Lê Minh Khuê, những trang văn xanh mãi

PHÙNG VĂN KHAI 10/04/2022 06:26

Chúng tôi vẫn thường gọi nhà văn Lê Minh Khuê là chị một cách tự nhiên, ấm áp. Chị thường cười hiền nhỏ nhẹ còn khen cánh nhà văn trẻ chăm viết. Biết thừa chị động viên chúng tôi, song những niềm vui như vậy thật cần thiết trong cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng ngày hôm nay. Thực ra, khi Lê Minh Khuê vào chiến trường, lứa tôi còn chưa sinh ra. Có lẽ chỉ cánh văn chương mới dễ bề xưng hô như vậy.

Nhà văn Lê Minh Khuê. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Nhà văn Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Nông Cống - Thanh Hóa. Hẳn gia đình nội ngoại nền nếp nho phong lắm. Cứ nhìn chị là biết. Suốt mấy chục năm trường văn trận bút tuyệt không to tiếng tuyên ngôn bất kỳ điều gì. Văn chương phải ở trong tác phẩm. Nghệ thuật phải nằm trong từng con chữ, từng câu chuyện, từng tập sách và nhất là sự đón đợi của độc giả với mỗi nhà văn. Thương hiệu truyện ngắn Lê Minh Khuê không chỉ văn giới trong nước tín phục mà khi dịch và xuất bản ở các nước Mỹ, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc... đều nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và bạn đọc quốc tế.

Lê Minh Khuê viết văn từ rất sớm, từ những ngày ở chiến trường thập niên 60, 70. Năm 1965, chị tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ ở Trường Sơn. Trực diện ở chiến trường, trực diện với những hy sinh tột cùng của người lính nên các sáng tác của chị, cho đến hôm nay, những trang văn cơ bản đều viết về chiến tranh, dẫu không ùng oàng súng nổ nhưng những nỗi đau và hệ lụy của nó đã hiện lên rất rõ, cứa vào lòng người đọc suy tư của nhà văn về chiến tranh. Bởi vậy chăng mà những trang văn của Lê Minh Khuê luôn sống động và xanh mát.

Văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng may mắn có được một đội ngũ khá hùng hậu. Càng may mắn hơn, có một nhà văn như Lê Minh Khuê, với một giọng văn riêng biệt, sâu sắc, trầm hậu và nhất là luôn đi đến tận cùng mọi ngóc ngách của con người trong chiến tranh, sau chiến tranh với những cung bậc cảm xúc phong phú và ám ảnh.

Những ngày này, khi mà thế giới đang có bom rơi, đạn nổ, hẳn một người như chị sẽ rất tâm tư, sẽ thao thức và ngẫm ngợi cái khôn cùng, cái mất mát đến tột cùng của con người khi bị cuốn vào chiến tranh nước lửa.

Lê Minh Khuê đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn: “Những ngôi sao xa xôi” (1973); “Cao điểm mùa hạ” (1978); “Đoạn kết” (1982); “Một chiều xa thành phố” (1986); “Tôi đã không quên” (1991); “Bi kịch nhỏ” (1993); “Trong làn gió heo may” (1999); “Màu xanh man trá” (2003); “Một mình qua đường” (2006); “Những ngôi sao, trái đất, dòng sông” (2008); “Nhiệt đới gió mùa” (2012)... Nhiều tác phẩm trong số này đã được tái bản.

Nhà văn Lê Minh Khuê hai lần đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1987 với tập truyện ngắn “Một chiều xa thành phố” và năm 2000 với tập truyện “Trong làn gió heo may”. Chị nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. Nhiều người còn cho rằng chị xứng đáng với giải thưởng cao hơn. Nhưng Lê Minh Khuê vốn là người hết sức khiêm nhường và mọi giải thưởng dù cao đến mấy cũng không thể nào sánh được với tình cảm của độc giả dành cho chị.

Tờ The New York Times năm 1995 đánh giá về Lê Minh Khuê: “Dù xảy ra trong quá khứ hay hiện tại, những truyện ngắn sắc sảo, đôi lúc buồn cô quạnh trong tập truyện của Lê Minh Khuê đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của chiến tranh và sự xâm lăng. Tập truyện này quan tâm tới tình yêu và sự đói nghèo, lòng tham và ngờ vực, phẩm giá và cái chết - và hậu quả dai dẳng của cuộc chiến tới những ai may mắn sống sót. Qua bản dịch, tác giả đã hiện ra, một người có văn phong đẹp, nghiêm trang cùng với sự châm biếm tinh tường, đồng thời có khả năng trong những nhận xét đầy khơi gợi...”.

Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì chia sẻ: “Lê Minh Khuê khéo viết đối thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và có ấn tượng. Những đối thoại chính xác, chứa đầy thông tin và ngổn ngang tâm lý. Xin hãy lưu ý giọng người bạn đồng nghiệp của Mi, điềm đạm, thấu hiểu và đầy kiềm chế (truyện ngắn “Cơn mưa cuối mùa”). Đấy là giọng của Lê Minh Khuê, xuyên suốt qua những tác phẩm của chị. Đấy cũng là giọng thực của chị, ở giữa đời.”

Đó là những đánh giá khách quan và theo tôi là chuẩn xác về nhà văn Lê Minh Khuê.

