Cột đá thề trên đỉnh Nghĩa Lĩnh
Trên sân điện Kính Thiên ở núi Nghĩa Lĩnh (Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, Phú Thọ) có một cột đá mã não cao gần 3 mét, đường kính gần hai người ôm, có bệ đỡ đắp đá vòng trụ rộng mấy mét vuông. Mặt trước cột đá hướng ra sân điện.
1.Tiết trời có gió nàng Bân tháng Ba. Hàng trăm sinh viên đến từ Học viện Tài chính Hà Nội và Đại học Hùng Vương Phú Thọ đang nối nhau lên đền Thượng, cùng chắp tay bước lên cửa điện. Cạnh đó là cột đá mô phỏng lời thề gìn giữ non nước từ ngàn xưa của Thục Phán An Dương Vương. Ngọc phả ghi chép lời thề của vua Thục Phán được lưu giữ không chỉ trong huyền sử từ thuở khép lại thời kỳ Hùng Vương, hẳn mãi khắc sâu trong tâm khảm con Lạc cháu Hồng quyết chí giữ lấy cơ nghiệp nhà Hùng qua hai ngàn năm dựng và giữ nước. Tiếc rằng, câu chuyện về cột đá thề của vua Thục Phán thuở xưa đã tỏ nghĩa từ sách giáo khoa, chuyện cột đá ngày nay được xây dựng đặt trên đền Thượng lại ít được ai nhắc đến.
Cột đá thề nguyên gốc ở Đền Hùng từ lâu đã không còn. Ngàn năm đô hộ nước Nam, giặc phương Bắc đã cướp đi, và cả tàn phá, rất nhiều tài sản quý của nước ta - nhà sử học Nguyễn Tiến Khôi (nguyên Giám đốc Khu di tích Đền Hùng) khẳng định. Cột đá hiện nay mà khách hành hương nhìn thấy khi lên đền Thượng được dựng lên nhờ kinh phí, tâm sức của con Lạc cháu Hồng thời nay, nhằm mô phỏng cột cũ trong truyền thuyết.
2.Hàng mấy mươi năm, nhân dân đi lễ Đền Hùng thường thấy trên sân điện Kính Thiên có một cột đá hình chữ nhật chỉ cao hơn mét, trên có một lỗ khoét, lại có những vết trát xi măng loang lổ. Người am tường về Đền Hùng và truyền thuyết thời Hùng Vương thì hiểu rằng đó là cột đá thề của Thục Phán An Dương Vương, nhưng cũng chỉ là bản mô phỏng chứ không phải cột đá nguyên gốc. Cách đây chục năm, sau khi Đền Hùng được Nhà nước và nhân dân tu bổ sửa sang rất đẹp như ngày nay, cột đá được thay mới. Đã có những lời thị phi bóp méo quanh cột đá thề mới dựng, thậm chí có thông tin cho rằng, cột đá thề là nơi các vị vua Hùng ngày xưa làm lễ để cầu quốc thái dân an, rằng cột đá phát ra linh khí đặc biệt có thể chữa bệnh, rằng việc di dời cột đá này là vi phạm Luật Di sản. Hành vi di dời cột đá thề là phá hoại di tích lịch sử, cần phải xử lý trách nhiệm…
Nhà sử học Nguyễn Tiến Khôi cho hay, những lời lẽ đó là hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc lịch sử. Sử sách chép về thời đại Hùng Vương có nhiều tài liệu giá trị, trong đó ghi rõ “Vua Hùng đời thứ 18 là Hùng Duệ Vương không có con trai, đã có ý định nhường ngôi cho con rể là Tản Viên. Tản Viên bèn dâng ý lên Vua Hùng rằng nên nhường ngôi cho tướng quân lãnh địa Âu Việt, tức Thục Phán, một thủ lĩnh ở vùng lãnh địa rộng lớn miền Bắc”. Từ đó cuộc chiến hai nhà Hùng – Thục tranh giành lãnh địa từng kéo dài, và từng khiến bao dân lành đổ máu, đã chấm dứt. Thục Phán thể hiện có tài năng, đức lễ khi ấy đang được dân chúng bộ lạc quanh vùng tin theo.
Thục Phán lên ngôi, cảm kích tấm lòng của Hùng Duệ Vương nhường ngai, đã dựng một cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, đứng trước cột đá mà thề từ nay sẽ cùng quân dân quyết bảo vệ, gìn giữ và xây dựng cơ nghiệp nhà Hùng bền vững trường tồn. Sau đó dời đô về Cổ Loa (Hà Nội ngày nay) lấy hiệu An Dương Vương, tên nước đổi là Âu Lạc.
