Cha và con cùng chuyện Châu về Hợp Phố
Châu về Hợp Phố, điển cũ đã thành thành ngữ Việt chỉ vật quý trở lại chốn cũ, hay việc nhận lại những vật quý đã mất. Nó còn mang sắc thái của may mắn, hy vọng của duyên, cả răn. Và có chút chi như lời nguyền?
1.Cha ở đây là An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Khỏi phải nhấn nhá thêm về sử Việt những công huân kiệt hiệt về người cha đã từng sinh thành dưỡng dục 5 người con trở thành những lương đống Đại Việt thời Trần.
Hình như có quy luật khắc nghiệt, những quý nhân thường hay đoản? Ngài thọ chẵn 40. Cả tuổi ta nữa là 41. Ngài đi nhẹ nhàng. Trưa ấy vào ngày 1 tháng Tư năm Nguyên phong thứ nhất (1251) ngài giăng võng đọc sách sau trang trại do vua Trần cấp. Rồi ngài hóa. Gia nhân khi phát hiện ra thì chỉ thấy mối đùn một gò thực to.
Chính sử cũng công bằng khi lưu lại chút tâm sự của ngài. Chắc là khi về cõi ngài vẫn đau đáu cháy bỏng một mối hận? Mối hiềm, hận ấy có lẽ từ khi vua Trần cấp cho ngài trang ấp trên núi An Phụ xứ Đồng Triều của Đông Bắc. Để thưởng cái công quản trị triều đình của một hoàng tử nhà Trần kiệt xuất Trần Liễu. Để an ủi vỗ về để nguôi đi nỗi hiềm mối hận khi Trưởng Ban kiến thiết tổ chức nhà Trần là Trần Thủ Độ ngang nhiên lẫn hồn nhiên ép uổng Thuận Thiên công chúa, vợ của Trần Liễu đương có thai 3 tháng để gả cho một vua Trần khác! Để nguôi ngoai chí lớn của một người cha từng dặn dò con trai mình là Trần Quốc Tuấn khi con đương còn bé lẫn lúc mình sắp băng cái câu “con không vì cha mà đoạt thiên hạ thì cha chết không nhắm được mắt”!
Nhưng trị nhậm một vùng chiến lược rộng lớn biên viễn Đông Triều lẫn xứ Đông thực túc binh cường hằng bao năm mà An Sinh vương Trần Liễu vẫn không hề có ý định chi làm loạn? Không hề có mưu sự rạch đôi sơn hà đảo chính lật đổ hay cướp ngôi nhà Trần. Mà luôn có kế sách hay tận tình giúp triều đình nhà Trần trấn ải vùng Đông Bắc, ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giàu có, dân tình no đủ làm vui và dạy con cái phương trưởng là niềm hạnh phúc.
Nhiều lắm niềm thành kính thương tiếc trước cái chết đột ngột của An Sinh Vương Trần Liễu. Một ngôi Đền có tên là Đền Cao (còn gọi là chùa Cao) được xây cất tại nơi ngài hóa trên núi An Phụ. Đền lập từ thời Trần đến tận giờ bốn mùa hương khói.
2.Một ngày mùa xuân năm 1995, tôi được bám theo một tốp phóng viên ghi hình sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn vị trí đặt tượng Trần Hưng Đạo tại núi An Phụ (Kinh Môn, Hải Dương).
Tầm 8 giờ sáng, Đại tướng và tùy tùng đã nghiêm cẩn dâng hương An Sinh Vương Trần Liễu ở Đền Cao.
Cụ thủ từ Đền Cao kể, có thời có phong trào càn quét sắt thép phế. Đền Cao đây thuộc tầm ngắm của bọn phế tặc. Hàng chục cái mâm đồng rồi nhiều lư hương chuông đồng đã lặng lẽ biến mất. Đau xót quá, cụ lên xã lên huyện rồi cả tỉnh kêu cũng không thấu.
Đỉnh điểm là cái chuông quý có từ thời Tự Đức nặng 50 kg cũng bị trộm khênh mất! Cụ thủ từ phát ốm nhiều tháng.
