Độc đáo nghề 'ăn ong' ở U Minh Hạ
Nghề gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề truyền thống từ thuở các bậc tiền nhân khai hoang giờ đây trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách gần xa với hành trình trải nghiệm “ăn ong” độc đáo.
Thời điểm này, những khu rừng tràm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa lấy mật, hay còn gọi là mùa “ăn ong", đặc biệt là ở rừng quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau - nơi có những khu rừng tràm bạt ngàn xanh tốt quanh năm.
Theo cư dân ở đây, nghề gác kèo ong ra đời từ khi nào không ai nhớ rõ, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh. Hàng năm, khi hoa tràm nở rộ thì nhiều đàn ong mật bay về làm tổ, những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong, và nghề gác kèo ong ra đời như vậy.
Chúng tôi theo chân theo chân anh Phạm Duy Khanh người quản lý điểm du lịch dựa vào cộng đồng Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời trải nghiệm nghề này. Anh Phạm Duy Khanh năm nay 38 tuổi nhưng đã có đến 20 kinh nghiệm làm nghề lấy ong.
"Em xuống dưới này mới có 15 tuổi, Chỗ miếu Thần Rừng mà các anh thấy ở phía trước đó không biết có từ bao giờ. Ban đầu, thấy có ly hương nhỏ, rồi sau đó anh em gom góp chi phí mỗi người một ít đến thời điểm này dựng lên miếu lần thứ 3 hay thứ 4 gì rồi. Em cũng thường thấy những anh em, chú bác đi rừng hoặc làm nghề rừng thì thường hay ghé miếu ông Thần Rừng thắp 1 nén nhang để phồ độ cho anh em mạnh tay, khỏe chân để khỏe mạnh đi rừng, có những lần đi rừng thì thường thấy anh em ghé đó để thắp nhang”, anh Khanh cho biết.
Theo anh Khanh chia sẻ, khi mới xuống thấy ong ở khu vực nhiều lắm nhưng không biết lấy, ở rừng toàn là ong và ong mật lấy bán rất nhiều tiền nên em đeo đuổi nghề này khoảng 3 – 4 năm sau mới biết lấy được 1 – 2 ổ ong. Vài năm sau, thấy chú bác gác kèo ong dễ quá nên anh em của em bắt đầu gác kèo ong. Lúc ban đầu chỉ 5 – 10 cây kèo, do có diện tích lớn nên nâng lên thành mấy trăm cây và hiện nay đã gác hàng ngàn cây rồi.
“Ở rừng, ong được xem là nguồn kinh tế hạng nhất, tại vì khi mùa bông tràm nở thì cho mật rất là nhanh, lấy mật rất nhanh, sản lượng mật từ con ong mang lại nguồn thu nhập tương đối lớn. Nếu như người dân biết tận dụng rừng của mình để gác kèo ong gần như thu nhập 1 năm gác kèo bằng 4 năm trồng rừng tràm. Ở đây, anh em của em cũng có hàng mấy trăm ổ ong đã góp phần cải thiện điều kiện kinh tế gia đình", anh Khanh cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nghề gác kèo ong là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình theo nghề “ăn ong” lấy mật ở rừng U Minh Hạ này. Để thực hiện việc gác kèo ong hiệu quả, dòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm từ thực tiễn tích lũy qua nhiều năm. Điều đầu tiên người thợ phải chuẩn bị bộ kèo, gồm thân kèo, trụ đỡ và cây nạng. Bộ kèo này thông thường được làm từ cây tràm, thân suông, có đường kính từ 10-15 cm, lột sạch vỏ, khô ráo.
Theo kinh nghiệm, nơi tốt nhất để gác kèo là nơi cây tràm thấp có nhiều bông và là những trảng trống, có ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo. Kèo được gác theo hình mái nhà. Thời gian gác kèo tốt nhất là từ lúc mặt trời mọc đến 9 giờ sáng vì thời điểm này sẽ xác định đúng hướng mặt trời mọc. Thời gian ong làm tổ từ khoảng 20 đến 30 ngày nhưng cũng có khi buổi sáng gác, chiều đã có ong đóng tổ.
Mật ong rừng U Minh Hạ là đặc sản riêng của đất Cà Mau và nổi tiếng với chất lượng tốt nhất không nơi nào sánh được vì chỉ có loài ong hút mật hoa tràm trắng vàng mới có thể cho loại mật màu vàng trong vắt với mùi hương hoa tràm dịu nhẹ và vị ngọt tinh khiết như mật ong rừng U Minh Hạ. Vì vậy, mật ong rừng U Minh Hạ được đa số người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nghề gác kèo ong không chỉ có giá trị về kinh tế, là nguồn thu nhập nuôi sống bao gia đình bao thế hệ mà còn là nghề mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, có sức sống bền bỉ, gắn chặt với rừng tràm và tồn tại hàng trăm năm qua. Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức thực hành để phục vụ du khách. Công việc gác kèo ong tưởng chừng nhẹ nhàng thú vị nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro như bị ong đốt, kiến cắn, rắn rết và nhiều mối hiểm nguy khác từ chốn rừng thiêng nước độc. Đây là nghề cha truyền con nối nên không phải ai làm cũng được. Người gác kèo giỏi cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và bí quyết gia truyền.
Gác kèo ong là nghề đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ, thể hiện rõ nét nhất những dấu ấn của các bậc tiền nhân. Họ đã để lại cho đời một nghề nghiệp hết sức độc đáo, để lại cho con cháu một sản phẩm tinh thần đặc sắc, đó là những kinh nghiệm, tri thức quý báu được tích lũy từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện tính sáng tạo và thích nghi với môi trường trong quá trình khai hoang mở cõi.