Thơ là nỗi buồn, hạnh phúc
Gốc gác thuộc về Hà Nội nhưng gắn bó với TP HCM, ngoài nhiều giải thưởng văn chương, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên được trao tặng danh hiệu “Người phụ nữ tài năng” năm 1991 và Gương mặt văn học thành tựu 30 năm (1975-2005) TP HCM. Khác với vẻ tươi vui, hồn nhiên và tính cách "không tuổi", Phạm Thị Ngọc Liên viết thơ rất buồn, giữa tâm trạng của người đàn bà miệt mài tìm hạnh phúc.
Điều kỳ diệu của mùa xuân
Trong muôn ngàn ánh sáng trong trẻo của sự sống
câu thơ tôi tuôn ra như mạch nước ngầm
đánh thức những mầm xanh đang ngủ quên trong lòng đất
mùa xuân như những lời thì thầm nở hoa trong trái tim tôi
hương thơm của niềm tin đang luồn lách các ngả
nơi bóng tối của sự âu lo sẽ bị xua đi
và nỗi khắc khổ muộn phiền của những điều bất hạnh
cũng sẽ lụi tàn
Mỗi ngày tôi mỗi đi qua công việc của mình
điềm đạm và bình thản
những cảm xúc đôi khi chai lì và tôi hằng kiên nhẫn lắng nghe
chờ đợi điều kỳ diệu
tôi hằng thèm khát bắt được hơi thở của bình minh
mà mỗi chuyển động ứa ra từng giọt nhựa
dẻo quánh sự sống
như tinh tuý quý báu được lọc ra từ những điều tầm thường
vẫn nháy lên một tia chớp sáng rực
dẫn đường cho tôi đi
Đôi khi tôi thiếp ngủ trong sự mỏi mệt của mình
mà không biết ngoài cửa sổ kia
lũ chim non trên cành cây đã bắt đầu mở mắt
mùa xuân đang chao liệng trên khắp ngả đường
tặng tôi một bình minh trong trẻo
đôi khi tôi vẫn tự trói buộc mình vào những nỗi cô đơn không đáng gì
mà quên đi âm thanh náo nhiệt ngoài kia
cuộc sống đang chờ tôi quẫy động
Ấy là khi mùa xuân gióng giả tiếng chuông
chiếc mầm tôi xanh rêu đã trồi lên dưới câu thơ vươn trải
và trái tim khô nở những chùm hoa thơm ngát dịu dàng
tôi đi qua sự hiu quạnh của mình
bàng hoàng
trong những điều tìm thấy
Hối hả như chưa từng được thở
tôi vồ vập cuộc sống một cách tham lam
yêu quý từng ánh mắt trẻ thơ
từng cọng cỏ thềm nhà
từng giọt sương trên đất
Trong những điều kỳ diệu của mùa xuân
cùng với lũ chim non mở mắt
những câu thơ vươn ra như mạch nước ngầm
đánh thức tâm hồn tôi…
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên đang giữ trong lòng niềm vui của một người viết được yêu thương. Đó là cảm xúc rất thật từ buổi ra mắt cuốn sách mới của bà: “Những bà già xinh đẹp”. Như tên gọi, cuốn này toàn viết về các “bà già, bà đang già, bà sắp già…”.
Nhà thơ chia sẻ: Các nhân vật của tôi trong cuốn sách này đều là người thật, việc thật, không chừa ngay cả bản thân tôi. Họ đã đi qua những cảm xúc tiêu cực, đối diện với những suy nghĩ tự kỷ, tự ái để chọn cho mình một lối đi phù hợp. Xinh đẹp là hai từ khá khiêu khích, nhất là khi các nhân vật đã đến cái tuổi mà mỹ phẩm và trang phục nhiều khi phản chủ, cứ gào “không phải tại tôi, tại những nếp nhăn...”.
