Mốc son Tự lực văn đoàn
Văn học Việt Nam hiện đại được hình thành từ đầu thế kỉ 20 với tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách (tiểu thuyết “Tố Tâm”), của Phạm Duy Tốn (truyện ngắn “Sống chết mặc bay”), và hàng loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Nhưng nếu xét về nghệ thuật văn chương, phải nhắc đến các tác phẩm của thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn (1932-1942) thì văn học nước ta mới đạt được những thành tựu đáng kể, đủ sức khẳng định là một cột mốc đáng nhớ cho sự phát triển của văn học hiện đại.
Nếu tác phẩm của Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh tuy đã bắt đầu phản ánh được ít nhiều bức tranh hiện thực xã hội, thì về mặt nghệ thuật từ truyện ngắn đến tiểu thuyết của 3 đại biểu thời kì mở đầu của văn học hiện đại nước ta vẫn dừng ở mức phôi thai, khi họ chưa thoát được sự kể lại câu chuyện theo phương pháp của truyện nôm khuyết danh, và đôi lúc vẫn còn di sót cách hành văn theo lối đặt câu biền ngẫu ảnh hưởng của văn chương cổ.
Còn trong các tác phẩm tiêu biểu của Tự lực văn đoàn người đọc cũng như giới chuyên môn đã ghi nhận bước tiến lớn về nghệ thuật viết. Đó là cách dựng truyện tự nhiên, kết cấu linh hoạt, tính cách của nhân vật được thể hiện một cách đầy đủ cả tả hình thức, hành động bề ngoài và nhất là biểu hiện được chiều sâu thầm kín của tâm trạng.
Đời sống nhân vật đã được quan tâm và số phận con người - vấn đề trung tâm của văn học nghệ thuật- lần đầu tiên được chú trọng khai thác và diễn tả. Tính dân tộc và cách tân trong văn học được quan tâm, chú trọng (Trong tôn chỉ hoạt động 10 điểm của nhóm Tự lực văn đoàn có điểm 4 và điểm 9 chỉ rõ: “Dùng lối văn giản dị, dễ hiểu, một lối văn thật có tính cách An Nam”; “Đem phương pháp khoa học thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam”.
Đóng góp đáng kể thứ hai của Tự lực văn đoàn là đã hình thành ra dòng văn lãng mạn với những tác phẩm văn xuôi của Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng… Thơ mới của Xuân Diệu, Thế Lữ bên cạnh việc hình thành hay đúng hơn là trở lại nâng cao thể loại hài trong văn chương bị chìm khuất sau gần một thế kỉ kể từ Hồ Xuân Hương đến Nguyễn Khuyến.
Đóng góp thứ ba là Tự lực văn đoàn đã mở đầu và tạo ra dòng văn học lấy đối tượng thiếu nhi để mô tả và hướng tới. Đó là chưa kể từ trong hoạt động của nhóm Tự lực văn đoàn còn để lại rất nhiều bài học cho việc hình thành, phát triển và nuôi sống một nhóm văn chương tự do có thể xem là những người thuộc “Chân trắng ngoài xã hội”, tự nguyện với những mục tiêu nghệ thuật chân chính.
Nhóm văn chương Tự lực văn đoàn sơ khai gồm 7 người đó là: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu. Nhưng công đầu và cũng có thể gọi là người sáng lập chính là Nhất Linh.
Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam. Trong số ba anh em nhà văn nhà Nguyễn Tường thì Nguyễn Tường Tam – nhà văn Nhất Linh là nhà văn có nhiều tác phẩm nhất. Ngoài hai tiểu thuyết ông viết chung với Khái Hưng là “Gánh hàng hoa”, “Đời mưa gió”, một tiểu thuyết viết chung với Hoàng Đạo là "Con đường sáng", ông có gần chục tiểu thuyết trong đó có nhiều kiệt tác như “Đoạn tuyệt”, “Lạnh lùng”, “Đôi bạn”, “Bướm trắng”… 9 tập truyện ngắn, một tập tiểu luận và ông còn dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Đồi gió hú” của Emy Brôntê.
Nhà văn Nhất Linh vốn là học sinh trường Bưởi. Tài năng văn chương của ông phát tiết sớm. Ông in thơ từ năm 16 tuổi trên tờ "Tân Văn", năm 17 tuổi sau khi đậu cao tiểu không đủ tuổi thi vào trường Cao Đẳng ông đã được Tú Mỡ giới thiệu viết cho báo "Nho Phong". Năm sau khi 18 tuổi ông in “Bình luận văn chương truyện Kiều” trên báo "Nam Phong".
Nói như vậy để có thể nhận ra, nhà văn Nhất Linh bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng con đường báo chí. Hai lĩnh vực văn chương và báo chí ở Nhất Linh gắn bó mật thiết và hỗ trợ cho nhau. Mối quan hệ hữu cơ này đã đưa ông vào những hoạt động xã hội (ông tham gia đám tang của cụ Phan Chu Trinh khi tròn 20 tuổi) và tạo cho ông sự am hiểu sâu sắc sức mạnh của báo chí cũng như sự sinh động, khúc triết khi viết văn.
