Bà Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân Luật sư Phan Anh: Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng
Luật sư Phan Anh - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trí thức lớn, được Bác Hồ đặc biệt trọng đãi từ những ngày đầu thành lập nước, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/2022, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh.
Bà Đỗ Hồng Chỉnh có mẹ là Tôn Nữ Thị Huấn - một người có bên nội thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, bên ngoại thuộc dòng dõi của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
“Năm 1924, mẹ kết hôn với cha chúng tôi là Đỗ Ngọc - một thầy giáo dạy học ở Ninh Giang, Hải Dương. Mẹ tôi có khiếu thơ ca, đảm đang mọi việc trong gia đình và chăm sóc con cái chu đáo. Chính mẹ là người đã tạo ra môi trường giáo dục trong gia đình có văn hóa và nghĩa khí, đưa cả gia đình tôi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ với một tâm thế đầy lạc quan, tin tưởng.” – Bà Đỗ Hồng Chỉnh chia sẻ.
Ở tuổi ngoài 90, tình yêu với người bạn đời chưa vơi một chút nào trong tâm hồn cụ Đỗ Hồng Chỉnh. Con trai của ông bà nói với chúng tôi rằng, liều thuốc tinh thần tuyệt vời đối với bà mỗi ngày là chuyện về ông, ký ức về ông, là cuộc đời như một tấm gương sáng của ông.
PV: Thưa bà, bà bắt đầu viết cuốn hồi ký “Những chặng đường anh đi” về Luật sư Phan Anh khi nào?
Bà ĐỖ HỒNG CHỈNH: Tôi bắt đầu khởi thảo viết cuốn sách khi ông Phan Anh nhà tôi vẫn còn.
Còn có chuyện gì trong cuốn này mà bà chưa nói được hoặc là bà cảm thấy chưa thích hợp để đưa vào hay không?
- Trước khi ra đi, nhà tôi dặn tôi là viết hồi kí theo quan điểm lạc quan. Thế nên tôi đã thực hiện như thế. Tập 1 là “Những chặng đường anh đi”. Sau khi nhà tôi mất, tôi có viết tập 2 là tiếp nối của “Những chặng đường anh đi”. Ở tập 2 tôi viết theo đúng phong cách tôn trọng sự thật. Thành thực với cuộc đời của mình. Cuộc đời của gia đình tôi diễn biến như nào thì tôi thể hiện như thế. Không suy chuyển không thay đổi, chỉ có thiếu chứ không có thừa.
Gia đình ông Phan Anh là một gia đình truyền thống cách mạng. Tôi viết hồi ký về anh trong niềm vui nỗi nhớ về anh, nó là một dòng chảy trong tôi một cách thành thực có sao viết vậy.
Thưa bà, cháu đọc được ở trong cuốn hồi ký những trang viết rất cảm động về tình yêu của ông bà. Những lá thư ông gửi cho bà đầy một nỗi nhung nhớ, một tình yêu lớn đi qua nhiều năm tháng. Bây giờ bà có thể kể thêm về mối tình của ông bà, một tình yêu rất đặc biệt không?
- Thực ra nói chữ tình yêu, thì không phải là lúc bắt đầu đâu, mà cuối cùng thì lại nói thế được. Khi đó, ông Phan Anh vừa trải qua nỗi đau mất người vợ đầu, chính là cô ruột của tôi. Tôi đi học ở trường sư phạm về, ông đón tôi giữa đường đưa tôi về nhà, ông đọc cho tôi nghe phần nhật ký ông viết. Trong đó có bài thơ: Một bức thư trao, một tấm lòng/ Tấm lòng thống thiết mối thương chung/ Thương tình cốt nhục, người côi cút/ Thương cảnh phân ly, kẻ não nùng/ Thương yến bơ vơ, cành lẻ bóng/ Thương tằm dang dở, kén chưa xong/ Thương nhau nghĩa cả chuyền vai gánh/ Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng.
Lời ngỏ đầu tiên của ông là như thế đấy, ông ghi vào nhật kí năm 1953 rồi đến khi gặp tôi trên đường cùng với 2 người bạn, ông đón về. Tôi đi cùng với ông về nhà tôi. Về nhà ông thì ông cho xem nhật kí. Lúc đầu tôi không đồng ý, vì ông là người trong gia đình, là chồng của cô ruột tôi, nên tôi không hiểu làm sao lại có chuyện đó được. Thế rồi tôi đi cải cách 2 đợt, đến năm 1954 từ Trung Quốc về nước. 3 tháng sau ngày nào ông cũng đến nói chuyện. Mà ông nói chuyện thì hay lắm, chuyện gì cũng có thể nói được mà hay, hấp dẫn. Tôi đem lòng yêu mến cho nên là tôi nhận lời làm vợ.