Nhưng xinh đẹp chính là hai chữ xứng đáng dành cho những trái tim biết cách sống, những suy nghĩ lạc quan, tươi vui, biết rõ mình cần gì ở lứa tuổi này. Tôi nghĩ, chính mặt trời là tấm gương soi rọi rõ nhất cho hai từ xinh đẹp. Bình minh bạn đẹp thế nào thì khi hoàng hôn bạn cũng đẹp thế ấy. Một vẻ đẹp tự tin, bất chấp thời gian”.
“Những bà già xinh đẹp” ra đời trong mùa dịch bệnh, khi mọi người trong xã hội căng thẳng, nhiều lo lắng, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên mong rằng từ bìa sách với màu sắc rạng rỡ, các nhân vật rực nở nụ cười, ít nhiều cũng mang lại sự thú vị, một cảm nhận lạc quan cho những ai cầm sách trên tay.
Thơ, với Phạm Thị Ngọc Liên, dường như có sẵn trong trong máu nên bà viết rất nhanh. Cảm xúc dâng tràn, nhiều khi cuống quít gõ mà không kịp. “Có lẽ vì trong máu tôi có chữ buồn chăng? Có thể lắm. Nên tôi đã viết ra nỗi buồn của mình mỗi khi nỗi buồn ấy quá lấn lướt, không cho tôi được yên. Có một thời gian khá dài, thơ còn như một dạng nhật ký nên nó mang nhiều tính tự sự, dài dòng, kể lể. Sau này, khi đã là người của công chúng, tôi biết tiết chế câu chữ hơn, sao cho nhiều người đọc mình mà tưởng mình viết giùm họ.
Phụ nữ quanh quẩn chỉ buồn vì bất hạnh trong tình yêu. Đau khổ thì nhiều mà hạnh phúc lại vô cùng ít ỏi. Dường như than thở về nỗi bất hạnh trong tình yêu khiến tôi được chú ý nhiều hơn, nhất là khi tôi xuất hiện trong trang thơ của báo Văn nghệ TP HCM vào năm 1987 - thời chưa ai được phép ca ngợi nỗi buồn”.
Sinh tại Hà Nội, trưởng thành ở Đà Lạt (Lâm Đồng), nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên tâm sự, bà vốn là người rất hồn nhiên, hay cười, thích hát hò từ thuở bé. Nhưng biến cố của gia đình đã cho bà nghị lực và sự chịu đựng hơn những người cùng tuổi, đồng thời, cả sự trưởng thành hay nói đúng hơn là sự già dặn, biết lo toan vượt lứa tuổi của mình: “Tuy nhiên, dù giống như máu luôn luân chuyển trong người, thơ của tôi lúc bấy giờ còn non nớt, chưa lột tả được hết nỗi đau, nỗi buồn mà mình phải chịu. Dù sao tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ già trước tuổi mà thôi”.
Khi bà bước vào cuộc sống riêng rồi va vấp, bị rất nhiều vết thương, có khi tưởng gục ngã thì thơ mới đau đớn tràn lên: “Có lẽ cuộc đời này không ít người có nỗi buồn tương tự nhưng họ không viết thành lời được nên khi đọc tôi, họ thấy như thể chính họ viết. Sự đồng cảm trong thơ kéo người viết và người đọc lại gần nhau. Tôi đã được yêu mến trong một thời gian rất dài.
Tuy nhiên, khi cha tôi còn sống, lúc nhận được câu phỏng vấn của báo đài rằng, bác có vui khi có người con nổi tiếng như chị ấy không, cha tôi đã xót xa trả lời: “Con gái tôi nổi tiếng vì những câu thơ xé ruột xé gan mà viết, tôi buồn nhiều hơn vui. Tôi chỉ ước rằng con tôi sớm trở lại là con người hồn nhiên như nó vốn thế”. Đứng bên cạnh ông lúc ấy, cảm giác của tôi là nghẹn ngào hối hận. Sao tôi lại để cho đấng sinh thành ra mình phải khổ tâm như vậy? Tôi tự hứa sẽ hướng trái tim tôi về những điều tươi đẹp, lạc quan hơn”.
