Sân khấu vẫn đi tìm khán giả
Thời gian qua sân khấu vẫn phải “mỏi mòn” đi tìm khán giả. Đã có nhiều phân tích về vấn đề này nhưng thực tế vẫn chưa sáng hơn được bao nhiêu. Vì sao?
Thực tế cho thấy, kịch bản vẫn là khâu cốt lõi. Tuy nhiên, trong khi đội ngũ biên kịch lớn tuổi khó có thể cập nhật những vấn đề của cuộc sống thì các tác giả trẻ lại ít xuất hiện. Trong khi đó, cách duyệt kịch bản của đơn vị vẫn đang theo lối cũ “cho lành”, rơi vào tình trạng “đọc đầu biết kết”, không có điểm mới lạ.
Thật khó để khiến người trẻ dồn tâm lực cho lĩnh vực khó viết, lại càng khó tìm thấy đầu ra. Thêm vào đó, vẫn còn một lượng không nhỏ người làm sân khấu thiếu tâm huyết với nghề, vốn thẩm định kém, cộng thêm những lý do ngoài nghệ thuật, những toan tính ngoài tiêu chí xây dựng tác phẩm thực sự nghệ thuật...
Lối ăn xổi đã chi phối mạnh tới các nghệ sĩ. Vì sự an toàn cho chiếc ghế chỉ đạo của cá nhân, người ta lựa chọn, đặt hàng những tác phẩm kịch bản cũ mòn, bỏ qua những sáng tạo mới vốn đã rất hiếm hoi. Không có “bột” thì làm sao gột được nên hồ.
Cùng với “nốt trầm” của kịch bản, khâu đạo diễn cũng đang là khoảng lặng cho sân khấu Việt. Người ta vẫn phải trông dựa vào lớp các “chiến tướng” trong khi thế hệ đạo diễn trẻ chưa đủ vượt lên.
Phần nhiều đơn vị vẫn mời các nghệ sĩ thành danh về dựng tác phẩm để ít nhất cũng đảm bảo chất lượng tối thiểu, dẫn tới tình trạng các vị làm nhiều đến nỗi đi đâu cũng chỉ thấy những tác phẩm của họ. Mảng miếng được lặp đi lặp lại, tự ăn vào chính vốn nghề của mình, không có được tác phẩm chinh phục khán giả.
Lực lượng diễn viên cũng đang thiếu hụt. Vị thế sân khấu xuống thấp vì không còn nhiều tác động đối với xã hội, nên lực hút với người tài ngày càng kém thì bản thân sân khấu còn phải cạnh tranh người với truyền hình, với game show khi những hình thức này ngày càng bùng nổ, đòi hỏi nhiều hơn nữa gương mặt mới. Thật khó để người nghệ sĩ chuyên tâm với nghề, với sàn diễn trong bối cảnh khán giả ít, lực lan tỏa kém, bồi dưỡng nghề cũng “quá hẻo”...
Nói như NSND Lê Huy Quang thì sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu; từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu.
Việc tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, pa-nô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ và vải...
Cũng đã có sự đầu tư cho việc xây dựng mới một số rạp như Rạp Công Nhân, Đại Nam... ở Hà Nội; hay rạp Trần Hưng Đạo ở TP Hồ Chí Minh... nhưng do cơ chế quản lý, nên khi nhận rạp, các nghệ sĩ chỉ biết thở dài vì người thiết kế, đơn vị thi công không hiểu gì về đặc trưng của sàn diễn khiến nghệ sĩ bó tay vì không thực hiện được bối cảnh.
Vậy là lại vận dụng những cái ước lệ, cách điệu của sân khấu dân tộc vào sân khấu tả thực, để rồi, phương pháp này như con dao hai lưỡi, gây ra cảnh cẩu thả, cũ nhàm trên sân khấu.
Chưa kể, đội ngũ họa sĩ cũng không được chuyên biệt, vẫn làm tất mọi khâu từ trang trí, phục trang, hóa trang... và đội ngũ này cũng ngày một ít ỏi trong bối cảnh sân khấu đìu hiu, khó tìm được người tài cống hiến hết lòng.
Thực trạng sân khấu thưa vắng khán giả vẫn là bài toán tìm mãi không có lời đáp thỏa đáng. Nhưng nếu không giải quyết, sân khấu vẫn mãi tối đèn, thì tương lai của kịch nghệ nước nhà vẫn lắt lay.
Cùng với “nốt trầm” của kịch bản, khâu đạo diễn cũng đang là khoảng lặng cho sân khấu Việt. Người ta vẫn phải trông dựa vào lớp các “chiến tướng” trong khi thế hệ đạo diễn trẻ chưa đủ vượt lên.