Ông Phan Anh đi dự Hội nghị Geneve với ông Phạm Văn Đồng. Từ Hội nghị trở về, ông Phạm Văn Đồng có hỏi: “Anh muốn làm gì?”. Ông Phan Anh bảo làm gì cũng được, thế rồi Đảng vẫn cử ông tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, rồi sau là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, mặc dù ông Phan Anh không phải đảng viên.
Đến khi kháng chiến thành công, miền Nam giải phóng, độc lập thống nhất rồi thì ông Phan Anh hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1976, Đảng chuyển ông từ công tác chính quyền sang công tác chính trị, là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.
Công tác hòa bình thế giới ông cũng rất tận tụy. Tôi lấy một ví dụ, khi ông đã ốm lắm rồi, chân tay run rồi, không ăn được cơm, nhưng ông vẫn tham dự các cuộc họp của Hội đồng Hòa bình thế giới. Khi ông mất, các nước đặc biệt là Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản… viết điện chia buồn rất thắm thiết, chân thành như một người bạn. Có bức điện viết: “Tuy là khác đất nước nhưng tình cảm như anh em ruột thịt trong nhà”.
Kỷ niệm bà nhớ nhất về ông là gì?
- Suốt 36 năm bên ông đầy những kỷ niệm, bây giờ tôi nhớ không hết. Vì ông là một người tốt tuyệt vời, một người thương con người, thương nhân dân. Ông là con nhà nho nên ông lấy cái tình thương dân yêu dân là chính. Có một người đã từng nhận xét Luật sư Phan Anh là bạn của dân cho nên sống được với dân. Ông có lòng yêu thương con người lớn lao nên tình yêu đối với cá nhân tôi lại càng đậm đà. Tôi yêu quý ông Phan Anh. Từ ngày đầu có thể chưa có tình yêu nhưng đã rất quý mến, kính trọng. Cách đây một năm có một lãnh đạo Quốc hội đến thăm, tôi nói với anh ấy: “Ông Phan Anh là người đáng quý lắm!” Con tôi đã bảo: Mẹ nói thế sợ người khác lại nghĩ mẹ tự nhận xét về bố thì không khách quan lắm! Nhưng tôi bảo tôi nghĩ sao nói vậy, ông ấy là người đáng quý thật!
Thưa bà, có lúc nào bà chạnh lòng vì ở Hà Nội cho đến giờ này chưa có con đường nào mang tên Luật sư Phan Anh?
- Cô hỏi chuyện đó thì phải hỏi con tôi, vì con tôi không muốn tôi nói về việc này. Tại sao chưa có tôi cũng không biết.
Thưa bà, bà có nhớ hình ảnh đời thường của Luật sư ở trong gia đình không?
- Vợ đầu của Luật sư Phan Anh là cô Đỗ Thị Thao, cô ruột tôi. Rồi đến lúc cô tôi mất, tôi lại nhận lời lấy ông ấy. Nên đối với bên gia đình hộ Đỗ ai cũng quý ai cũng yêu ông Phan Anh. Bố ông Phan Anh là cụ Phan Điện, một nhà nho nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Gia đình có truyền thống cách mạng, Luật sư Phan Anh học ở Pháp về, tài năng ít ai sánh được. Nhưng ông Phan Anh khiêm tốn, ai ông cũng yêu, ai ông cũng quý, chả nói xấu ai, chả bình luận về ai bao giờ.
Trong quá trình công tác, bà có nhớ gì về những khó khăn mà Luật sư Phan Anh phải trải qua?
- Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vì ông Phan Anh có tham gia với chính quyền trước, nên cũng có ý kiến lo ngại cho ông. Nhưng Luật sư đã động viên vợ là cô Thao: “Em yên tâm, người có trí lớn thường có nhãn quan rộng rãi, họ không hẹp hòi đâu”. Quả nhiên, là ông ấy có tầm nhìn, Bác Hồ đã mời ông Phan Anh ra tham gia Chính phủ, là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên. Đến năm 1947, Bác Hồ cử ông làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Trong điều kiện kháng chiến chống Pháp, ông Phan Anh với tư cách là Bộ trưởng Bộ Kinh tế đã điều hành nền kinh tế kháng chiến phát triển.
