Qua đỉnh dịch, Hà Nội thay đổi phương án chống dịch thế nào?

Hoàng Chiến 04/04/2022 09:26

Số ca mắc Covid-19 liên tục giảm mạnh, hàng loạt các hoạt động kinh doanh, sản xuất, vui chơi giải trí của Hà Nội đã hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Vậy, đã đến lúc cần thay đổi các phương án chống dịch?

Thành phố Hà Nội đã cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở cửa sau 21 giờ; phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm cũng đã được mở cửa trở lại.

Thấp thỏm chờ “cởi trói”

Hơn 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng liên tiếp giảm sâu. Tại Hà Nội, số ca mắc về mức dưới 10.000 ca/ngày. Số liệu đến ngày 3/4 của Bộ Y tế, Thủ đô ghi nhận 6.304 ca mắc mới.

Ngoài ra, theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), số ca mắc Covid-19 phải nhập viện, chuyển nặng và nguy kịch của thành phố cũng giảm dần trong thời gian gần đây. Trong đó, số bệnh nhân chuyển nặng và nguy kịch của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số ca đang theo dõi, điều trị.

Đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, Thủ đô đã qua đỉnh dịch, số ca mắc đã “hạ nhiệt” đáng kể. Tuy nhiên, không vì vậy mà được phép chủ quan, lơ là, thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới.

Hơn 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng liên tiếp giảm sâu. Tại Hà Nội, số ca mắc về mức dưới 10.000 ca/ngày. Số liệu đến ngày 3/4 của Bộ Y tế, Thủ đô ghi nhận 6.304 ca mắc mới.

Cũng trong thời gian gần đây, hàng loạt chính sách mở cửa linh hoạt, thích ứng với tình hình mới được thành phố Hà Nội áp dụng như cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở cửa sau 21h; mở cửa phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm trở lại; tổ chức các hoạt động giải trí ngoài trời thu hút nhiều người dân tham gia…Bên cạnh đó, Hà Nội cũng dừng việc đánh giá cấp độ dịch của các xã, phường trên địa bàn. Những chính sách này nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực và sự ủng hộ của người dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp phòng chống dịch cũ như bắt buộc khai báo y tế, yêu cầu không tập trung đông người…hiện đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện khác như karaoke, quán bar, spa, massage…chưa được hoạt động trở lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các cơ sở này và hoạt động du lịch của thành phố nói chung.

Đóng cửa hơn 1 năm vì dịch bệnh, quán karaoke của anh Đinh Văn Thắng trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) đến nay vẫn chưa được mở lại. Anh Thắng mỗi ngày như ngồi trên đống lửa: “Trong khi các dịch vụ ăn uống, nhà hàng khác đã được mở cửa từ khá sớm, đến nay được chính thức hoạt động sau 21h và đi vào ổn định từ rất lâu thì karaoke, quán bar vẫn chưa thấy có văn bản chỉ đạo nào. Đó là một bất công lớn cho dịch vụ này trong khi vốn đầu tư chúng tôi bỏ ra cho mặt bằng rất cao”.

Chia sẻ thêm, anh Thắng cho rằng việc chưa “cởi trói” cho loại hình dịch vụ như karaoke, quán bar…là không hợp lí khi tất cả các hoạt động khác đều đã đi vào hoạt động, việc tụ tập đông người đã không còn bị hạn chế, nhất là khi Thủ đô và cả nước đã mở cửa đón du khách du lịch quốc tế.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều chủ quán karaoke, quán bar, spa… trên địa bàn Hà Nội khi phải chật vật để duy trì hoạt động trong khi đã đóng cửa thời gian dài mà chưa được xem xét hoạt động trở lại.

Chị Đoàn Thủy Tiên, 25 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân cũng cho biết: “Giờ đi đường ở đâu cũng thấy đông đúc nhưng riêng quán bar, karaoke thì vẫn cấm hoạt động. Tôi không hiểu việc chống dịch sẽ có hiệu quả như thế nào trong khi chỉ loại hình này bị cấm? Đó cũng sẽ là một thiệt thòi cho các dịch vụ này khi hàng loạt dịch vụ khác đều đã được mở và đi vào ổn định”.

Các quán karaoke thì vẫn đóng cửa im lìm. Ảnh: Hoàng Chiến

Đã đến lúc thay đổi

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết. PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, đã đến lúc thay đổi các quy định phòng, chống dịch để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo phân tích của vị chuyên gia, Hà Nội hiện đã qua đỉnh dịch với số ca mắc giảm rõ rệt trong khoảng 2 tuần qua. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm chủng tại thành phố rất cao, số ca mắc chuyển nặng và nguy kịch xuống mức rất thấp; các hoạt động dịch vụ, hoạt động ngoài trời liên tục được tổ chức trong thời gian gần đây… cho thấy đã có thể coi Covid-19 như một bệnh lưu hành.

Do vậy, cũng cần thay đổi cách tiếp cận với Covid-19 để phù hợp với tình hình mới. “Việc tiếp tục đóng cửa hoạt động dịch vụ như karaoke, quán bar,… không có nhiều ý nghĩa trong phòng, chống dịch ở thời điểm hiện tại. Có thể Hà Nội đang quá cẩn trọng và rụt rè với các loại hình này nhưng giờ đây hoàn toàn đã có thể cho phép mở cửa trở lại” - ông Nga nhấn mạnh.

Không những vậy, ông Nga cũng cho rằng, nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8/2021 cũng nên có sự thay đổi trong tình hình mới. Khi đã tiến tới coi Covid-19 như một bệnh lưu hành thì khuyến cáo “Khai báo”, “Không tập trung đông người”, “Khoảng cách” đã không còn phù hợp và cần thiết.

“Thay vào đó, thành phố chỉ nên tập trung vào các đối tượng chuyển nặng và nguy kịch để hạn chế tối đa khả năng tử vong. Đẩy mạnh tiêm chủng vaccine cho các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng” - ông Nga đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội:

Sớm đưa Covid-19 sang nhóm bệnh lưu hành

Thực tế biến chủng Omicron đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam nên bệnh nhân khi mắc bệnh hầu hết đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với tỉ lệ tử vong rất thấp, không khác nhiều so với cảm cúm trước đây. Do vậy, Bộ Y tế nên có xem xét chuyển Covid-19 sang nhóm B (nhóm nguy hiểm) thay vì nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) như trước đây để vừa sớm ổn định cuộc sống của người dân, vừa tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế. Thay vì Nhà nước chủ đạo trong chống dịch thì đến nay người dân phải chủ động bảo vệ mình nếu chính thức coi Covid-19 là bệnh lưu hành.

Trong thời gian sắp tới ngành Y tế nên tập trung giám sát, phát hiện các chủng mới; hoàn thiện và điều chỉnh lại các quy định phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình mới để sớm bình thường hoá.

Các biện pháp về giãn cách, khai báo y tế, không tập trung đông người đến nay đã không còn phù hợp và không còn ý nghĩa, thay vào đó chỉ cần tập trung vào 2 chữ K trong 5K là “khẩu trang” và “khử khuẩn”. Các cơ sở khám chữa bệnh, xí nghiệp, nhà máy…cũng không cần thiết phải khai báo y tế trong thời gian tới vì không thực sự cần thiết.

Ngoài ra, cũng không nên hạn chế các hoạt động dịch vụ như karaoke, quán bar, vũ trường… ở thời điểm này. Nên sớm có chính sách mở cửa, thúc đẩy các dịch vụ này hoạt động trở lại đáp ứng nhu cầu thực tế.

H.Chiến(ghi)

Hoàng Chiến