Chính bởi thấm nhuần vào máu thịt từ rất sớm cái duyên của hai lĩnh vực báo chí và văn chương nên năm 1927 khi 21 tuổi ông sang Pháp học khoa học và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân khoa học Giáo khoa lý khoa (Lý hóa) nhưng bốn năm ở Pháp ngoài việc học chuyên môn ông lại dành nhiều thời gian nghiên cứu về nghề báo và xuất bản. Từ sự nghiên cứu này ông nhận ra loại báo trào phúng là phù hợp với sở thích của nhiều người trong xã hội đương đại. Vì vậy về đến Hà Nội, Cử nhân khoa học Nguyễn Tường Tam nộp đơn xin Sở báo chí cho phép ra báo “Tiếng cười”.
Nhưng lần lữa mãi với những lời hẹn, báo “Tiếng cười” vẫn chưa được cấp giấy phép. Trong lúc đó tờ “Phong Hóa” sau 13 số đang muốn đình bản vì không tạo ra sức hấp dẫn với bạn đọc thì với sự dẫn dắt của Khái Hưng – đồng nghiệp cùng dạy trường tư thục Thăng Long - Nguyễn Tường Tam đã mua lại tờ báo này. Và với mục tiêu và tài năng làm báo của mình ngay từ số 14 của “Phong Hóa” là số đầu tiên nhà văn Nhất Linh làm chủ bút đã trở thành sự kiện lớn của làng báo lúc bấy giờ khi được bán chạy đạt kỉ lục làng báo thời đó.
Vì sao cũng là tờ “Phong Hóa” tồn tại đã lâu với 13 số không bán chạy bởi không hấp dẫn được người đọc, mà chỉ đến số 14 dưới bàn tay của nhà văn Nhất Linh lại có sức hấp dẫn lớn với bạn đọc, trở thành một tờ báo bán chạy cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu mà cũng là nguyên lý của một tờ báo đó là sự thu hút được người đọc bằng những vấn đề mà nó phản ánh. Nhìn lại sự hấp dẫn của báo Phong Hóa từ số 14, càng thấy sự đúng đắn của nguyên lý cơ bản trong văn nghệ và báo chí là “sức hấp dẫn của tác phẩm ở hai lĩnh vực này bắt đầu từ việc tác phẩm có nói đúng, phản ánh đúng những gì mà người đọc, người xem, người thưởng thức quan tâm hay không”.
Nhìn lại đường đi nước bước của báo “Phong Hóa”, có thể xem là cơ quan ngôn luận của nhóm văn chương Tự lực văn đoàn ta càng rõ sức hấp dẫn không chỉ dừng ở việc nói trúng các vấn đề xã hội đang quan tâm mà cần nói thêm sức chiến đầu của tờ báo đầy bản lĩnh này. Không chỉ bằng tiếng cười phê phán của trào phúng mà tờ báo cũng như nhóm Tự lực văn đoàn còn mở ra những chương trình có tác dụng tốt cho xã hội, nhất là dân nghèo ở nông thôn, trong đó tiêu biểu là "Phong trào Ánh sáng" với mục đích nhằm cải tạo từng bước nếp sống ở nông thôn, từ việc chống nhà ổ chuột, đến việc cổ súy cho phong trào truyền bá quốc ngữ…
Phong trào là sản phẩm của Hội Ánh sáng của Tự lực văn đoàn, do Nguyễn Tường Tam khởi xướng một tổ chức “cải cách xã hội một cách êm thấm trong phạm vị luật pháp” như lời trong một bài bình luận in trên “Phong Hóa” của nhà văn Hoàng Đạo. Chính tính chiến đấu bằng ngòi bút châm biếm trên báo "Phong Hóa" cùng những tác động trong các chương trình của Tự lực văn đoàn nên chỉ sau hai năm đắt khách, báo “Phong Hóa” bị đình bản. Nguyên nhân trực tiếp khiến "Phong Hoá" bị đình bản là bởi loạt phóng sự châm biếm sự mục nát của chế độ phong kiến nhan đề “Đi xem mũ cánh chuồn”. Nhân sự kiện này một lần nữa ta thấy rõ tài làm và quản lý báo linh hoạt, năng động của nhà báo - nhà văn Nhất Linh.
Ngay sau khi "Phong Hóa" bị đình bản thì ấn phẩm phụ của báo này là tờ “Ngày Nay” (được mở từ trước) đã trở thành tờ báo chính thức thực hiện mục đích của Tự lực văn đoàn. Và tạo ra sức hút với hàng loạt văn nghệ sĩ tài năng khác đến với Tự lực văn đoàn như: Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Huy Cận… Khiến báo “Ngày Nay” càng đa dạng, phong phú hơn cách viết, cách nhìn nhận xã hội.
Cũng cần nói thêm bên cạnh làm báo để thể hiện tôn chỉ, mục tiêu nghệ thuật và xã hội thì nhóm Tự lực văn đoàn còn thành lập NXB Ngày Nay để tạo ra một thế chân kiềng vững chắc trong việc in ấn, phổ biến các tác phẩm của thành viên trong nhóm. Tất cả tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ...và sau này cả kịch bản của thành viên trong nhóm đều được nhà xuất bản này cho ra mắt đông đảo bạn đọc trong cả nước. Những ấn phẩm đó của NXB Ngày Nay đã ghi công đầu trong việc lưu lại các tác phẩm đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển văn học và báo chí hiện đại Việt Nam.
Chèm 3/2022