Đến khi ông chuyển từ công tác chính quyền sang công tác chính trị thì ông hoạt động tích cực lắm, cô không thể biết là ông tích cực như thế nào đâu. Có lúc ra nước ngoài dự hội nghị, một mình bơ vơ ở sân bay, tiền không có, người không có. Ở một nơi lạ lẫm, rét quá, có lần một người bạn ở nước ngoài phải cởi áo cho mặc.
Luật sư Phan Anh sinh ngày 1/3/1912 tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cha của ông là nhà nho Phan Điện. Ông còn có một người em ruột là Phan Mỹ cũng là một luật sư (về sau là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng).
Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, ông cùng với người em theo cha lưu lạc khắp nơi. Tuy sống cực khổ, nhưng được sự giáo dục của cha, cả hai anh em ông đều học giỏi. Năm 1926, ông giành được suất học bổng nội trú của trường Bưởi, Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông theo học ngành Luật tại Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội. Vừa học, ông vừa tham gia dạy học ở trường Gia Long và trường Thăng Long.
Năm 1937, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật ở vị trí thứ 2. Năm 1938, ông sang Pháp để trình luận án Tiến sĩ Luật. Năm 1940, ông về nước hành nghề luật sư.
Năm 1940, ông cùng một số trí thức thành lập báo Thanh Nghị (1941-1945) và là một trong 5 cây bút trụ cột của báo này, phụ trách nhiều chuyên mục của báo. Là một người tây học nhưng ông biết chữ Hán, thông hiểu triết, văn, lịch sử phương Đông.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ông thành lập đoàn Thanh niên tiền tuyến (còn gọi là Thanh niên Phan Anh).
Sau khi Quốc hội khóa I được bầu cử ngày 6/1/1946, ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đến tháng 7/1946, ông được Chính phủ giao chức Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam (Trưởng đoàn là đồng chí Phạm Văn Đồng) đi dự Hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp.
Năm 1947, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, thành viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao.
Tháng 7/1954, ông là phái viên phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Geneve.
Sau năm 1954, ông liên tục giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương rồi Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ông là người cùng với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, làm Chủ tịch hội và thường vụ hội Luật gia quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới.
Từ năm 1988, ông còn là Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam.
Ông mất năm 1990 tại Hà Nội. Tên của ông được UBND TPHCM đặt cho một con đường tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Luật sư Phan Anh có 2 đời vợ. Vợ đầu của ông là bà Đỗ Thị Thao, Tiến sĩ Dược khoa, Dược sĩ hạng nhất ở Paris (Pháp). Con trai cả của ông bà là Phan Trúc Long - một nhà vật lý lý thuyết và là con rể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuối năm 1949, sau khi sinh người con trai thứ ba, bà Thao mắc bệnh hiểm nghèo và được đưa sang nước ngoài chữa trị nhưng cũng chỉ kéo dài thêm được một thời gian. Ông Phan Anh lúc này đang giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Kinh tế tuy bận việc nhưng luôn động viên, chăm sóc vợ tận tình chu đáo. Tháng 9/1952, bà Thao qua đời, để lại di nguyện mong muốn chồng mình nên tục huyền với một trong những người con của anh Đỗ Ngọc - anh trai bà…
Bà với ông cách nhau bao nhiêu tuổi?
- 22 tuổi.
Bà có thấy điểm nổi bật nhất, đặc sắc nhất trong con người trí thức của ông giống như một thế hệ trí thức trước đây thì phẩm chất nổi trội nhất của họ là gì?
- Phẩm chất của ông là khiêm tốn giản dị, ông là một luật sư nên nói năng thuyết phục rất dễ đi vào lòng người.
Thưa bà, quê hương Tùng Ảnh ở Hà Tĩnh có ý nghĩa gì trong cuộc đời Luật sư Phan Anh?
- Có nhiều chứ. Bài thơ ca ngợi họ Phan ở Tùng Ảnh tôi treo ngay ở phòng khách đây.
Ngoài việc là người phụ nữ đứng sau sự nghiệp của Luật sư Phan Anh, được biết bà là một nhà giáo dục, bà có thể kể thêm gì về đóng góp của bà đối với ngành giáo dục?