Một hôm có công an bảo vệ văn hóa tìm đến Đền Cao. Kèm quả chuông quý bị mất.
Chuyện biên ra thì dài nhưng vắn tắt thế này. Một bọn trộm 4 tên trong đó có hai cha con nhà nọ ở huyện Kinh Môn. Chuông bê ra từ nửa đêm, đường từ Đền Cao xuống xóm không xa mấy lại thuộc làu nẻo, lối tắt nhưng không hiểu sao cả bọn cứ nhũng nhằng nhũng nhẵng khênh loanh quanh tận sáng bạch cánh cò. Đợi được xe tải theo quy ước đón và vần được chuông vào nhà thì đã trưa trật.
Tối đó hai cha con nổi cơn đau bụng quằn quại. Đến bệnh viện huyện cấp cứu. Đến nơi thì tự nhiên cơn đau không còn. Bệnh viện khám không ra. Về lại nhà lại bị! Cứ liên tục tái hồi. Đi bệnh viện tỉnh rồi lên cả Hà Nội. Cả hai tháng trời ròng rã cứ thế. Bà vợ nghe được lời bỏ nhỏ nào đó, “thế người nhà chị có táy máy gì của chùa của Đền không”?
Đành thú thực. Bà vợ sắm cái lễ mọn lên Đền Cao. Bệnh tự dưng khỏi. Chuông chưa kịp trả nhưng nhà chức việc đã men theo những lời đồn. Thủ phạm cùng đồng phạm phơi mặt.
Cứ như lời cụ thủ từ, chả có báo nào đăng hay đài phát việc ấy nhưng dân tình cứ là râm ran chuyện quả báo. 40 cái mâm đồng cổ (thực sự 38 cái) nhà chùa bị mất đã lần lượt về đủ. Bốn lư hương, năm quả chuông đồng cũng như mâm mất tự hồi nảo hồi nào chỉ hơn nửa năm sau vụ trả chuông ấy đã lần lượt được trả lại Đền. “À họ trả lại cũng bí mật như khi lấy. Thường vào khi đêm hôm, để trước cổng chùa”…
Lại nói việc chọn địa điểm đặt tượng. Địa điểm mà tướng Giáp đã chọn khá là đắc địa: Đức Thánh hướng mặt về phía Biển Đông, thế tiền thủy hậu sơn. Đằng sau Ngài không xa là đền An Sinh Vương Trần Liễu. Con che chở vây bọc cho cha...
Sau một thời gian dài thi công, tượng đài Hưng Đạo Đại vương được tạc bằng đá xanh lấy từ núi Nhồi (Thanh Hóa), cao 9,7m; đế dày 3m gồm 65 phiến đá. Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao của An Phụ được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
Ngày 22/12/2016, quần thể di tích Tượng đài Trần Hưng Đạo An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Nhà nước xếp hạng là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt.
3.Cha ấy nên có con ấy. Lời dặn kiêm lời di huấn phải tranh lấy ngôi vua “con không vì cha mà đoạt thiên hạ”… không lúc nào Trần Quốc Tuấn không văng vẳng đinh ninh và thiêng liêng. Nhưng ngài lại không lấy đó làm phải. Bởi lẽ sẽ huynh đệ tương tàn, đất nước loạn lạc. Mà giặc Nguyên xâm lược đang lăm le bờ cõi. Ngài đã sáng suốt đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Và chính ngài chủ động đứng ra để giải quyết mối hiềm của gia đình và dòng họ!
Lần ấy giặc Nguyên đuổi thuyền vua Trần đến tận Quảng Yên. Trần Hưng Đạo được gọi đến hầu vua. Mà khi ấy mối hiềm lại đang được đồn thổi. Thoáng thấy vẻ xét nét của các quan cùng ánh mắt gườm gườm của đám cận vệ khi thấy Trần Hưng Đạo chống cái gậy có bọc sắt nhọn. Ngài bèn mỉm cười và tháo ra vất đi.