“Thơ. Nỗi buồn của tôi. Hạnh phúc của tôi… Bắt đầu từ năm lên bốn tuổi và bây giờ đã ở ngưỡng U70, những câu chữ có vần điệu hay không vần điệu cứ tự nhiên trồi lên, vươn lên khi nào nó muốn. Như thể nó muốn trút giùm tôi những điều còn tồn đọng trong người”. Đi đến tận cùng nỗi đau để nhìn thấy ánh sáng của sự sống, bà đã giữ đúng lời hứa của mình về con mắt lạc quan, cái nhìn lạc quan, cảm xúc lạc quan để làm chủ câu chữ của mình. Để rồi nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên đã đạt giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong hai năm liền 1989, 1990 với bài thơ yêu đương nhung nhớ, ngọt ngào, say đắm “Em sẽ yêu anh như tháng Giêng”:
“Thế nhưng, những bài thơ vui vẻ, lạc quan như thế không nhiều. Thơ của tôi vẫn buồn, vẫn đầy khát khao bỏng cháy về một hạnh phúc không trọn vẹn. Biết sao được? Người ta vẫn hay nói về những gì họ muốn mà chưa có hoặc có mà mất đi trong cuộc đời. Tôi cũng vậy thôi. Ngẫm lại, cuộc đời này, niềm vui luôn ít hơn nỗi buồn.
Thật may mắn là tôi chỉ chìm đắm trong nỗi buồn riêng khi làm thơ và sau giây phút đó, tôi trở lại là một phụ nữ đầy trách nhiệm, bổn phận với gia đình - Tỉnh táo và nhiều khi khá khắc nghiệt, khá nguyên tắc và độc đoán khi xử lý công việc.
Bởi vì tôi không chỉ làm thơ mà còn viết, còn đoạt giải thưởng về văn xuôi. Mà văn xuôi thì bạn biết rồi đấy, ngay cả trong hư cấu cũng phải tỉnh táo, rõ ràng. Khi viết văn, cảm xúc của tôi được nén lại và chỉ bung ra khi tôi muốn. Nói như thế để trả lời câu bạn hỏi, rằng con người trong thơ có níu kéo, làm ảnh hưởng tinh thần con người ngoài đời thực không? Có chứ. Nhưng chỉ trong lúc tôi làm thơ. Khi làm thơ, con người thơ và con người đời thực của tôi là một, cảm xúc chỉ có một nên đương nhiên trì kéo, dẫn dắt lẫn nhau. Nhưng ra khỏi giây phút chan hòa làm một đó, người thơ và người thực là hai đường thẳng song song”.
Trong hai năm Covid-19 hoành hành, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên thấm thía hai chữ tắc nghẽn: “Tắc nghẽn đủ thứ. Từ công việc, tiền bạc, chuyện cơm áo gạo tiền của bản thân và của những người thân trong gia đình, đến những thói quen, những nhu cầu nhỏ bé như đi uống cà phê với bạn bè không biết bao giờ mới được như cũ. Đôi khi sự tắc nghẽn trong suy nghĩ giống như hòn than đốt cháy tâm can. Rồi tôi nhận ra ngồi gặm nhấm điều đó không giải quyết được gì mà còn có thể làm ta sợ hãi, hoảng loạn. Thế là bên cạnh những bài thơ trút cả tâm tư, tôi muốn tự dập tắt hòn than của mình bằng những hồi ức của những ngày mình thanh thản nhất. Qua điện thoại, bạn bè tôi đa số đều ủng hộ, đều cho phép tôi được viết về họ trong câu chuyện của mình. Khi viết, tất cả kỷ niệm đều trở lại một cách sống động, cho tôi tin rằng chọn lựa của mình là đúng đắn”.
“Sách vốn có tên khác nhưng cuối cùng tôi đã chỉnh lại thành “Những bà già xinh đẹp”. Bởi vì tôi viết về họ - những bà già đã qua tuổi 50, đã lên chức nội, ngoại nhưng vẻ đẹp tâm hồn của họ vẫn lóng lánh sáng, thái độ sống của họ vẫn tươi xanh".