Quang Tuấn: Sợ độ cao, vai Thành trong 'Bóng đè' là thử thách
Nhân vật Thành trong bộ phim "Bóng đè" đã đánh thức một khía cạnh tâm lý mới ở Quang Tuấn so với kho nhân vật từ trước tới giờ của điện ảnh Việt. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết Online về quá trình quay phim, Quang Tuấn tiết lộ anh là người sợ độ cao, vai Thành trong “Bóng đè” lần này là thử thách.
Vai Thành – ông bố đơn thân trong “Bóng đè” là thử thách
PV:“Bóng đè” hiện đang nhận được phản hồi tốt từ khán giả, anh cảm thấy như thế nào?
- Diễn viên Quang Tuấn: Bản thân Tuấn cảm thấy rất vui và hân hoan khi được khán giả đón nhận. Không chỉ riêng vai Thành trong phim “Bóng đè” mà bất kể vai diễn nào của Quang Tuấn được khán giả đón nhận, mình đều cảm thấy rất hạnh phúc.
Anh lấy chất liệu từ đâu cho vai diễn ông bố đơn thân trong “Bóng đè”?
- Từ khi Quang Tuấn bắt đầu chạm ngõ điện ảnh, khán giả luôn nghĩ mình sẽ vào những vai phản diện, tâm lý bất ổn, thậm chí giết người. Tuy nhiên, việc hóa thân thành ông bố đơn thân trong “Bóng đè” lần này lại kích thích Quang Tuấn, giúp mình khám phá ra nhiều điều mới mà trước đây chưa bao giờ Quang Tuấn nghĩ mình có thể làm được.
Vai diễn ông bố đơn thân trong “Bóng đè” lần này đòi hỏi về chiều sâu tâm lý, những khía cạnh của đời sống bên trong mỗi con người khác xa so với kho nhân vật từ trước tới giờ mà Quang Tuấn từng may mắn có cơ hội được thử sức.
Khi đảm nhận vai Thành, Quang Tuấn phải học thêm nhiều những kỹ năng về tâm lý, võ thuật, cầm dao bằng tay trái… để bổ trợ, hoàn thành những cảnh quay theo yêu cầu của kịch bản, của đạo diễn.
Vai Thành trong “Bóng đè” còn đòi hỏi chiều sâu về nội tâm, về tình cảm của ông bố đơn Thành dành cho 2 người con của mình. Đặc biệt, trong phim, Quang Tuấn được làm ba của Lâm Thanh Mỹ và Cát Vi – 2 cô bé rất xinh xắn, dễ thương.
Khi nhận dự án, Quang Tuấn chưa được làm cha ngoài đời. Lúc thực hiện dự án thì vợ Tuấn đang có thai. Bên cạnh việc tự tìm tòi và học hỏi cách làm cha, mình tìm hiểu và hỏi ý kiến từ một số đạo diễn từng hợp tác như Nguyễn Đức Hiếu, Vũ Trường Khoa - những người đã có con. Các anh tâm sự chuyện đi quay xa nhà và nhớ gia đình thế nào.
Tất cả những chất liệu trên đã cho ra đời một ông bố đơn thân trong bộ phim “Bóng đè”.
Vai diễn lần này thử thách, kích thích anh điều gì?
- Thật ra khi nhận kịch bản phim “Bóng đè” thì mọi người cứ nghĩ đây là một bộ phim kinh dị, ma mị, tâm linh. Tuy nhiên, theo cảm nhận riêng của Quang Tuấn, phim có yếu tố về gia đình về xã hội, những vấn đề xoay quanh cuộc sống được thể hiện qua từng tình tiết bộ phim.
Theo cách cảm của riêng bản thân Quang Tuấn, chúng ta lớn lên, chúng ta vào đời có đôi khi chúng ta quan tâm người ngoài còn hơn cả người thân trong gia đình của mình. Lúc nào mình cũng nghĩ là gia đình là nơi để về, dù vui hay buồn. Thế nhưng, cuộc sống không phải như vậy. Giống như nhân vật Thành của Tuấn, ra ngoài bươn chải, mưu sinh, lăn lộn kiếm tiền và mục đích cuối cùng của Thành cũng chỉ để cho vợ và con có cuộc sống ấm no, vui vẻ hơn.
Chính vì vậy, Quang Tuấn nghĩ rằng trong gia đình, mọi người cần thiết phải quan tâm nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất, chính những hành động đấy là chất liệu giúp gắn kết tất cả các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Có kỷ niệm nào khi quay “Bóng đè” khiến anh nhớ mãi không quên?
- Với riêng bộ phim “Bóng đè”, bản thân Quang Tuấn có rất nhiều kỷ niệm không thể quên.
Song có lẽ cảnh quay khiến Tuấn ám ảnh mãi đấy là cảnh bị ngã từ trên tầng xuống đất. Là người sợ độ cao, tôi thấy hai bàn chân tê cứng khi đứng trên đó, tay chân run cầm cập. Sợi dây bảo hộ trông rất nhỏ và sờn như sắp đứt. Đạo diễn cũng nhìn thấy sự hoang mang trong mắt tôi. Tôi xin đạo diễn Lê Văn Kiệt cho đóng thế nhưng không được, phải thực hiện năm, sáu lần mới xong.
