Xử lý sạt trượt đường Hòa Lạc - Hòa Bình: Xác định rõ sai phạm để xử lý trách nhiệm
Thay vì rốt ráo vào cuộc, xác định sai phạm với những căn cứ cụ thể để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thi công chống sạt trượt tại đường Hòa Lạc - Hòa Bình thì cơ quan có thẩm quyền chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản mang tính chất “khơi khơi”.
Báo Đại Đoàn Kết đã đăng tải nhiều nội dung phản ánh về việc thi công chống sạt trượt tại điểm Km11+480 – Km11+780(T) trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình với những sai phạm và dấu hiệu thể hiện sự lợi dụng vào việc chống sạt trượt để tư lợi cá nhân.
Trước thực tế và những thông tin phản ánh, Tổng cục đường bộ Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về giao thông đã vào cuộc, chỉ đạo kiểm tra, xử lý sai phạm.
Theo đó, với chiều dài 300m thi công theo phương án được chấp thuận, việc xử lý sạt trượt được xử lý sẽ tạo 3 mái taluy có độ dốc 1:1,5 cùng các khoảng cách MIA tương ứng tại điểm chống sạt trượt này. Ngoài kinh phí cho giải phóng mặt bằng (GPMB) 0.6ha, chủ đầu tư là Công ty BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình (Công ty BOT) đã ký hợp đồng chỉ định Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng Phương Nam làm đơn vị thi công chống sạt trượt với giá trị hợp đồng gần 4 tỷ đồng. Thế nhưng, quá trình thi công lại thi công sai phương án được chấp thuận, vượt ra ngoài mốc giới... Việc thi công sai này được cho là nhằm tạo mặt bằng rộng lớn để chuyển đổi vào mục đích sử dụng khác.
Việc lập biên bản ghi nhận sai phạm về thi công, tiến độ chậm, thi công ra ngoài mốc giới,… yêu cầu tạm dừng, xác định lại mốc giới và khắc phục đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, những vấn đề như: khối lượng đất đá là tài nguyên khai thác, vận chuyển, sử dụng là bao nhiêu; việc khai thác vượt mốc giới là như thế nào với những số liệu cụ thể; sai phạm so với phương án được chấp thuận với mức độ ra sao; các cá nhân, hay các đơn vị liên quan là Tổng cục đường bộ Việt Nam, cấp chính quyền huyện Thạch Thất, Công ty BOT, Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng Phương Nam phải chịu trách nhiệm như thế nào khi để “sự việc đã rồi”… thì không được xác định rõ. Không những vậy, trước đề nghị của PV trong việc phối hợp làm rõ thông tin thì giữa các đơn vị cũng có sự đùn đẩy và miễn cưỡng thông tin phản hồi, thông tin không được cụ thể.
Ngày 11/1/2022, Tổng cục đường bộ Việt Nam ban hành Văn bản số 190, yêu cầu:
Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình nghiêm túc kiểm điểm cá nhân, tập thể trong công tác thực hiện khắc phục hậu quả bước 1 để xảy ra tình trạng chậm trễ tiến độ thi công so với chỉ đạo của Tổng cục; dừng thi công hạng mục đào bạt mái taluy và hoàn thiện mặt bằng đoạn Km11+480 – Km11+760(T) bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan khu vực; dừng thi công đào bạt, ngả mái taluy đoạn KM11+760 – Km11+780(T), lắp đặt biển báo hiệu đá lở và biển báo hiệu phạm vi tác dụng của biển để cảnh báo người và phương tiện tham gia giao thông tại khu vực này, đồng thời tiếp tục theo dõi nếu có hiện tượng tiếp tục sạt lở phải có biện pháp xử lý kịp thời và báo cáo về Tổng cục; phối hợp với Cục Quản lý đường bộ I xác định khối lượng đã thực hiện, hoàn thiện Hồ sơ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 gửi về Cục Quản lý đường bộ I để rà soát trước khi trình Tổng cục xem xét, thỏa thuận...
Ngày 15/3/2022, ông Lê Quang Hưng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Công ty BOT cho biết: Yêu cầu của Tổng cục về việc kiểm điểm tập thể, cá nhân đối với Công ty BOT chưa thực hiện được. Theo yêu cầu tại Văn bản số 190 của Tổng cục, ngày 25/1/2022 Cục Quản lý đường bộ I cũng đã ban hành văn bản gửi Công ty BOT đề nghị thực hiện những nội dung mà Tổng cục yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I thực hiện. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên những nội dung đó đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Hưng thì đến nay hồ sơ hoàn công vẫn chưa thực hiện được và bản thân ông Hưng cũng không nắm được thông tin về kinh phí GPMB.