Đố ai nằm ngủ không mơ

TRẦN HỮU THĂNG 04/04/2022 19:54

Ai là người yêu quý tiếng Việt, thích thú tìm hiểu ca dao, tục ngữ Việt Nam đều hết sức kinh ngạc khi tự mình khám phá ra hoặc có người khác khám phá hộ một câu ca dao vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời, vừa là câu khẳng định lại vừa là câu hồ nghi. Đó là câu: “Đố ai nằm ngủ không mơ”.

"Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc có trong giấc mộng". Tranh ST.

Từ đứa trẻ con đã biết nói chuyện đều thường xuyên kể lại giấc mơ đủ thể loại mà nó vừa gặp đêm qua, vừa gặp lúc nãy (nếu ngủ ban ngày, ngủ trưa), đến ông cụ già đã ở độ tuổi trên cả “cổ lai hy” cũng hồi hộp kể lại giấc mơ đêm qua hay giấc mơ ban nãy. Tất cả đều chứng tỏ giấc mơ như thật, có nhân vật, có hội thoại, có khi có cả dấu vết của cuộc gặp mặt trong mơ (như nước mắt vẫn đầm đìa, như hơi thở vẫn còn hổn hển, say đắm, bồi hồi, bâng khuâng ...).

Nghĩa là sau giấc mơ vẫn còn để lại những bằng chứng có thật, sờ thấy được, cảm thấy được đến nỗi vẫn còn bâng khuâng, lưu luyến.

Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Mơ là: 1/ Thấy trong khi ngủ người hay vật mà thường ngày có thể nghĩ tới. Thí dụ: Em bé mồ côi mơ thấy mẹ. 2/ Tưởng tượng và mong ước những điều tốt đẹp cho mình. Thí dụ: Suốt đời anh ta, ngay cả trong giấc mơ cũng chỉ mơ ước đến thế. Mơ màng là: Thấy phảng phất không rõ ràng trong trạng thái mơ ngủ hay giống như trạng thái mơ ngủ. Thí dụ: Vừa chợp mắt, bỗng mơ màng nghe tiếng hát. “Đêm xuân một giấc mơ màng” (Nguyễn Du)”.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt: “Mê là: 1/ Ở trạng thái cơ thể chỉ còn một phần hoặc mất hẳn khả năng nhận biết và đáp ứng với kích thích. Thí dụ: Ngủ mê. “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê” (Nguyễn Du)”. Còn: “Chiêm bao là thấy hình ảnh hiện ra trong giấc ngủ, thấy trong giấc mơ. Thí dụ: Chiêm bao gặp bạn cũ. “Đến khi tỉnh giấc còn ngờ chiêm bao” (Nguyễn Du)”.

Đến đây, ta dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày đã tồn tại một hiện tượng có thật mà ai ai cũng gặp phải hoặc có dịp gặp được. Đó là những giấc mơ, giấc mộng, cơn mê, nằm mơ, nằm mộng, nằm mê, chiêm bao... là tùy theo cách ta gọi, cách ta đặt tên. Có người gặp giấc mộng lành, giấc mộng đẹp. Có người gặp phải ác mộng, mộng dữ đến nỗi lúc tỉnh dậy quần áo ướt đẫm mồ hôi, trên mặt vẫn còn giàn giụa nước mắt, gối ướt đẫm nước mắt.

Theo cách dạy và cách học của thế kỷ trước ở bậc Trung học đệ nhất cấp và Trung học đệ nhị cấp (tức là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ngày nay, từ lớp 6 đến lớp 12) thì khi giảng về giấc mộng các sách giáo khoa đều trích dẫn bài giảng kinh điển sau đây để dễ hiểu nhất, đó là câu chuyện “Giấc mộng kê vàng”. Tức là giấc mộng có liên quan đến một nồi kê mầu vàng đang được nấu dở chừng.

