Giá thép vẫn neo cao
Cùng với sự tăng giá nhiều loại mặt hàng, thời gian gần đây giá thép xây dựng cũng có bước tăng đột biến. Giới chuyên gia dự báo, giá thép xây dựng khó có thể giảm trong ngắn hạn.
Theo khảo sát của PV tại một số đại lý vật liệu xây dựng, giá thép cuộn đang được bán tại các đại lý ở mức 20,3 triệu đồng/tấn; thép cây 22,2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thép cuộn Việt Đức được bán ở mức gần 20 triệu đồng/tấn; thép cây 19,8 triệu đồng/tấn. Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bà Hồ Thị Thu, chủ đại lý thép ở đường Trường Chinh (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng luôn có xu hướng tăng và đại lý của bà đã phải nhiều lần điều chỉnh. “Giá thép bán ra thị trường nay đã chạm mức 21 triệu đồng/tấn, tăng 40% so với cuối năm 2021. Thời điểm này, dù có nhiều dự đoán là giá thép sẽ tăng trong thời gian tới nhưng chúng tôi cũng không thể lấy thêm hàng với số lượng lớn do sắp sang mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm”, bà Thu nói.
Việc giá thép tăng mạnh thời gian qua đã tác động đến nhiều dự án xây dựng. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, chủ công trình xây dựng tại Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, với tình hình giá thép “phi mã”, căn nhà 7 tầng mà ông đang thi công đã bị đội chi phí lên rất nhiều. “Với giá thép hiện tại, chi phí cho công trình đã tăng thêm 70 triệu đồng”, ông Hùng nói.
Từ đầu tháng 3 đến nay, các DN sản xuất thép trong nước đã có nhiều lần điều chỉnh giá. Mới đây nhất, Tập đoàn Hòa Phát đã thông báo tăng giá 600.000 đồng/tấn với thép cây và thép cuộn xây dựng với nguyên nhân là do giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng tác động đến giá bán sản phẩm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao khiến giá thép tăng lên trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia dự báo, thời gian tới, cùng với giá nguyên liệu tăng, việc các dự án đầu tư công, bất động sản được đẩy tiến độ xây dựng, giá thép có thể tiếp tục neo cao.
Tại Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tập trung đôn đốc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… là những là động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép trong năm nay.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thép thời gian tới cũng có thể diễn biến tăng theo giá các nguyên liệu sản xuất cùng các yếu tố đầu vào như than mỡ luyện cốc, thép phế...đều tăng mạnh trên thị trường thế giới.
Nhiều chuyên gia ngành thép còn cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép, cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine chưa thể ổn định ngay nên giá thép sẽ chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn.
Lý giải về giá kim loại này hiện nay, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế… thời gian qua đã tăng mạnh, cộng với nhiều dự án xây dựng hoạt động trở lại khiến lượng tiêu thụ thép tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng là yếu tố đẩy giá thép tăng mạnh.
Giới chuyên gia trong ngành dự báo, giá thép trong nước chưa thể hạ nhiệt ngay, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.