Giải tỏa áp lực bủa vây
Kể từ ngày 9/4/2022, Thông tư 12 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chính thức có hiệu lực.
Về hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch, Thông tư nêu rõ: Quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Lâu nay, nhân lực ngành du lịch vẫn là được đánh giá là vừa thiếu, vừa yếu. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tới khi dịch được kiểm soát, mở cửa hoàn toàn trở lại (kể từ ngày 15/3/2022) thì việc này lại càng rõ hơn. Gần đây, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải bằng nhiều cách đăng tin, quảng cáo tuyển nhân lực. Thế nhưng, sự nỗ lực này hiệu quả không được bao nhiêu khi người ứng tuyển rất ít. Đại diện Công ty Image Travel & Events chia sẻ, sau dịch việc tuyển dụng nhân sự phục vụ cho khách thị trường nội địa thực sự khó khăn. Còn mảng quốc tế, công ty gọi lại các nhân sự cũ trước đây, nhưng những cái gật đầu quay lại cũng rất ít. Lý do chính là do dịch kéo dài hơn 2 năm khiến nhiều người đã bỏ nghề du lịch để tìm việc làm khác và nay đã ổn định. “Áp lực thiếu nhân sự đang bủa vây doanh nghiệp du lịch”- vị này nói.
Thực tế cho thấy, hiện không chỉ thiếu nhân sự cho bộ phận lữ hành, mà nhà hàng, khách sạn cũng khát nhân lực, kể cả đã mời gọi bằng cách tăng thu nhập. Cũng vì thế mà không ít doanh nghiệp du lịch đã phải thay đổi chính sách tuyển dụng để thu hút nhân lực: Không chỉ tuyển những nhân sự có kinh nghiệm, kỹ năng mà còn tuyển cả nhân sự chưa có kinh nghiệm và chấp nhận đào tạo.
Trong bối cảnh ấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động (1,5 triệu đồng/người/tháng, trong vòng từ 3 đến 6 tháng) là rất kịp thời.
Đây là việc làm “chưa có tiền lệ” nhưng lại sát hợp với thực tế, để bù lấp lỗ hổng của ngành du lịch về nhân lực trước mắt, nhất là khi du lịch đang được coi là “lĩnh ấn tiên phong” khôi phục và phát triển kinh tế khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát về cơ bản.
Theo thống kê, mỗi năm ngành Du lịch cần đến 40.000 lao động, tuy nhiên, nguồn lực cung cấp cũng chỉ được một nửa, trong đó chủ yếu là trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Vẫn biết đó là “tầm nhìn ngắn hạn” nhưng để có “tầm nhìn dài hạn” thì không hề dễ chút nào. Nhất là khi phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì lỗ hổng nhân lực lại càng bộc lộ. Làm du lịch quốc tế nhưng không nhiều người nắm vững kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học cũng như nền tảng văn hóa, lịch sử. Chuyên gia trong ngành Du lịch cho biết, ở khối doanh nghiệp tư nhân có nơi đến 80% nhân lực chưa qua đào tạo chuyên sâu về du lịch.
Vì vậy, với sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí đào tạo nhân lực, trước mắt ngành Du lịch cần khẩn trương triển khai như một giải pháp tình thế cần thiết. Tuy nhiên về lâu về dài không thể yên tâm với nguồn nhân lực hiện có, bởi nếu nhân lực yếu sẽ là trở ngại để phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhất là với khối doanh nghiệp tư nhân, nếu vẫn giữ tư duy “bóc ngắn, cắn dài” và tự bằng lòng với hiệu quả kinh doanh đã có thì không thể nâng tầm vóc lên được, trong khi điều kiện phát triển du lịch ở nước ta là rất tiềm tàng cũng như đòi hỏi chất lượng du lịch sẽ ngày càng cao.