Giải 'cơn khát' nhân lực du lịch

Minh Quân-Nguyễn Quốc 04/04/2022 06:30

Với việc 70% nguồn nhân lực nghỉ việc do Covid-19, du lịch Việt Nam đang gặp khó khăn lớn trong việc huy động nguồn lao động của ngành quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhiều năm qua vẫn là khoảng trống chưa được bù lấp.

Nhân lực du lịch vẫn là bài toán khó giải. Ảnh: Quang Vinh

Lao đao nguồn lực

Theo Bộ VHTTDL, sau 2 năm chịu ảnh hưởng Covid-19, đa số các doanh nghiệp du lịch không hoạt động dẫn đến việc người lao động du lịch bị ảnh hưởng về việc làm. Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì bộ khung với số lượng rất nhỏ nhân viên, còn lại cho nghỉ việc, chờ việc. Năm 2020, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch đã lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Với nguồn lực giảm mạnh, du lịch Việt Nam ngay sau khi mở cửa trở lại vào ngày 15/3 đã gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị lữ hành cho biết, phần lớn nguồn nhân lực vì cuộc sống đã chuyển đổi sang nghề khác, nay mở cửa có người quay lại nhưng nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn nên nên không muốn quay lại ngành.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, với những khó khăn của ngành du lịch trong thời gian qua việc người lao động chuyển đổi nghề là điều dễ hiểu. Cũng theo ông Bình, trước khi Covid-19 xuất hiện chúng ta đã trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Ngay trong lúc du lịch phát triển thịnh vượng nhất năm 2019 cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề khi phát triển quá “nóng”, không có định hướng rõ ràng, không có hệ thống quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ... “Khi dịch Covid-19 xuất hiện, lực lượng lao động nói riêng và ngành Du lịch nói chung thê thảm hơn rất nhiều, nay còn thiếu nhân lực trầm trọng” - ông Bình nói.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty TMDV Dân chủ Hà Nội Nguyễn Hồng Hải cho biết, có tới 80% nhân lực trong ngành khách sạn không có việc làm, thu nhập xuống rất thấp, số lượng nhân viên phần lớn nghỉ việc, làm luân phiên. Tình trạng trên dẫn tới những lỗ hổng lớn về nhân lực của ngành. Khách ít, hoạt động cầm chừng khiến các kỹ năng, quy chuẩn bị ảnh hưởng. Có một thực trạng nữa là rất nhiều người được đề nghị quay lại làm trong các cơ sở lưu trú đã đặt ra yêu cầu tăng lương. Đây là một trong những rào cản lớn với các cơ sở lưu trú. Hà Nội hiện có 12 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, nhiều nơi thiếu hụt các vị trí lao động nên việc tuyển dụng hết sức khó khăn và cạnh tranh quyết liệt.

Cần giải pháp căn cơ

Không chỉ thiếu hụt về nguồn nhân lực lành nghề, vấn đề đào tạo nhân lực trẻ bổ sung cho ngành du lịch cũng gặp khó khăn. Hầu hết các đơn vị lưu trú thì chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo. Với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... hầu hết đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo.

Du lịch Thừa Thiên-Huế khởi sắc.

PGS.TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào đạo du lịch (Hiệp Hội Du lịch Việt Nam) nhìn nhận, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch còn nhiều bất cập, chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. Một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không áp dụng sát tính thực tế trong quá trình giảng dạy với sinh viên. Từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực du lịch.

Về vấn đề này, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, cần rà soát, đánh giá thực trạng để có giải pháp phù hợp, xem nhân lực du lịch của ta đang nằm ở đâu so với khu vực và thế giới. Có hay không mời lại lực lượng có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc cho các lao động sau thời gian dài tạm dừng công việc? Ông Thủy cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch thời gian tới.

“Hiện nay chất lượng đào tạo đang có một số vấn đề mà rèn luyện kỹ năng là khó khăn nhất, nhất là khi sinh viên học online. Chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo nhưng chủ yếu là đào tạo sinh viên chứ chưa đào tạo cho người lao động” - ông Thủy bày tỏ.

Tuy nhiên, trong khó khăn chung đó cũng có điểm sáng. Đó là du lịch Thừa Thiên-Huế đang trên đà phục hồi sau 2 năm bị “đóng băng”. Tính đến hết tháng 3/2022, lượng khách đến Thừa Thiên-Huế là hơn 300.000 lượt người.

Ông Trần Hữu Thùy Giang - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đây là tín hiệu rất mừng. Để thu hút du khách đến với địa phương, bên cạnh Festival Huế 2022 sẽ được tổ chức trong năm nay với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hấp dẫn, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đã, đang và sẽ triển khai nhiều chương trình, xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đáng chú ý, Phố đêm Hoàng thành Huế dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào ngày 22/4 tới với các hình thức giao lưu văn hóa cộng đồng, khám phá ẩm thực Huế hấp dẫn.

Hà Nội chuẩn bị chuỗi sự kiện kích cầu du lịch

Từ ngày 13 đến 15/5, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” diễn ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến ban tổ chức sẽ xây dựng các khu không gian chung, gian hàng các tỉnh thành, gian hàng du lịch, không gian ẩm thực, làng nghề. Trong đó, khu không gian chung sẽ thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội tại khu vực phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ và các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch. Khu gian hàng các tỉnh, thành giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương tại phố Đinh Tiên Hoàng. Khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương.

Tại không gian lễ hội sẽ bố trí các gian hàng và quầy du lịch giới thiệu các sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay. Ẩm thực Hà Nội sẽ giới thiệu món ăn, đặc sản tại khu vực nhà Bát Giác. Song song với hình thức triển lãm và giới thiệu, bán sản phẩm trực tiếp, sẽ triển khai trang web quảng bá du lịch Hà Nội và bán sản phẩm du lịch nền tảng công nghệ trực tuyến để giới thiệu, bán sản phẩm của các đơn vị du lịch tham gia Lễ hội. Sân khấu chính tại tượng đài Lý Thái Tổ là nơi tổ chức lễ khai mạc, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn kỹ thuật chế biến món ăn... để thu hút du khách. Các công ty lữ hành cũng sẽ giới thiệu tới du khách các điểm đến, tour du lịch như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa lò và các địa phương có tiềm năng du lịch ngoại thành như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Sơn Tây...

Minh Quân-Nguyễn Quốc