Câu chuyện như sau: Ngày xưa có một người học trò vác lều và chõng trên đường lên kinh đô để dự thi. Trời tối, vừa đói, vừa mệt, may sao nhìn thấy ven đường có ánh đèn hắt ra. Anh lại gần thấy đó là một ngôi nhà lụp xụp, có một ông lão đang ngồi quấy nồi kê mầu vàng khói bốc nghi ngút. Ông lão quấy từ từ, thong thả để kê vẫn chín mà không bị cháy, không bị bén vào nồi. Ông lão rất thong thả quấy. Anh học trò xin được bữa cơm. Ăn no bụng, anh nằm tạm xuống nền nhà ngủ một giấc say như chết. Thế rồi anh tiếp tục lên kinh đô. Thi đỗ. Được làm quan. Vua thấy anh khôi ngô tuấn tú lại đỗ Trạng nguyên, tuyển anh làm phò mã, gả công chúa cho anh và anh được sống một cuộc đời vinh hoa phú quý.

Thế rồi, chiến tranh xảy ra. Anh được cử đi đánh giặc. Thế giặc mạnh quá, quân triều đình thua to, bỏ chạy. Phò mã cũng chạy bán sống bán chết nên vấp phải một bờ tường, đau quá tỉnh dậy. Hóa ra anh học trò vẫn nằm ở dưới đất. Bên ngoài ông lão chủ nhà vẫn thong thả quấy đều đặn nồi kê chưa chín. Chao ôi, cả một cuộc đời vinh hoa phú quý, lầu son gác tía mà anh vừa mới được trải qua ngắn ngủi đến nỗi chưa quấy xong một nồi kê ư? Anh học trò toát mồ hôi ngẫm nghĩ xót xa về thân phận con người!

Trở lại sách giáo khoa của thế kỷ trước, có ba cách viết tiếp câu chuyện “Giấc mộng kê vàng” như sau:

Cách thứ nhất: Anh học trò ngẫm nghĩ hồi lâu, suy nghĩ đến thực tế nghèo khổ của mình, nghĩ đến đường xa dặm thẳm, cố mà lên đến tận kinh đô để dự thi thì chắc gì đã đỗ. Mà nếu có đỗ, có được làm quan như trong giấc mộng vừa trải qua thì cũng quá ngắn ngủi. Thôi, quay về làm ruộng. Thôi, dứt bỏ ảo mộng làm quan mà bao người đã chẳng ôm mối hận thi trượt. Thôi, quay về “ta tắm ao ta”.

Cách thứ hai: Anh học trò ngẫm nghĩ hồi lâu và quyết định cảm ơn ông lão quấy kê, lại hăng hái lên đường, quyết tâm thi đỗ phen này. Anh nghĩ: Vừa qua đó cũng chỉ là giấc mộng. Ta phải có quyết tâm, nhất định phải đỗ đạt, nhất định phải làm quan chứ.

Cách thứ ba: Anh học trò ngẫm nghĩ hồi lâu rồi quyết định cảm ơn ông lão quấy kê, lại hăng hái lên đường, tiến về kinh đô dự thi. Nhưng sau “Giấc mộng kê vàng” vừa rồi đã dạy cho anh một bài học thực tế. Anh nghĩ: Ta cũng không cần cay cú gì, đã mất công đến đây rồi thì cứ đi dự thi. Nhưng chỉ một lần này, nếu trượt lập tức quay về quê làm ruộng, chẳng phân vân, tính toán làm gì nữa. Xin cảm ơn bài học mà “Giấc mộng kê vàng” đã dạy bảo.

Như thế, qua ba cách gợi ý vừa nêu trên, ta thấy giấc mộng, giấc chiêm bao đôi khi cũng có ích cho những người nằm mơ, nằm mộng. Trở lại hàng trăm năm về trước, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển đã có hẳn một trường phái “Chẩn đoán các giấc mộng của vua chúa” ở cả xã hội phong kiến tại châu Âu cũng như châu Á. Có nhiều câu chuyện hài hước do chẩn đoán mộng của hoàng đế La Mã, của hoàng đế Trung Hoa đã chẳng làm trò cười cho đời sau đó sao.