Một bữa ngài mời Thái sư Trần Quang Khải (Trần Quang Khải là con của vua Trần Thái Tông) lên thuyền mình trò chuyện, đánh cờ và sai nấu nước thơm để đích tay gội đầu cho Trần Quang Khải. Ngài thân hành xử vậy là để ba quân cùng thiên hạ đích mục sở thị cử chỉ vĩnh viễn xóa bỏ hận thù trước đây giữa hai gia đình Trần Liễu và Trần Cảnh.
Chả thể lấy oán chất oán. Mà lấy ân để cởi oán! Có lẽ chỉ bậc cao nhân và cỡ Thánh mới có kiểu khu xử vậy? Mà bao đời Trần Hưng Đạo đã thành Thánh - Đức Thánh Trần trong tâm tưởng trong tín nghĩa cùng tín ngưỡng của dân ta.
Điêu khắc gia Phạm Thông năm 1967 ấy mới có 24 tuổi. Chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Sài Gòn đã đoạt giải nhất trong cuộc thi về tượng đài Trần Hưng Đạo để chọn mẫu Thánh tổ Hải quân Việt. Trong những công tích của Đức Thánh Trần, Phạm Thông đã rất ấn tượng với một sự kiện một chi tiết trong chính sử. Khai mở trận Bạch Đằng tiến đánh đạo quân của Ô Mã Nhi, đau xót chứng kiến cảnh con voi chiến của mình bị mắc lầy đến chết, ngài đã nộ khí xung thiên tuốt gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề.
Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa!
Phạm Thông đã dựng tượng Trần Hưng Đạo với tư thế bi hùng ấy thay cho bức tượng ngài đang nghiên cứu “Binh thư Yếu lược”!
Bức tượng ấy đã đoạt Giải nhất!
Tượng Trần Hưng Đạo cao gần 6m, đứng trên bệ tượng hình lăng trụ tam giác cao gần 10m sừng sững từ mùa thu năm 1967 tại Công trường - Quảng trường Mê Linh ngó ra bến Bạch Đằng.
Bức tượng Đức Thánh Trần trước bến Bạch Đằng, hàng bao năm như một điểm đến, điểm hẹn một tiêu chí sinh hoạt của người dân TP HCM!
Và gần nửa thế kỷ nay, người dân TP HCM mỗi khi qua địa danh Bến Bạch Đằng quận Một đã quá quen mắt với bức tượng của Ngài kèm lư hương phía trước. Nhưng đột nhiên từ 17/2/2019 họ cảm thấy thiêu thiếu rồi ngơ ngác hỏi nhau, bởi cái lư hương quen thuộc hồi nào bỗng dưng biến mất?
Như khuyết, như khập khễnh đi sự đăng đối có lý của bộ comple trong một thủ tục tâm linh? Rằng tượng đài linh thiêng Đức Thánh Trần chẳng thể thiếu bộ lư châu tuần ấy?
Đã kịp thời có sự hối lỗi, chuộc lỗi trước những ngơ ngác ngạc nhiên băn khoăn, thậm chí phẫn nộ này khác… Ê kíp lãnh đạo mới của Thành phố trong những bộn bề thương khó của nạn dịch dã Covid-19 đã âm thầm, kiên nhẫn xúc tiến một lộ trình an dân.
Một cuộc thăm dò ý kiến rộng khắp nhằm chỉnh trang công trường Mê Linh. Trong số hàng ngàn ý kiến gửi về lãnh đạo Thành phố có ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc (bằng một bài báo) đã chân tình thẳng thắn rằng nên tái an vị cái lư hương như cũ!
Để mà tiếp tục, để vẹn nguyên thông điệp cảnh báo giặc xâm lăng “vạn cố thử giang sơn” (muôn thuở núi sông này) của Đức Thánh Trần.
Và rạng ngày 17/3/2022 nhằm ngày Rằm tháng Hai Nhâm Dần, sau 3 năm lưu lạc, chiếc lư hương lại trở về châu tuần trước Ngài như 55 năm trước!
Cứ như là Châu về Hợp Phố?