Còn nhiều cơ hội cho chứng khoán
Thị trường chứng khoán sôi động suốt từ đầu năm 2021 đến nay với những pha phá kỷ lục cũ, lập kỷ lục mới của chỉ số VN-Index, thanh khoản tính theo giá trị tỷ đô... Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày trở lại đây, thị trường này có sự biến động lớn bởi thông tin ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”...
Các hoạt động thao túng, làm giá cổ phiếu được chặn dần trên thị trường chứng khoán là cơ hội để thị trường phát triển bền vững hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, bất kỳ sự điều chỉnh nào ở hiện tại cũng có thể tạo ra cơ hội tích lũy trong tương lai.
Loại những kẻ “phá bĩnh”
Thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động suốt từ đầu năm 2021 đến nay với những pha phá kỷ lục cũ, lập kỷ lục mới của chỉ số VN-Index, thanh khoản tính theo giá trị tỷ đô. Các tiềm năng trên TTCK là vô tiền khoáng hậu.
Nhưng chỉ trong vài ngày trở lại đây, TTCK có sự biến động lớn bởi thông tin ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “thao túng TTCK”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Thao túng TTCK là hành vi đánh lừa nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc tác động giả tạo đến giá chứng khoán. Hành vi này cũng có thể liên quan đến các tuyên bố sai sự thật nhưng làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhằm đánh lừa các nhà đầu tư khác.
Tại Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 nghiêm cấm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán, nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
Lùi lại diễn biến TTCK cho thấy trong 2 ngày 29 và 30/3 nhiều mã cổ phiếu giảm sàn, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng dẫn đến hiện tượng bán tháo. Trong phiên giao dịch sáng ngày 31/3, thị trường dần hồi phục, hiện tượng bán tháo chấm dứt, nhiều mã cổ phiếu phủ sắc xanh.
Như vậy có thể thấy rằng, các hành vi thao túng chứng khoán bị phát giác đưa ra xử phạt chỉ ảnh hưởng cục bộ đến một vài dòng chứng khoán, tác động đến thị trường trong ngắn hạn còn nhìn xa là yếu tố tích cực làm tăng tính minh bạch cho TTCK, chuyển hướng dòng tiền đầu cơ sang đầu tư những cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt.
Cũng theo dữ liệu có được, trong thời gian gần đây, tần suất vi phạm công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết ngày một dày đặc so với thời điểm cách đây 1-2 năm. Trung bình, một ngày có đến 5-6 công văn xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (CKNN), trong khi trước đó chỉ khoảng 1-2 công văn đưa ra mỗi ngày. Hầu hết các vụ việc xử phạt đều liên quan đến hành vi vi phạm công bố thông tin.
Chặn các hành vi thao túng
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hoàng Hải- Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nói, công tác quản lý giám sát thị trường còn nhiều điểm yếu, vẫn có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo (cổ phiếu kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE) không chỉ tồn tại mà còn công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.
Những kẻ thao túng giá mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ, làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng nghìn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma và thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán.
Ông Hải cho rằng mấu chốt vấn đề là ở khâu thanh tra, giám sát thị trường hiện nay của Sở giao dịch chứng khoán cũng như Ủy ban CKNN còn chưa đạt hiệu quả. Mô hình Ủy ban CKNN của Việt Nam hiện nay là mô hình một thủ trưởng, nên các quyết định về nhân sự, thanh tra kiểm tra, giám sát, cấp phép do một người quyết định, vì vậy khó khách quan. Không như mô hình ở thế giới, việc cấp phép và hậu kiểm là hai người khác nhau.
“Theo tôi, cần thiết phải có những cải tổ tại Ủy ban CKNN hiện nay để tránh xung đột lợi ích” - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nói.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, TTCK trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và TTCK, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.
Các cơ quan chức năng cần chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của TTCK.
Cơ hội luôn ở phía trước
TTCK là thị trường của thông tin. Ở đó, bất kỳ một thông tin theo chiều hướng tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đang được niêm yết. Và với những thông tin tiêu cực đột ngột trên TTCK, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động. Giới chuyên gia phân tích không phải ngành nào hoặc cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực bởi thông tin tiêu cực, cơ hội tìm kiếm các mã chứng khoán của các doanh nghiệp kinh doanh tốt sẽ lộ sáng khi cơn mưa qua.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Lưu Đức Khánh- Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS nói có nhiều tác động tích cực với TTCK Việt Nam, có thể thấy chỉ tiêu PMI ổn định, tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực chế biến chế tạo - xuất khẩu, FDI tăng khá, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển thuận lợi. Năm 2022, câu chuyện đầu tư công sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về đà hồi phục tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.
“Với TTCK Việt Nam, tôi đánh giá VN-Index đang ở pha điều chỉnh đã kéo dài 2-3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng. Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 - 1.410 điểm. Dù vậy, nhà đầu tư không nên bi quan quá, dù thị trường lên hay xuống, điều quan trọng là chúng ta đầu tư cổ phiếu nào, nhóm ngành nào” - ông Khánh nói.
Trong khi đó, ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc Phân tích SHS nói, tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam trở nên rất khó đoán. Về mặt thị trường, TTCK năm nay vẫn hưởng lợi nhờ một số yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, dòng tiền trong thị trường tiếp tục dồi dào, nhà đầu tư tiếp tục số lượng lớn mở tài khoản trong 2 tháng đầu năm 2022.
Giới phân tích chỉ ra, những thông tin sai phạm trên thị trường chứng khoán sẽ có ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn. Tâm lý chơi chứng khoán nhân đôi, nhân ba tài khoản sẽ giảm dần mà thay vào đó đòi hỏi người chơi chứng khoán phải có kiến thức nền cơ bản. Thị trường chứng khoán đang từng bước cố gắng để được nâng hạng thì việc loại bỏ những cá nhân phá bĩnh trên thị trường là việc cần phải làm.