Ngọc phả cổ truyền về 18 đời Thánh vương triều Hùng có viết Thục Phán An Dương Vương cảm kích việc nhường nước của Vua Hùng, bèn cử giá đến núi Nghĩa Lĩnh lập đền đài lấy làm nơi thờ tự của nước, dựng cột đá giữa núi chỉ lên trời mà khấn rằng “Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét không bao giờ sai, nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi mãi, nếu về sau các vua kế trị mà trái ước bội thề, thì búa trăng rìu gió sẽ trừng phạt để không phụ lời thề của người đời trước…”.
Như vậy, cột đá thề ra đời sau tất cả các đời Vua Hùng. Không thể có chuyện các đời Vua Hùng từng đứng trước cột đá này mà thề với non sông, giang sơn thuở ấy. Năm 1968, các nhà nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương, và Nhà nước đã thực hiện ý nguyện của Bác Hồ về việc tu sửa Đền Hùng, trong đó có ông Lê Tượng (từng là Trưởng ban quản trị Đền Hùng giai đoạn 1968 -1976) tìm thấy những cột đá cổ của một ngôi miếu nhỏ nằm bên vách núi gần khu vực Đền Thượng, đã lấy một trong những cột đá đó, cho tôn tạo mô phỏng cột đá thề xưa, và đặt cột đá này ở phía bên trái sân điện Kính Thiên với ý nghĩa tượng trưng nhằm răn dạy con cháu về ý thức xây dựng, bảo vệ non sông và tri ân tiên tổ.
3.Cây có cội, nước có nguồn. Một dân tộc từng chịu nhiều đau thương mất mát qua bao cuộc chiến tranh vẫn đoàn kết nhau gìn giữ và xây dựng giang sơn Việt do tiên tổ để lại, chăm đắp và tri ân Vua Hùng có công dựng nước. Toàn bộ cơ ngơi các đền ở Đền Hùng mãi đến thế kỷ 13-14 mới được nhân dân ta xây dựng lại, và cũng mãi tận những năm gần đây mới được tu sửa bằng công sức, tâm sức, vật chất của cả nước để có được diện mạo quần thể Đền Hùng như ngày nay, trong đó phải đáng kể đến công lao của tỉnh Phú Thọ.
Cục Di sản (Bộ VHTTDL) từng có ý kiến thay bỏ cột đá này khi nó bị nước mưa bào mòn và có vết xi măng trát trông quá xấu, hơn nữa đó cũng không phải là cột đá thề từ ngàn năm trước theo truyền thuyết. Sau đó, Bộ chủ quản đã đồng ý cho Phú Thọ lập dự án tìm một cột đá khối tự nhiên thật quý phải đạt nhiều tiêu chí - trường tồn, chất liệu quý, có tính dân tộc (có nguồn gốc ở Việt Nam chứ không phải từ nước ngoài), thẩm mỹ cao, kích thước phù hợp cảnh quan ở Đền Thượng, cân đối với bệ, và quan trọng nhất là toát lên được thần thái sâu sắc của lời thề xưa...
Công ty Mỹ thuật Trung ương được giao xây dựng dự án, thiết kế, sưu tầm và trưng bày lấy ý kiến về “cột đá thề”, từng nhiều lần mang mấy cột đá ra trưng bày nhưng đều không được Bộ, Cục Di sản và người xem chấp thuận. Điều đó cũng cho thấy chúng ta rất có trách nhiệm, rất cẩn trọng việc này, nhất là đối với một khu di tích đặc biệt.
May thay, cũng là tâm ý thành kính của con Lạc cháu Hồng, năm 2009 ông Lê Mạnh Tuấn (hội viên Hội Di sản Việt Nam, chuyên sưu tầm, nghiên cứu kỳ thạch, người có hơn 1.000 tác phẩm đá trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long) đã góp công tìm được một khối đá mã não cao 2,6 mét từ vùng Tây Bắc của Thanh Hóa, đáp ứng được những tiêu chí nói trên. Khối đá nặng nhiều tấn sau ba tháng liền kéo lên Đền, có ngày chỉ kéo được vài ba mét rất nhọc nhằn trong thời tiết mưa rét, được trang trọng làm lễ rồi đặt lên sân Đền Thượng đúng vị trí cột đá thề theo truyền thuyết xưa mô phỏng lời thề bất tử, mà bây giờ khách hành hương có thể thấy ngay khi lên Đền.
Cột đá thề nguyên gốc ở Đền Hùng từ lâu đã không còn. Ngàn năm đô hộ nước Nam, giặc phương Bắc đã cướp đi, và cả tàn phá, rất nhiều tài sản quý của nước ta, nhà sử học Nguyễn Tiến Khôi (nguyên Giám đốc Khu di tích Đền Hùng) khẳng định. Cột đá hiện nay mà khách hành hương nhìn thấy khi lên đền Thượng được dựng lên nhờ kinh phí, tâm sức của con Lạc cháu Hồng thời nay, nhằm mô phỏng cột cũ trong truyền thuyết.