Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Xuân Thi 02/04/2022 07:00

Những tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân Quảng Bình vươn khơi bám biển trên các ngư trường truyền thống. Trên biển, họ không chỉ giúp nhau khi tàu gặp sự cố mà còn là những “cột mốc sống” góp phần gìn giữ và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Những tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân Quảng Bình vươn khơi,.

Đoàn kết vươn khơi

Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116km và 6 địa phương ven biển có hoạt động nghề cá. Toàn tỉnh hiện có 6.792 tàu cá với 24.500 lao động trực tiếp khai thác trên biển. Bình quân hàng năm, sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh gần 80.000 tấn. Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngư dân Quảng Bình vẫn vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế. Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản, cứu hộ cứu nạn giảm thiểu thiệt hại do rủi ro trong quá trình đánh bắt trên biển.

Dọc theo bờ sông Loan ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) là những đoàn thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương đang chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày. Với mỗi ngư dân, các chuyến ra khơi không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương. Vì vậy, ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn “trang bị” cho mình tinh thần đoàn kết, dũng cảm, gan lì để ứng phó với những tình huống nguy hiểm, các sự cố bất thường xảy ra.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Linh - Tổ viên tổ hợp tác biển xa (xã Cảnh Dương) cho biết, mặc dù giá dầu đang cao nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển. Theo anh Linh, kể từ khi gia nhập tổ hợp tác biển xa, mỗi chuyến ra khơi, tàu cá của gia đình anh cùng sát cánh với 15 tàu khác trong tổ. Do đó, trong những chuyến đi biển, anh em tự tin và yên tâm trước sóng biển. Anh Linh chia sẻ: “Giữa biển cả bao la, chúng tôi không đơn độc vì bên cạnh còn có các tàu anh em luôn giữ liên lạc, giúp đỡ nhau khi cần và cùng chia sẻ ngư trường đánh bắt.

Trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, ông Lê Xuân Hợp - Tổ trưởng tổ hợp tác biển xa xã Cảnh Dương cho hay: Đánh bắt hải sản xa bờ mà không có tàu bạn cùng đồng hành thì ngư dân sẽ đơn độc, dễ xảy ra rủi ro. Chính vì vậy, cách đây 5 năm, chúng tôi gồm 18 tàu đã quyết định thành lập tổ hợp tác biển xa để tương trợ cho nhau.

Ông Hợp chia sẻ thêm: “Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, 18 tàu của tổ đều đồng hành, sát cánh và mỗi tàu không cách nhau quá 2 hải lý. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhau những lúc không may tàu chết máy, gãy chân vịt, va chìm trên biển, hay cứu nạn khi tàu bị mắc cạn ở cửa lạch hoặc tìm ngư trường đánh bắt mà còn thành lập quỹ để giúp đỡ các chủ tàu có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tổ chúng tôi còn nhắc nhở nhau không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản”.

Giúp nhau khi hoạn nạn

Với tinh thần đoàn kết, hoạn nạn có nhau, các tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển của ngư dân Quảng Bình đã giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Giữa tháng 2/2022, trong lúc đang đánh bắt trên biển, tàu cá mang số hiệu QB 98160TS do ông Nguyễn Phượng (trú xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) làm thuyền trưởng đã bị gió to, sóng lớn đánh tràn mạn nên bị chìm.

Nhận được tín hiệu cầu cứu, 2 tàu cá khác là QB 98348TS của ông Phạm Hoan và QB 98082TS của ông Nguyễn Văn Đông (cùng ở trong tổ đoàn kết xã Quảng Lộc), đang đánh bắt ở gần đó đã nhanh chóng đến cứu sống 11 ngư dân trên tàu. Hồi sức sau chuyến vật lộn trên biển, khi trở về đất liền an toàn, ông Phượng đã bày tỏ sự giúp đỡ, ứng cứu kịp thời của tổ đoàn kết trên biển đã nhanh chóng cứu sống 11 ngư dân khi không may gặp sự cố bất thường.

Dọc theo bờ biển Quảng Bình, xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) là địa phương có nghề đánh bắt hải sản xa bờ phát triển. Hiện nay, toàn xã có khoảng 450 tàu, thuyền lớn nhỏ, trong đó có 244 tàu có công suất hơn 90CV. Trước đây, khi chưa thành lập tổ đoàn kết, thì các tàu thường đi theo từng nhóm để dễ dàng hỗ trợ nhau khi cần thiết. Từ khi các tổ, đội đoàn kết trên biển được thành lập, các tàu thành viên càng hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn tốt hơn, kịp thời hơn.

Theo ông Trương Quang An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch thì hiện nay, toàn xã có 19 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã đánh bắt xa bờ với hơn 200 thành viên. Nhờ các tổ đoàn kết, tổ hợp tác mà mỗi khi có rủi ro, hoạn nạn, các thành viên đã kịp thời ứng cứu. Mỗi khi thấy tàu đánh cá “lạ” xâm nhập trái phép vùng biển của mình và gây chuyện, các tàu trong tổ hợp tác lại báo cho nhau qua máy bộ đàm, đoàn kết cùng nhau xua đuổi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có 86 tổ đoàn kết khai thác hải sản với tổng số 485 tàu cá tham gia, 117 tổ hợp tác khai thác thủy sản với khoảng hơn 700 tàu cá tham gia và 2 nghiệp đoàn nghề cá. Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác, hợp tác xã có tổ chức chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau về lợi ích kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển.\

Ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển không chỉ giúp các ngư dân Quảng Bình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong việc đánh bắt thủy hải sản mà còn giúp đỡ nhau khi hoạn nạn không may xảy ra trên biển. Nhằm phát triển mạnh các tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển, nhất là đối với khai thác hải sản xa bờ, kết hợp bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo, Sở tiếp tục thành lập mới, nhân rộng các mô hình tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển hiệu quả, bảo đảm an toàn khai thác trên biển.

Xuân Thi