- Khi tôi quen Luật sư Phan Anh thì tôi là một cô giáo. 20 năm bên cạnh ông, nhà tôi đã giúp tôi hoàn thiện nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường kết hợp với xã hội. Sau này đến những năm 1980 cải cách giáo dục đã đi theo đúng nguyên lý đó.
Nhìn tình yêu rất lớn mà bà dành cho ông, hẳn hồi xưa ông là người rất hấp dẫn?
- Không, hình thức ông Phan Anh không đẹp. Dáng người thấp nhưng nhanh nhẹn thanh thoát thư sinh.
Bà có nhớ thời điểm ông chuyển sang làm công tác Mặt trận không?
- Có chứ, anh Lê Quang Đạo và các anh bên Mặt trận đến tận nhà mời ông Phan Anh sang làm Mặt trận, nhưng anh Phan Anh từ chối nói là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người uy tín hơn tôi. Sau đến Đại hội thì Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận, ông Phan Anh làm Phó Chủ tịch. Ông Phan Anh mong muốn công tác Mặt trận có thể giúp ông có đóng góp cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền lúc đó là thời kỳ đang đặt ra yêu cầu này.
Ông hoạt động Mặt trận ráo riết lắm, ráo riết thời gian, ráo riết công việc, ráo riết gặp gỡ người này người kia. Bận việc ở Hội đồng hoà bình thế giới, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho công tác Mặt trận.
Lúc ông Phan Anh nhà tôi mất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng ngay bên cạnh nắm tay nhà tôi, trầm ngâm rất lâu.
Thưa bà, bà có biết công việc Luật sư Phan Anh tâm huyết nhất là gì không?
- Với tư cách là một Luật sư, có lẽ vấn đề tâm huyết nhất của ông là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ông có phải là người vẫn thích những món ăn của quê hương Hà Tĩnh không?
- Chị gái ông vẫn làm món nhút của quê hương Đức Thọ cho ông Phan Anh. Tôi nhớ là món nhút cầu kỳ lắm, khi nào hứng lên bà chị làm thì ông em thích lắm. Thế rồi những món như bánh đa nướng hến, thích lắm. Nhà tôi thích ăn dân dã.
Trong gia đình, việc giáo dục con cái ông có giao hết cho bà không?
- Giao hết, tôi nuôi dạy con hoàn toàn chứ ông không can thiệp. Con cái đi học đại học rồi đi bộ đội, chứ ông không can thiệp vào công việc của con. Anh con trai trưởng, là con người vợ đầu lấy Hồng Anh là con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không phải do sắp đặt. Còn cậu thứ 2 dạy toán ở trường Bách Khoa...
Thế hệ trí thức như Luật sư Phan Anh hẳn đã sống một cuộc đời dâng hiến cho dân cho nước, không màng danh lợi, thưa bà?
- Có chồng là Bộ trưởng nhưng cuộc sống gia đình tôi vất vả lắm, bản thân ông Phan Anh đến những năm cuối đời cũng vẫn vất vả.
Trân trọng cảm ơn bà!
Giai đoạn 1949-1953, bà Đỗ Hồng Chỉnh thi đỗ và học Trường Sư phạm Trung ương, sau đó sang Trung Quốc học tại Khu học xá Nam Ninh. Năm 1953 khi về nước, Hồng Chỉnh đã là cô thiếu nữ “mắt lóng lánh, mặt dịu dàng, tươi mới, thông minh, linh hoạt” gặp lại “chú Phan Anh”. Họ thường trao đổi, bàn luận về cuộc sống, về thời đại cách mạng, vì vậy càng hiểu và đồng cảm với nhau.
Sau đó, Luật sư Phan Anh đưa cho Hồng Chỉnh đọc quyển nhật ký của mình, trong đó có bài thơ ghi cảm nhận của ông khi nhận được thư chia buồn của Hồng Chỉnh về việc bà Thao mất.
Bài thơ như sau: "Một bức thư trao, một tấm lòng/ Tấm lòng thống thiết mối thương chung/ Thương tình cốt nhục, người côi cút/ Thương cảnh phân ly, kẻ não nùng/ Thương yến bơ vơ, cành lẻ bóng/ Thương tằm dang dở, kén chưa xong/ Thương nhau nghĩa cả chuyền vai gánh/ Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng".
Khi nghe Luật sư Phan Anh đọc bài thơ này, bà Đỗ Hồng Chỉnh hiểu rằng mình chính là người mà Luật sư Phan Anh đã chọn.