Linh hoạt hay 'hạ chuẩn' công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư?
GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y cho biết, trong năm 2022 sẽ có một số đề xuất mới trong việc xét giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Trong đó, ngành Y xem xét những tạp chí trong nước, có giá trị, thì có thể nâng giá trị điểm của những tạp chí này lên. Các nhà nghiên cứu nếu không có bài báo quốc tế có thể đăng tải ở những tạp chí này.
Xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2021 được đánh giá là “êm ả” khi các ứng cử viên được hội đồng xét duyệt thông qua, không có những “lùm xùm”, tố cáo bên lề làm dậy sóng dư luận như một số năm trước. Trong đó, với ngành Y, 57 ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề xuất, thì có 52 ứng viên được Hội đồng GS ngành Y thông qua, và tất cả đều được tín nhiệm ở vòng xét của Hội đồng GS Nhà nước.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, GS Đặng Vạn Phước cho rằng không thể đồng nhất giữa 28 ngành xét GS, PGS. Không thể yêu cầu ngành Y cũng như ngành Giao thông vận tải và ngay cả trong ngành Y cũng không có sự đồng nhất khi có những chuyên ngành công bố quốc tế tương đối thuận lợi nhưng có những chuyên ngành công bố quốc tế rất khó. Nếu không thay đổi thì những chuyên ngành khó dần dần sẽ không có ứng viên, dẫn tới chuyện không có PGS, GS thì không thể có lớp kế cận.
Vì vậy, GS Đặng Vạn Phước đề xuất thay thế bài báo quốc tế bằng tạp chí trong nước có giá trị. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi sau 4 năm thực hiện Quyết định 37 của Chính phủ về xét công nhận chức danh GS, PGS, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra những công bố mà các ứng cử viên thống kê trong hồ sơ được đăng trên các tạp chí nước ngoài không uy tín, hoặc ứng cử viên chỉ là tác giả danh dự… Đó là tạp chí quốc tế còn có những trường hợp như vậy, nếu chuyển sang xem xét các tạp chí Việt Nam dù là có giá trị thì có đảm bảo chất lượng hay không? Liệu có tình trạng "đi cửa sau" hay không? Đó là chưa kể việc “hạ chuẩn” trong ngành Y nếu được thực hiện có khiến những ngành khác có đề xuất tương tự?
Trên thực tế, khi áp dụng tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS theo Quyết định 37, cũng có nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó có một mẫu số chung cho tất cả các lĩnh vực. Chẳng hạn, so với ngành khoa học tự nhiên, ngành khoa học xã hội và nhân văn có đặc thù riêng, ít có công bố quốc tế hơn là điều ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đặc thù chỉ có thể ở một số ngành như pháp luật, khảo cổ…, còn với xã hội học, kinh tế, tâm lý thì không thể, hoặc nếu quá đặc thù thì chẳng có ý nghĩa gì cho khoa học thế giới.
Cản trở công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, theo PGS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nằm ở chính cá nhân nhà khoa học. Cụ thể, muốn in bài ở tạp chí quốc tế trước tiên phải là người đọc tạp chí đó kỹ lưỡng, biết so sánh vấn đề trong ấn phẩm đó với vấn đề tương tự của tạp chí khác, từ đó chọn xem vấn đề của mình có phù hợp để công bố hay không. Với đòi hỏi khả năng ngoại ngữ, viết sao cho “lọt tai” học giả nước ngoài, đúng thông lệ quốc tế, nhà khoa học Việt Nam ít người làm được.
Rõ ràng, để có công bố quốc tế, khả năng ngoại ngữ là một vấn đề lớn nhà khoa học phải vượt qua bởi nếu chỉ nghiên cứu, tham khảo tài liệu trong nước mà không có sự so sánh với nước ngoài thì khó để được nền khoa học thế giới công nhận, không thể đăng bài trên tạp chí có uy tín…
Trong khi đó, đa số các nhà khoa học đều đồng tình rằng, khi không có hoặc ít có công bố quốc tế dù trong lĩnh vực nào thì nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng nghiên cứu chưa đạt. Chất lượng – đó chính là thước đo của mọi công trình nghiên cứu. Trong đó, để xuất bản trên tạp chí quốc tế, nghiên cứu đó phải đưa ra một phương pháp mới, có phát hiện mới…
Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh cụ thể của ngành Y đã lâu không có GS, PGS nào nộp hồ sơ để xét duyệt ở một số ngành hiếm có liên quan đến việc thiếu vắng lớp kế cận trong đào tạo chuyên môn, một số ý kiến đồng tình với việc nên có những quy đổi phù hợp.
GS TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, quan điểm xuyên suốt và thống nhất đó là không phải phong GS, PGS lấy số lượng mà cần chất lượng.
Ngành Y có một số ngành hiếm khó tuyển là Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y, Giải phẫu bệnh. Mặc dù đã có nhiều chính sách, đề án khuyến khích đào tạo ngành này song với những đặc thù riêng, nhân lực tuyến cơ sở của các ngành này thiếu trầm trọng ở một số địa phương. Ít người học, kiên trì bám trụ với nghề cũng không nhiều nên càng đến bậc cao hơn, đội ngũ nhân lực càng thiếu vắng. Đào tạo trong các trường đại học Y các ngành này chủ yếu cũng là đào tạo theo đặt hàng.
Vì vậy, lo lắng của GS Phước là có cơ sở khi chỉ thực hành hàng ngày mà không điều kiện nghiên cứu thì mai mốt sẽ không có lớp kế cận, tới lúc nào đó sẽ hiếm. Vì vậy, cần có những linh động trong việc xem xét các tiêu chí công nhận chức danh trên cơ sở đảm bảo công bằng, khách quan với tất cả các ngành khác. Không phải công nhận cho có mà quan trọng là chất lượng có xứng đáng để được công nhận hay không. Trong đó, không chỉ xem xét quá trình công tác, công bố nghiên cứu khoa học trước khi công nhận mà vấn đề “hậu bổ” cũng cần phải được xem xét thấu đáo.
Tuy nhiên, đây cũng là cái khó của Việt Nam bởi khi đã được công nhận là PGS, GS tức là chức danh suốt đời nên dù người đó “dậm chân tại chỗ” thì cũng chẳng đơn vị nào thu hồi được chức danh này!