Sớm tăng lương cho người lao động
Tại phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra chiều 28/3, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 cho người lao động tại doanh nghiệp. Cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Tại phiên họp, qua phát biểu của các thành viên Hội đồng, một số thành viên Hội đồng thuộc cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia độc lập cũng chia sẻ tương đối đồng thuận với đề xuất tăng lương từ 1/7/2022 mà phía đại diện cho người lao động đề xuất tại phiên họp. Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động lại đề nghị tăng lương từ ngày 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đây cũng không phải đề xuất mới của cả hai bên (đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động), và tất nhiên mỗi bên đều có lý của mình.
Về phía đại diện người lao động là của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022 mà không hoãn cho tới đầu năm 2023, có nghĩa là thêm nửa năm nữa. Theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...).
Tuy nhiên, năm 2021, do khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 nên lương tối thiểu vùng đã không được điều chỉnh tăng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Nhưng, nếu đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì cũng rất cần chia sẻ khó khăn cho người lao động. Cũng như doanh nghiệp, người lao động đã phải chống chọi với đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua. Suốt kể từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, người lao động đã phải chật vật để làm việc, để trụ lại với công việc. Nhiều biện pháp chặt chẽ được áp dụng để phòng, chống dịch đã khiến cuộc sống của người lao động, nhất là với những người thu nhập thấp mà số này lại rất đông, bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều lao động đã phải nghỉ việc, kể cả bỏ việc vì không thể đương đầu nổi với khó khăn kéo dài.
Chúng ta đã chứng kiến thời điểm bắt đầu từ giữa năm 2021, khi dịch bùng phát dữ dội tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, hàng chục ngàn công nhân đã phải rời thành phố tìm cách trở về quê. Khó khăn kéo dài, một bộ phận lớn người lao động không có thu nhập, kiệt quệ.
Nay, với chính sách mở cửa sống chung với dịch Covid-19, các hoạt động khôi phục trở lại. Người lao động đã trở lại nhà máy, xí nghiệp nhưng những gì đã phải chịu đựng suốt thời gian dài vẫn tiếp tục vắt kiệt sức của họ, khiến họ khó khăn khi tổ chức lại cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới. Đã vậy, gần đây nhiều mặt hàng lại lên giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu trong đó có lương thực, thực phẩm.
Vẫn biết doanh nghiệp còn khó khăn nhưng người lao động còn khó khăn hơn. Sức chịu đựng của họ đã bị thử thách quá lâu. Vì vậy, việc sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động là hết sức cần thiết.
Nhân đây cũng xin được nói thêm rằng, quý 1 năm nay nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, là nền tảng để cả năm 2022 sáng sủa. Thông tin từ Tổng cục Thống kê ngày 29/3 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng kinh tế đã lấy lại đà từ quý IV năm 2021 khi đạt 5,22%.