Nhà biên kịch Vũ Liêm: Văn hóa là chất liệu quý đưa lên màn ảnh
Nhà biên kịch Vũ Liêm là Thạc sĩ nghệ thuật học. Anh có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực truyền hình.
Các kịch bản phim truyền hình mà anh đã thực hiện: "Đi về hướng mặt trời", "Hành trình bí ẩn", "Lời thì thầm từ quá khứ", "Cầu vồng ngày không mưa", "Một thời ngang dọc", "Mặt nạ gương"... Tham gia chuyên đề "Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt", Vũ Liêm cho rằng:
- Suy cho cùng, việc cấu thành cảm hứng để làm nên tác phẩm cũng đều bắt nguồn từ sự trải nghiệm văn hóa của nơi mình sinh ra, lớn lên, rồi hoạt động tương tác với xung quanh. Nếu thiếu đi điều này tác phẩm sẽ không còn “chất đời”, sự sinh động để đến được với người thưởng ngoạn.
Tôi nghĩ văn hóa dân tộc, một cách giản đơn mà thấm thía thường được nhìn nhận rất rõ trong cách ứng xử thường ngày.
Lý do nào anh lại gắn bó và tâm huyết với việc hiện đại hóa những nét đặc trưng của văn hóa đời sống người Việt?
- Đó là trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ khi họ sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật của chính dân tộc mình tạo nên các tác phẩm. Một cách vô thức người nghệ sĩ sẽ gửi gắm sự tâm huyết, trăn trở của mình vào đây. Để nói rằng "làm hiện đại hóa nét đặc trưng văn hóa Việt" trong sáng tác của bản thân thì với tôi hiện nay chỉ đang là mục tiêu chứ chưa phải kết quả đã đạt được. Tuy nhiên đó thực sự là điều tôi muốn hướng tới trong các tác phẩm của mình thời gian tới.
Anh có quan tâm đến điện ảnh Việt Nam, và gần đây là một số MV ca nhạc khi khai thác về văn hoá tập tục Việt đưa vào tác phẩm?
- Là người được đào tạo chính quy chuyên ngành Điện ảnh, lẽ tất nhiên tôi khá quan tâm đến lĩnh vực này. Văn hóa tập tục Việt Nam luôn là chất liệu quý khi được đưa lên màn ảnh. Chúng ta đã từng thành công khi tạo dấu ấn trên thế giới với các bộ phim như "Cánh đồng hoang", "Đời cát", "Mê Thảo thời vang bóng", "Mùa len trâu"... và gần đây là "Song Lang", "Lô tô"...
Còn về các MV thì hiện nay các ca sĩ trẻ đang có trào lưu mà giống như trong âm nhạc từng có thuật ngữ "dân gian đương đại" vậy, tức là dùng câu chuyện hình tượng xưa để chuyên chở giai điệu, ca từ hôm nay. Tôi nghĩ đây là một hướng đi đáng ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều vấn đề trong cách thể hiện.
Anh có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của mình về các bộ phim hay MV này?
- Tôi thấy khá nhiều MV được đầu tư công phu về dàn dựng, thu hút lượng người xem và quan tâm của công chúng đặc biệt là các bạn trẻ, thế nhưng sâu xa gợi mở nên thông điệp gì hay chỉ là ấn tượng cảm xúc thoáng qua mới là điều đáng bàn. Với tôi các sản phẩm nghệ thuật ngoài tính chất giải trí, khơi gợi cảm xúc thì nội dung tư tưởng truyền tải cũng là điều vô cùng quan trọng.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng "cái mới đôi khi chỉ là cái cũ bị lãng quên", khi chúng ta cách tân bản sắc tập tục Việt Nam ở các tác phẩm của mình thì ranh giới giữa ấn tượng sáng tạo và nông cạn vô cùng mong manh. Trào lưu tìm về bản sắc cha ông trong thể hiện sáng tạo nghệ thuật là đáng khuyến khích nhưng ăn theo cắt ghép một cách máy móc lại là câu chuyện cần được lưu tâm, đặc biệt là đối với những nghệ sĩ trẻ.
Theo anh, để giữ gìn văn hóa Việt qua các tác phẩm nghệ thuật một cách đúng đắn thì cần những điều gì?
- Một câu hỏi với biên độ lớn và không dễ trả lời (cười). Chắc chắn phải cần rất nhiều điều rồi. Nhưng với cá nhân mình tôi cho rằng có ba điều không thể thiếu và phải được thực hiện trước tiên. Thứ nhất là hiểu đúng về nét văn hóa Việt đó trước khi chúng ta muốn truyền tải nó trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Thứ hai hãy lựa chọn cách thức thể hiện sao cho phù hợp với sự đón nhận của công chúng bằng cách hình dung rằng chúng ta sẽ hướng tới đối tượng thưởng thức nào. Và thứ ba nếu đã có mục tiêu "gìn giữ" thì hãy chọn cách "tôn vinh" nét văn hóa đó, cho khán giả thấy được cái đẹp, giá trị nhân văn mà nó ẩn tàng.
Vì sao với anh, cốt lõi của văn hóa nghệ thuật Việt lại cần thiết trong các tác phẩm nghệ thuật, nhất là đối với điện ảnh?
- Điện ảnh là môn nghệ thuật thứ 7, môn nghệ thuật tổng hợp ra đời sau cùng và có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với khán giả hiện nay, bởi thế nếu các tác phẩm điện ảnh có thể lưu giữ truyền tải văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam một cách sinh động, thuyết phục tới khán giả thì còn điều gì tuyệt vời hơn nữa. Bởi như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng văn hóa dân tộc chính là "mã định danh" hay "bộ gen" của một dân tộc và là sự khẳng định bản sắc, giữ gìn cốt cách bền vững của dân tộc đó trong quá trình hội nhập thế giới.
Một tác phẩm đương đại nhưng lại giàu tính văn hóa bản địa Việt Nam, với anh cần những yếu tố gì?
- Tôi nghĩ rằng đó là tính giáo dục, tính xây dựng và đặc biệt là tính định hướng. Nhưng trên hết cái chúng ta cần nhất là sự tìm tòi, khám phá cốt lõi giá trị của nét văn hóa bản địa ấy. Nó có nguồn gốc thế nào? Vai trò ở thời điểm ra đời và phát triển ra sao? Giờ đây đối với cuộc sống đương đại nó có còn giá trị hay không? Trả lời xác đáng các nội dung này chúng ta sẽ dễ dàng tạo nên một tác phẩm hiện đại tươi mới mà vẫn lưu giữ được văn hóa truyền thống.
Công việc hiện tại của anh và dự định?
- Tôi đang tham gia một dự án việt hóa phim truyền hình. Chưa dám khẳng định có thành công hay không nhưng đây thực sự là công việc tạo hứng thú cho tôi khi được sắp xếp những gì "rất Việt Nam" vào câu chuyện gốc của nước ngoài. Ở một khía cạnh nào đó đây là sự giao lưu tiếp biến văn hóa thú vị trong sáng tạo nghệ thuật. Còn dự định trong tương lai của tôi sẽ là kịch bản phim điện ảnh về đề tài lịch sử cận đại của nước nhà.
Xin cảm ơn anh!