lao động ở những khu vực không có vùng dịch thì cũng chỉ hoạt động cầm chừng 50-60%”.
Theo đó, bà Lan Anh chia sẻ thêm ngoài việc thu hút nguồn nhân lực quay lại làm việc cũng cần có kế hoạch đào tạo mới khi nhiều người chuyển sang ngành khác, tổ chức đào tạo lại cho lực lượng lao động cũ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có những kiến nghị mạnh mẽ về việc làm thế nào để kéo dài và cắt giảm các thủ tục khó khăn như yêu cầu về tiêu chí bảo hiểm xã hội.
Với những xu hướng và yêu cầu mới do tình hình đặt ra, các công ty du lịch lữ hành sẽ tinh gọn lại bộ máy, tổ chức thêm các lớp nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên để việc sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn, đặc biệt là nguồn nhân lực cao cấp.