Còn có một cảnh quay nữa ám ảnh không kém đấy là cảnh ở trong lều. Bởi khi quay xong, bé Mỹ và bé Vi quay sang nói với Tuấn, nhìn thật thật sao ấy, vì cảm thấy quá ấm áp. Lúc đấy, Quang Tuấn chỉ biết nghĩ về gia đình của mình.
Từ diễn viên kịch rồi đóng phim truyền hình và bây giờ là lĩnh vực điện ảnh. Mỗi lĩnh vực chắc chắn sẽ có những thú vị riêng với anh?
- Ngày xưa Quang Tuấn tham gia đóng phim truyền hình nhiều và chưa bao giờ nghĩ sẽ tham gia đóng kịch. Tuy nhiên, sau khi thử sức với vai diễn đầu tiên trong vở “Lầu hoang”, lúc đấy Tuấn rất hồi hộp, tay chân lóng ngóng, không biết phải diễn như thế nào cho phù hợp. Tuy nhiên, Quang Tuấn may mắn vì được anh chị và đồng nghiệp hướng dẫn nên vai diễn hoàn thành khá tốt.
Khi hoàn thành xong vai diễn, Tuấn bước xuống bục cầu thang và nhận được lời cảm ơn từ đôi vợ chồng trung tuổi vì đã cho họ sống lại khoảng thời gian tươi trẻ. Chính vì câu nói này khiến Quang Tuấn cả đêm không ngủ được, nhờ đó mà Tuấn nhận ra kịch cũng có điểm thu hút riêng đối với khán giả.
Nếu như điện ảnh cần tư duy thì kịch cần một chút ngẫu hứng đôi khi là nhiều hơn yêu cầu của kịch bản. Đến bây giờ, Quang Tuấn cố gắng dung hòa 2 thể loại bằng cách mượn một chút yếu tố của kịch để bù đắp cho điện ảnh và ngược lại.
Cho đến bây giờ, khi tham gia các dự án điện ảnh hay truyền hình, Tuấn đều mang một chút màu sắc của kịch và dường như chất riêng đó đã ăn sâu vào lối diễn của Quang Tuấn.
“Biết ơn vì vợ hi sinh”
Đam mê với nghề diễn của anh xuất phát từ đâu?
- Đam mê diễn xuất của Tuấn xuất phát từ ba, từ việc ngày nhỏ được theo ba đi xem phim chiếu trên video, nhờ những lần theo ba đi xem phim mà đam mê với nghề diễn trong Tuấn cứ lớn dần. Thậm chí, lúc đấy Quang Tuấn còn ao ước giá mà mình có thể làm được như những nhân vật trong phim.
Bẵng đi một thời gian, lớn lên Tuấn chọn học trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại thì bạn của Tuấn mới rủ mình thi vào trường Sân khấu. Cứ thế, đây chính là sợi dây đưa Quang Tuấn đến gần hơn với nghề diễn, cho đến bây giờ đã gần 15 năm Quang Tuấn gắn bó với nghề.
Bận rộn với công việc diễn xuất, vợ của anh – ca sĩ Linh Phi hỗ trợ anh ra sao?
- Vợ luôn theo sát và kiêm luôn quản lý của Quang Tuấn. Nhờ có vợ mà mọi việc được sắp xếp ổn thỏa, đâu vào đấy. Quang Tuấn biết ơn vợ vì đã hy sinh và chấp nhận lùi về phía sau để giúp mình phát triển sự nghiệp.
Ngoài đời, anh làm gì để giữ lửa gia đình?
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất để giữ lửa gia đình đấy là cả 2 phải nhìn về một hướng để vun đắp. Dù bận rộn, tôi luôn tranh thủ thời gian giúp vợ việc nhà, chăm con. Gần hai năm trước, vợ mang thai trùng dịp giãn cách xã hội nên cả gia đình phải ở nhà. Quang Tuấn có nhiều thời gian chăm sóc vợ con, đến tận khi bé Gạo hơn một tuổi. Ngủ dậy, mình phụ vợ thay tã. Đêm đến lại thay tã cho con ăn để vợ được nghỉ ngơi cho nhiều sữa. Được ở gần vợ và phụ vợ công việc nhà khiến tôi càng cảm thấy yêu vợ nhiều hơn.
Trong suốt 15 năm theo đuổi nghề diễn, Quang Tuấn gửi gắm điều gì qua mỗi vai diễn?
- Có thể nói, trong suốt 15 năm theo đuổi nghề diễn, chưa có điều gì làm Tuấn tiếc nuối. Nói như vậy, có nghĩa là tình yêu với nghề diễn trong Tuấn rất lớn. Khi Tuấn nhận kịch bản về nhân vật của mình, Tuấn đều xem thông điệp muốn gửi gắm sau đấy để gửi gắm đến khán giả, điều đấy là điều quan trọng nhất. Trong mỗi vai diễn, Tuấn luôn cố gắng, nỗ lực để thể hiện cái hồn của nhân vật. Đặc biệt là diễn viên thì không được đưa cái tôi của mình vào nhân vật. Chính vì vậy, mỗi vai diễn, Tuấn đều mong muốn mang đến một hình ảnh khác biệt đi, hoàn thiện hơn so với trước.
Cảm ơn Quang Tuấn đã chia sẻ!