Tôi đặc biệt thích truyện ngắn “Anh lính Tony D” và đã đọc hàng chục lần với tâm trạng khác nhau mà thán phục tài văn của chị. Một giọng văn nhói buốt, lạnh lùng song đầy cảm thông. Chị đã mổ xẻ cái ác bằng trái tim rỉ máu. Cái cảnh thằng Thán con lão Thiến ép bố phải thề, thậm chí phải chặt một ngón tay không chỉ khiến người đọc rùng mình về sự tha hóa nhân tính đến tận cùng mà người đọc còn thấy rõ một điều, cái ác nếu không được lên án, không bị ngăn chặn kịp thời, nhất là văn học không dám mô tả trực diện thì điều đó sẽ ngày càng diễn tiến khủng khiếp hơn.

Ở chỗ này, Lê Minh Khuê rất gần Nam Cao, thậm chí đã song hành cùng ông trong những trang văn vô cùng ám ảnh: “Con dao giơ lên, phập một tiếng khủng khiếp, một dòng máu trào ra theo ngón tay trỏ bên bàn tay trái của lão rơi xuống sàn. Thằng Thán nhìn cảnh đó, không một chút xúc động. Hắn thấy bố hắn mặt tái mét, miệng lệch sang một bên vì đau đớn. Tất cả điều đó chỉ làm hắn tĩnh trí lại. Hắn bước ra ngoài, còn biết né chân cho khỏi dây vào máu. Hắn bừng bừng ý muốn trả thù đứa nào cướp không của hắn ba triệu. Ngón tay của lão Thiến có lẽ làm nó tin là lão không lấy thật. Nhưng thằng nào, thằng nào vào đây? Biết lấy gì trả nợ đối với lão chủ đề này, không trả hắn cho rửa mặt bằng axit ngay. Mẹ kiếp, thời này đứa nào cùn đứa ấy thắng...” (Anh lính Tony D).

Truyện ngắn Lê Minh Khuê thường là viết đến tận cùng sự thật. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng nói: “Lê Minh Khuê là một trong những cây bút sung sức, nổi bật của văn học Việt Nam, người đã từng có những tác phẩm không phải khuấy động dư luận, mà đã đặt ra những vấn đề buộc chúng ta phải nhìn vào cuộc sống, nhìn vào quá khứ và hiện tại của đất nước, của dân tộc bằng một con mắt tỉnh táo hơn”.

Riêng tôi, tôi luôn cho rằng Lê Minh Khuê chính là nhà văn đã trưởng thành không bởi phải sức ép dựng xây tên tuổi từ bên ngoài mà là sự nhuần nhụy đến từ nội lực bên trong của chị. Cứ thấy chị lặng lẽ mà lừng lững sống và viết một mạch trên nửa thế kỷ vừa bình tĩnh an yên vừa đặt ra những vấn đề khiến lương tri chúng ta phải lay động, đớn đau và ngẫm ngợi, và nhất là muốn hành động đủ thấy sự lão luyện của chị, cũng đủ thấy trái tim ấm nóng và cao thượng của người phụ nữ cầm bút viết văn.

Lứa chúng tôi, những người em của chị, những người cầm bút tiếp nối thế hệ các anh các chị đã có không ít lúc không tự lượng sức mình, đã bất cẩn trong lời ăn tiếng nói về văn học, nhất là đã vô tình và có lúc là cố ý trình ra những tác phẩm làng nhàng bởi do lười nhác và hãnh tiến. Những lúc bình tâm lại, đọc lại những trang văn của chị, thật thấy xấu hổ lắm thay.

Nhà văn Lê Minh Khuê nhiều năm làm ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, có lẽ cũng gần nửa thế kỷ lặng thầm biên tập, phải chịu đựng những trang văn không phải lúc nào cũng tươi xanh nhựa sống và hữu lý, mà trong đó chắc chắn không ít xộc xệch, cẩu thả có khi còn xa lạ với con người. Tại sao chị vẫn chịu đựng được nhỉ? Tại sao chị tuyệt không to tiếng lớn giọng phán xét về những trang văn ấy. Chỉ cố gắng để chúng bớt sạn hơn, nâng được chút nào thì nâng lên, bỏ được chút nào sạn cát thì bỏ vợi đi. Công sức của một biên tập viên với tầm văn như chị cũng là một điều rất đáng trân trọng, rất đáng suy nghĩ.

Nhà văn Lê Minh Khuê giờ đây đã bước vào lứa U80 mà những trang viết gần đây vẫn còn tươi xanh lắm. Các báo Tết vẫn thấy truyện của chị. Ngay ở những báo nhỏ, khiêm tốn vẫn thấy có truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Chị lao động cần mẫn và bền bỉ. Viết như chị chắc chắn không dễ dàng, không thể nào nhanh được, vậy mà người phụ nữ ấy vẫn luôn vượt lên chúng tôi, lứa nhà văn U40, U50 cũng là một chuyện khác thường.

Văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng may mắn có được một đội ngũ khá hùng hậu. Càng may mắn hơn, có một nhà văn như Lê Minh Khuê, với một giọng văn riêng biệt, sâu sắc, trầm hậu và nhất là luôn đi đến tận cùng mọi ngóc ngách của con người trong chiến tranh, sau chiến tranh với những cung bậc cảm xúc phong phú và ám ảnh.

Nhà văn Lê Minh Khuê với những trang văn phía trước chắc chắn vẫn là những trang văn tươi xanh, thao thức vì con người, vì một xã hội cân bằng hơn, tỉnh táo hơn và nhất là nhận biết được chính mình hơn.

Chúng ta, trong cuộc sống hôm nay đây cần những trang văn của chị. Bởi mỗi khi soi vào những trang văn của Lê Minh Khuê, chúng ta như tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn, biết căn chỉnh lại mình để đi được chặng đường dài hơn. Đó chính là sự trưởng thành cần thiết của mỗi con người từ những trang văn hữu ích.

PHÙNG VĂN KHAI