Học giả Tô Thức đã tổng kết về cái tác hại của chẩn đoán nội dung các giấc mơ qua câu: “Muôn điều như mộng lỡ làng/ Buồn cho cánh bướm hoa vàng ngày mai”. Vì các chẩn đoán về giấc mộng đều mong manh, yếu ớt, chẳng có cơ sở thực tế nào cả.

Người Nga cổ còn nói hẳn cái ngớ ngẩn của những giấc mơ, giấc mộng đem lại qua câu: “Một con chồn ngồi mải miết đếm những con gà mà nó bắt được trong giấc mộng”. Cứ việc đếm đi, lúc tỉnh dậy thì bụng vẫn đói meo sẽ làm cho con chồn tỉnh lại. Tỉnh lại vì đói thật. Những con gà ngon lành trong giấc mơ đã biến mất.

Nhà ngụ ngôn vĩ đại người Pháp, ông Jean de la Fontaine (1621 – 1695) đã an ủi chúng ta: “Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc có trong giấc mộng”. Vì thế trước khi đi ngủ, các bạn quốc tế hay chúc nhau: “Ngủ ngon, mộng đẹp nhé” (Good night and good dream). Chúc thế là rất thông minh vì vừa không tốn kém gì, vừa gây được một nụ cười thân thiện, trìu mến.

Đại văn hào Chateaubriand (1877 – 1951) lại dạy rất thực tế về các giấc mơ khi ông viết: “Ở cái tuổi xuân, tất cả mọi thứ đều là giấc mơ cả, chỉ trừ có mỗi cái đói”.

Như thế, giấc mơ, giấc mộng, giấc chiêm bao đều có nội dung rất xa với thực tế cuộc sống, nhưng tất cả chúng ta, ai ai cũng tự chúc mình và chúc mọi người luôn tìm kiếm được những giấc mộng đẹp. Vì sao như thế? Đại văn hào Pháp, ông Guy de Maupassant (1850 – 1893) đã trả lời hộ chúng ta: “Tôi chỉ yêu những giấc chiêm bao, vì duy chỉ có nằm chiêm bao ta mới gặp được cái đẹp, cái êm ái”.

Những người nghiên cứu sâu về cơ chế và diễn biến của giấc mơ, giấc chiêm bao, giấc mộng đều có nhận xét sau đây:

Những người có sức khỏe tốt, năng tập luyện thể dục thể thao, sống một cuộc đời lương thiện thường ngủ rất sâu, rất ngon, ngủ một mạch đến sáng. Không bao giờ hoặc ít khi gặp giấc mơ. Ngủ dậy người khoan khoái, tỉnh táo, khỏe mạnh.

Những người hay mất ngủ, ngủ không sâu, chỉ có một tiếng động nhỏ cũng tỉnh dậy rồi rất khó ngủ lại. Cả đêm chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng, còn thì ngủ lơ mơ, vật vã, khó chịu. Những người này hay gặp những giấc mơ, khi mơ ngắn, khi mơ dài, lúc thành câu chuyện có thể kể lại được, lúc thì mơ lung tung, lộn xộn, không có đầu đuôi gì hết. Khi tỉnh giấc rất mệt mỏi, uể oải, không tỉnh táo.

Để khép lại bài viết, nếu ai đó tự hỏi: “Đêm nay mình quyết tâm mơ một giấc mộng vàng, có được không?”. Không được, nhỡ nó lại thành ra ác mộng thì sao. Có cách nào học tập, huấn luyện, đào tạo, phổ biến để các học viên có được giấc mơ đẹp hay không? Không có. Vì nếu có được các lớp học ấy thì đã có nhiều người kiếm được bộn tiền rồi.

Thế làm cách nào để có được giấc mơ đẹp, thôi đành sửa lại câu tục ngữ cổ một chút, đó là: “Ở hiền thì sẽ gặp được giấc mơ lành”!

TRẦN HỮU THĂNG