Đấu trường Hổ Quyền

TỐNG PHƯỚC ANH 12/04/2022 10:22

Đấu trường Hổ Quyền có từ triều Nguyễn, nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 4 km về phía Tây, tọa lạc tại tổ 1 Trường Đá, phường Thủy Biều. Nơi đây, từng diễn ra những cuộc đấu sinh tử giữa voi và hổ. Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cho rằng, Hồ Quyền là một đấu trường cổ "độc nhất vô nhị" không những ở Việt Nam mà cả thế giới.

Đấu trường Hổ Quyền nhìn từ trên cao. Ảnh: ITN.

1.Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, được kết cấu bởi 2 vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng thành trong cao 5,90m; vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15 độ, tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145m, đường kính lòng chảo là 44m.

Theo các ghi chép cũ, trước khi xây dựng đấu trường Hổ Quyền, các trận chiến sinh tử giữa voi và hổ dưới thời nhà Nguyễn được tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Trong giai đoạn này, có rất nhiều sự cố nguy hiểm liên quan đến trận đấu. Một thương gia người Pháp là Pierre Poivre từng đến Thuận Hóa đã kể rằng vào năm 1750, ông đã được tháp tùng chúa Nguyễn Phúc Khoát và quan binh trên 12 chiếc thuyền đậu quanh cồn Dã Viên để xem một trận đấu kinh hoàng, trong đó 40 con voi đã giết chết 18 con hổ. Một người Pháp khác là ông Michel Đức Chaigneau làm quan triều Nguyễn trong cuốn hồi ký “Souvenirs de Hue” đã kể rằng dưới thời vua Gia Long, các trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức trên quảng trường trước kinh thành. Đấu trường không có rào chắn an toàn mà dùng lính vây quanh để bảo vệ người xem.

Vào năm 1829, khi vua Minh Mạng cùng các quan đang ngự giá xem một trận tử chiến giữa voi và hổ, thì con hổ bất ngờ bơi về phía thuyền rồng. Nhà vua phải dùng sào để đẩy hổ ra xa, quan quân kịp thời giết con hổ ngay trên sông nên nhà vua mới thoát nạn.

Kể từ sau sự việc này, thấy việc tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ ở cồn Dã Viên không an toàn, nên năm 1830 vua Minh Mạng quyết định chọn một vùng đất tại chân đồi Long Thọ cách không xa kinh thành Huế để xây dựng một trường đấu kiên cố dành cho những trận tử chiến giữa voi và hổ. Địa điểm đó chính là khu di tích đấu trường Hổ Quyền ngày nay.

Các "chiến tượng" được đưa vào đấu trường để chuẩn bị quyết đấu sinh tử với các mãnh hổ. Ảnh tư liệu.

2.Dư địa chí Thừa Thiên Huế chép: Hổ Quyền được cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.

Ngoài hệ thống tường thành, phía Bắc đấu trường có một cánh cửa lớn, với thiết kế 2 lá, cao 8 thước, rộng 7 tấc, phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi voi được đưa vào trường đấu. Ở hai phía trái, phải của cửa chính, có hai lối đi với 24 bậc thang dẫn lên khán đài. Theo nghi thức, bên trái dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Bên còn lại dành cho quan chức và binh lính.

Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính.

Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng hổ và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Ngoài ra, có một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu, rộng 1,90m, cao gần 4m, có hai cánh lớn, bản lề bằng đá. Sân đấu là thảm cỏ hình tròn...

Dưới triều Nguyễn, những trận quyết chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi giết chết hổ mới thôi. Những ghi chép lịch sử cho biết, trận đấu cuối cùng của voi và hổ được tổ chức vào năm 1904, tức là cách đây 118 năm, dưới thời vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ.

Kể từ khi xây dựng Hổ Quyền, các nghi thức tổ chức trận đấu giữa voi và hổ cũng được tổ chức rất trang trọng. Xung quanh đấu trường có bày nghi trượng, cờ lọng. Binh lính cầm khí giới cung kính đứng hai bên đường đã sẵn trải chiếu hoa để chào đón nhà vua. Đến chính Ngọ, vua và đoàn tùy tùng sẽ ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền gần sát bờ sông, vua rời thuyền, sang kiệu che bốn lọng vàng cùng bốn tàn vàng. Đi phía trước sẽ là lính Ngự lâm, phía sau theo thứ tự là thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần và đến cuối cùng là đội nhạc cung đình. Trận tử chiến tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra hàng năm và kết thúc khi voi quật chết hổ.

Qua gần 200 năm tồn tại, di tích Hổ Quyền hiện vẫn còn khá nguyên vẹn, trở thành một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Mặc dù xét về quy mô, Hổ Quyền khó mà sánh bằng đấu trường nổi tiếng Colosseum của Italia nhưng đây được xem là công trình có kiến trúc độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT, ngày 26/9/1998. Đến năm 2009, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khoa học công nghệ cao Hàn Quốc KAIST thực hiện dự án phục dựng di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D. Bộ phim mô hình đã tái hiện lại toàn cảnh kiến trúc Hổ Quyền, cách xây dựng trường đấu hổ và cảnh vua, triều thần, các thị vệ đi xem trận đấu; tái hiện sống động hình ảnh về trận tử chiến giữa voi và hổ. Bộ phim 3D này đã được trình chiếu phục vụ du khách tham quan di sản Huế từ năm 2010.

Năm 2021, UBND TP Huế đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền và di tích Voi Ré (cách Hổ Quyền khoảng 400 m thuộc phường Đúc, TP Huế). Dự án được triển khai trên diện tích gần 5 ha, sẽ thực hiện các hạng mục: giải phóng mặt bằng, san nền, bố trí đất ở, đất thương mại, trồng cây xanh, xây dựng 9 tuyến đường nội bộ trong khu vực với tổng chiều dài hơn 1,6 km, xây dựng bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật…

TỐNG PHƯỚC ANH