Chưa có sự xử phạt thỏa đáng
Theo nhà văn Nguyễn Hiếu, trước mọi sai lầm trong trùng tu, tôn tạo di tích dường như chỉ là lời nhận sai lầm và rút kinh nghiệm mà chưa có sự trừng phạt thỏa đáng của pháp luật. Phải chăng điều đó đã dung dưỡng cho sự thô bạo trong trùng tu, chỉnh trang di tích trong thời gian dài và cho đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt.
PV: Thưa ông, từ góc độ của một nhà văn, ông đánh giá như thế nào về việc tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang di tích văn hóa lịch sử của chúng ta trong thời gian gần đây?
Nhà văn NGUYỄN HIẾU: Đất nước ta trải qua hơn 4.000 năm lịch sử. Mặc dù trong quãng thời gian đó chúng ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, tuy vậy cho đến nay, vẫn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Do tác động nghiệt ngã của thời gian, của mưa nắng và có cả sự vô cảm của con người, nhiều di tích đã hư hỏng và xuống cấp, vì vậy, theo tôi, việc trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang di tích để cho con cháu muôn đời là việc làm cần thiết. Tiếc là, công việc đáng làm một cách thận trọng này không chỉ trong thời gian qua mà cả một quá trình dài đã bị tiến hành không đúng chuẩn, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, gây ra dư luận không tốt.
Ông vừa nói đến việc công việc trùng tu trong thời gian dài, ở nhiều nơi, nhiều công trình, đã bị tiến hành không đúng chuẩn, gây bức xúc. Nhưng có ý kiến nặng nề hơn, cho rằng, chúng ta đang ứng xử “thô bạo” khi tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích. Ngoài ra, người ta nghi ngờ xuất hiện những nhóm lợi ích đã khiến công việc trùng tu thành những dự án “hái ra tiền”?
- Hầu hết việc trùng tu di tích đều có vốn từ ngân sách và được khuôn vào các dự án. Mà đã là dự án thì có nhà đầu tư và các nhà thầu tham gia đấu thầu. Điều sai lầm đầu tiên trong hành trình đối xử “thô bạo” với di tích, theo tôi, là việc thiếu đưa ra yêu cầu nhà thầu là phải có trình độ, chuyên môn trong việc trùng tu. Vì thế nên “hầm bà làng” các nhà thầu đủ loại vào đấu thầu. Biến dự án trùng tu di tích đáng lẽ phải là một dự án đặc biệt cần nhà thầu có tay nghề, thành dự án bình thường với nhà thầu bất kì nào trả giá rẻ nhất. Và trong việc chọn nhà thầu hiện nay đang diễn ra vấn nạn “lợi ích nhóm”, “thông thầu”, “đi đêm lại quả giữa nhà thầu và chủ đầu tư” là khá phổ biến. Đó chính là vòng tròn khép kín tạo ra sự “thô bạo” đối với công trình cần trùng tu.
Những hành xử chưa đúng đắn không chỉ biến di tích trăm tuổi thành 1 tuổi mà dường như họ đã thúc đẩy nhanh quá trình “xóa ký ức” của nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ. Lỗi ấy thường lặp đi lặp lại, có phải là do chúng ta chưa xử lý mạnh tay, quyết liệt, hay do chúng ta đang thiếu những chuyên gia được đào tạo nghiêm cẩn trong lĩnh vực tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa thưa ông?
- Trong điều 34 của Luật Di sản văn hóa ghi rõ: “Việc bảo quản, tu bổ và thu hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải đàm bảo đúng nguyên gốc của di tích”. Nhưng đáng tiếc trong việc thực hiện nhiều dự án trùng tu đều không tuân thủ theo điều 34 của Luật Di sản văn hóa mà Quốc hội đã ban hành từ 2001. Chọn nhà thầu tùy tiện, trong quá trình thi công lại chạy theo tiến độ. Sự thiếu chuyên môn trong thi công, trong giám sát đã đẩy nhanh “tiến độ” hiện đại hóa một cách thô thiển di tích. Tôi từng biết khi trùng tu tháp Ponaga ở Nha Trang (Khánh Hòa), chuyên gia Ba Lan thận trọng gỡ từng đường mạch xây, từng viên gạch với sự tính toán chuẩn xác tỉ mỉ để đảm bảo nguyên gốc di tích.
Và trước mọi sai lầm trong trùng tu di tích dường như chỉ là lời nhận sai lầm và rút kinh nghiệm mà chưa có sự trừng phạt thỏa đáng của pháp luật. Phải chăng đây chính là môi trường dung dưỡng cho sự thô bạo trong trùng tu, chỉnh trang di tích trong thời gian dài và cho đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Điều ông nói khiến tôi nhớ tới chuyện các bô lão trong Ban Khánh tiết đình Chèm (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong buổi làm việc mới đây với đoàn thanh tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã nghiêm ngắn “nhận lỗi” và “xin rút kinh nghiệm” sau khi đã thẳng tay chặt hạ gốc đa gần 30 năm tuổi trước nghi môn đình Chèm. Tôi biết, nhà văn Nguyễn Hiếu là người con của vùng đất Chèm, lại là người có nhiều tác phẩm về vùng đất này, ông nhìn nhận cách ứng xử qua việc trùng tu, tôn tạo đang được thực hiện ở Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm có điều gì bất cập?
- (Cười buồn) Thoạt đầu, tôi thực sự bất bình khi trong quá trình trùng tu, Ban Khánh tiết đình Chèm cho chặt cây đa trước cửa đình, nhưng khi được biết đó là cây đa Ấn Độ mới được trồng vào quãng năm 1998 và đang bị nghiêng vào nghi môn, có nguy cơ xâm hại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, thì tôi nguôi ngoai đi phần nào và bùi ngùi chấp nhận.
Nhưng khi tận mắt chứng kiến cách trùng tu ở đình Chèm hiện nay, nhất là hạng mục nâng bậc nghi môn với lối bóc các phiến đá, rồng đá cổ theo lối gỡ bỏ và xây trát thông thường “đúng tiến độ“ đã biến sân giữa nghi môn ngoại và nghi môn nội thành một bãi tan hoang, đổ nát thì tôi chợt hiểu. Từ việc chặt cây đa cho đến việc tu sửa các hạng mục từ Ban Khánh tiết, quản lý trùng tu cho đến những người thợ đều vẫn mắc căn bệnh kinh niên khi thực hiện dự án trùng tu là không những thiếu chuyên môn mà thiếu cả sự yêu quý, tôn trọng đối với di tích đình Chèm - một di tích quốc gia đặc biệt - một công trình đã từ lâu không chỉ đã trở thành ký ức, tạo cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật mà đã thành công trình, kỷ vật thân yêu trong máu thịt không chỉ của con dân Chèm, vùng kinh thành Thăng Long và Đại Việt ta.
Trân trọng cảm ơn ông!