Kể từ khi dịch bệnh Covid -19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam cũng là lúc trên nhiều tuyến đường Hà Nội xuất hiện những điểm bán hàng mang danh nghĩa “giải cứu” nông sản, lấn chiếm lòng đường vỉa hè khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, trên vỉa hè, dưới lòng đường hàng loạt trục giao thông có mật độ cao như: Tố Hữu, Nguyễn Xiển, Trường Chinh, Giải Phóng… bỗng chốc trở thành điểm tập kết, mua bán nông sản đang được gắn mác “giải cứu”. Đáng nói, trên tuyến đường Giải Phóng những xe nông sản này, dừng đỗ rất tùy tiện kể cả khu vực có biển cấm, bất chấp nguy hiểm, gây mất ATGT. Người dân ùn ùn tới mua khiến khung cảnh giao thông hỗn loạn các khu vực trung tâm TP trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Nhiều mặt hàng nông sản được bày bán tràn lan trên đường Nguyễn Xiển, khiến người dân không còn vỉa hè để di chuyển. Việc người dân tràn xuống vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Ông Ngô Thanh Tuấn trú tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “ Tại nơi đây, nhiều tiểu thương bày bán dưa hấu, mít, sầu riêng, dừa…tràn lan trên vỉa hè, chắn hết lối đi bộ trên đường Nguyễn Xiển. Hầu hết, cứ vài m2 lại có một đoạn vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng, khiến cả đoạn đường nơi đây đang trở nên bừa bộn”. Để tìm hiểu kỹ ,đây có phải là mặt hàng nông sản cần phải “giải cứu” của người nông dân hay không? PV đã vào vai người mua hàng, đề nghị mua hàng với số lượng lớn nhưng khi yêu cầu xem các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm dưới mác “giải cứu” thì đều bị các tiểu thương từ chối. Việc "giải cứu" nông sản rõ ràng đã góp phần nào giúp cho người nông dân tiêu thụ được một phần hàng hóa ế ẩm do không thể xuất khẩu được… nhưng, việc lợi dụng mác “giải cứu” nhiều người đã qua chợ đầu mối lấy hàng về bày bán tràn lan trên vỉa hè, lòng đường của người đi bộ cần phải được xử lý triệt để. Anh Nguyễn Văn Hải trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Hàng ngày, tôi gặp rất nhiều điểm giải cứu nông sản bày bán tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường. Có không ít thương lái lợi dụng việc “giải cứu” để tiêu thụ những mặt hàng nông sản chất lượng không tốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người”. Tại ngõ 120 Trường Chinh các mặt hàng nông sản được bày bán tràn lan, không một kẽ hở trên vỉa hè. Suốt nhiều tháng qua người dân sinh sống tại đây bức xúc khi lối đi bộ bỗng biến thành nơi "giải cứu" nông sản. Vì vậy, nếu thực sự đây là những điểm “giải cứu” nông sản thì đó những hành động nhân văn, hỗ trợ tương ái đồng bào khi các mặt hàng nông sản không xuất khẩu được. Còn nếu những điểm bán hàng "ăn theo" thì cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý triệt để đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Lê Khánh